Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước Đề thi Văn khảo sát kết hợp thi thử lớp 12 ở Nghệ An năm 2023 - 2024 vào ngày 04/5/2024 với thời gian 120 phút.
Theo đó, nội dung đề thi gồm 2 phần là Đọc - Hiểu (3 điểm) với trích đoạn bài thơ Đi vòng thế giới vẫn quanh một ngư ời của tác giả Lam. Có 4 câu hỏi yêu cầu thí sinh phải thực hiện.
Phần 2 là Làm văn (7 điểm) với đề NLXH về "những điều cần bàn để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân". Còn câu NLVH yêu cầu cảm nhận về hình tượng sông Đà trong một trích đoạn Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, từ đó nhận xét cái nhìn độc đáo của ông khi miêu tả Sông Đà.
Nếu đọc qua đề văn này, nhiều người nhận xét khá hay. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì ở câu 2 trong phần Đọc - Hiểu với yêu cầu "Trong khổ thơ thứ hai, tác giả đã chỉ ra những biểu hiện nào của cuộc sống tươi đẹp để thúc dục ta 'đứng lên đi'", có thể thấy từ "thúc dục" đang bị viết sai chính tả.
Chưa hết, trong barem chấm điểm được một trường THPT ở Nghệ An đăng tải lên fanpage chính thức của trường, thì cũng bị viết sai chính tả thành "thúc dục".
Sai sót này gây ra một vài tranh cãi nho nhỏ vì về cơ bản, đề thi - dù là thi thử vẫn cần sự chỉn chu và chính xác đến từng dấu chấm dấu phẩy, bởi đôi khi, chỉ một sai sót trong việc đưa ra dữ liệu, nhất là với các môn có liên quan đến con số, công thức đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm bài của thí sinh.
Đâu mới là từ đúng chính tả?
Nếu tra từ điển thì từ "thúc dục" không có nghĩa, mà đáp án đúng phải là "thúc giục". "Thúc giục" là một động từ có nghĩa là giục liên tục, bắt phải làm nhanh, làm gấp. Từ này đồng nghĩa với một số từ như "giục giã", "hối thúc", "thúc bách".
Ví dụ đi cùng với từ "thúc giục":
- Tiếng trống vang lên thúc giục các em học sinh nhanh chóng ra sân để tập thể tập thể dục giữa giờ.
- Cô ấy luôn miệng thúc giục tôi phải nhanh lên.
- Đừng thúc giục tôi, tôi sẽ bị cuống lên đấy.
Theo Đông (Phụ Nữ Mới)