Xóm Mả Lạng nay thuộc khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM được bao quanh bởi bốn con đường: Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Cống Quỳnh. Hiện nơi đây có khoảng hơn 600 hộ dân, hơn 2000 nhân khẩu đang sinh sống.
Nếu như trước đây, Mả Lạng nổi tiếng về các tệ nạn xã hội của TP.HCM thì nay từng con hẻm đã ‘thay da đổi thịt’.
Từ ngoài vào, hai hàng xe máy nối đuôi nhau dựng sát vào tường, chừa lối đi ở giữa. Người lạ vào, chưa tìm được chỗ để xe, có người hướng dẫn tận tình rồi hỏi thăm là khách của nhà ai để chỉ đường cho nhanh.
Bà Nguyễn Thị Khuyên (tên thường gọi là Hai) sống ở đây từ năm 1982. ‘Trước đây, bỏ chậu hoa ra ngoài cũng mất. Còn giờ, xe đắt tiền để ở ngoài cả đêm cũng chẳng việc gì. Cả khu, chỗ nào cũng gắn camera. Mọi người sống hòa thuận, tự bảo quản tài sản cho nhau’, cụ bà năm nay bước qua tuổi 79 nói.
Trong ký ức của thiếu tá Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng Công an phường Nguyễn Cư Trinh, từng làm cảnh sát khu vực này hơn 9 năm, Mả Lạng, trước đây là khu nghĩa địa, bên cạnh có một nhà thờ. Những người lao động nghèo không có chỗ ở đã đến đây dùng ván, tôn, bạt bắc từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác làm chòi che nắng mưa. Cái tên Mả Lạng ra đời từ đó.
Cuối tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chính quyền thành phố vận động người dân sống tại đây đi xây dựng các vùng kinh tế mới ở Bình Dương, Bình Phước… Khu vực này bị bỏ hoang.
Ở nơi mới, khó kiếm tiền, điều kiện sống khắc nhiệt, họ quay lại thành phố thì không còn chỗ ở nên lang thang khắp nơi. Để giải quyết trình trạng này, chính quyền thành phố quyết định di dời các ngôi mộ đi nơi khác, san lấp đất, dựng các căn chòi bằng phên tre, tôn cũ, mỗi căn rộng từ 5-10 m2 theo lô, rồi gom những người sống lang thang về, cấp nhà cho ở thông qua hợp đồng thuê.
‘Chính vì việc gom dân như vậy đã dẫn đến việc những thành phần lưu manh đường phố về Mả Lạng sống. Họ tự xưng đại ca, tạo ra các băng nhóm, phân chia địa bàn, phân chia khu vực để làm các việc phạm pháp’, thiếu tá Nam nói.
Theo thiếu tá Nam, trước đây Mả Lạng chỉ rộng bằng nửa sân bóng đá, đi bộ hơn một phút là hết, nhưng ở những năm 90, nơi đây được phân thành các khu rõ rệt. Khu A là đòi nợ thuê. Khu B, đâm thuê chém mướn. Khu C chuyên cướp giật, móc túi, tiêu thụ hàng gian. Khu D hành nghề mại dâm…
Sống trong khu vực ‘nhạy cảm’, bà Khuyên chẳng dám cho con cháu giao lưu với hàng xóm. Con đi học, vợ chồng bà thay phiên nhau đưa đón tận nơi. Khi con muốn đi chơi, vợ chồng bà phải đưa đến nơi khác.
‘Mấy thanh niên xăm trổ cứ đi qua đi lại. Những người nghiện hút say thuốc nằm ngổn ngang giữa đường. Tỉnh dậy, họ đập cửa xin cơm ăn, rồi la lối om xòm.
Cứ về đến nhà là tôi đóng cửa lại. Ông nhà tôi luôn để sẵn một con dao, cây sắt dài gần chỗ ngủ và cửa ra vào’, bà Khuyên rùng mình nhớ lại những năm tháng cũ.
Căn nhà dài 1,3m, rộng 3,2 m của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoàng xưa kia nằm ngay khu hoạt động mại dâm. Thời điểm đó, bà làm nghề giúp việc, chồng đi làm thợ hồ. Nhà bà ở giữa, hàng xóm hai bên vợ chồng hành nghề mại dâm.
Hàng ngày, người chồng chở vợ đi đến các khu nhạy cảm hành nghề. Xong việc lại chở về. ‘Nhiều hôm, bạn chồng đến chơi, nếu có nhu cầu, anh chồng môi giới cho vợ. Cô vợ với khách lên gác, anh chồng ngồi dưới canh cửa. Nhà sát nhau, tường và trần bằng tôn nên mọi tiếng động bên tôi nghe hết’, bà Hoàng kể.
Lúc đó, các con bà Hoàng đang tuổi lớn, nhiều lần hai vợ chồng muốn sang góp ý với hàng xóm nhưng lại sợ. ‘Họ hung hăng lắm, mình nói có khi bị đánh. Vợ chồng tôi phải gửi con về nhà ông bà’, bà Hoàng nói.
Thiếu tá Nam cho biết, vì cùng sống chung với tội phạm nên đã có nhiều người làm ăn lương thiện bị nhiễm. ‘Họ đặt câu hỏi, 'Sao mình đi làm cả ngày, đội mưa đội nắng không đủ ăn, còn mấy người kia ngồi nhà mà tiền rủng rỉnh?'. Vì thế, khi được rủ rê, họ tham gia.
Những người nhanh tay lẹ mắt được phân đi làm nghề móc túi, trộm cắp. Người khỏe mạnh, chạy xe giỏi thì đi giật đồ. Người khéo ăn nói thì được giao đi bán hàng gian. Những người phụ nữ, các cô gái thì được chưng diện để đi làm gái bia ôm, nghề mát-xa, đứng đường’, Phó trưởng Công an phường Nguyễn Cư Trinh kể.
Bà Khuyên cho biết, Mả Lạng trước đây rất tiêu điều, phức tạp và hỗn loạn. Trước khi anh Nam về làm cảnh sát khu vực, nơi đây đã thay đến 7 người công an nhưng chẳng ai trụ được lâu.
Năm 2001, thiếu tá Nam 20 tuổi, mới ra trường. Ngày đầu tiên về phường Nguyễn Cư Trinh nhận công tác, anh được trung tá Nguyễn Ngọc Chính, trưởng công an phường lúc đó phân về làm cảnh sát khu vực Mả Lạng.
‘Lúc đó, tôi như một tờ giấy trắng, chẳng biết gì về khu này. Được phân công nhiệm vụ, tôi rất hào hứng. Các đồng nghiệp, các anh đi trước, bạn bè ai cũng khuyên nên bỏ cuộc. Mẹ tôi thì khóc vì thương con. Nhưng bố tôi nói tỉnh bơ: ‘Lửa thử vàng. Vàng thật vàng giả là do nó. Chưa va chạm gì cả mà đã nhu thì làm sao khá được’.
Những lời nói đanh thép của người bố từng nhiều năm hoạt động trong hàng ngũ công an làm tôi thêm quyết tâm là phải đưa Mả Lạng trở về bình yên’, thiếu tá Nam nói.
(Còn nữa)...
Theo Tú Anh (VietNamNet)