Xoài hơn 300 tuổi ở miền Tây được công nhận cây di sản

22/05/2015 09:16:11

Gốc xoài cổ nhất Bạc Liêu được xác định có từ hơn 300 năm trước, cao 15 m và che bóng mát tới 300 m2.

Gốc xoài cổ nhất Bạc Liêu được xác định có từ hơn 300 năm trước, cao 15 m và che bóng mát tới 300 m2.

Ngày 20/5, UBND TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) tổ chức lễ đón bằng công nhận cây xoài cổ thụ 334 năm tuổi (tại ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông) là Cây Di sản Việt Nam. Cây xoài này nằm trong khu nghĩa địa Thọ Sơn, do Ban trị sự miếu Huỳnh Thiên Thượng Đế quản lý.
 

Xoài cổ thụ 334 năm tại Bạc Liêu. Ảnh: Việt Tường.

Theo nhà chức trách, cuối thế kỷ 17, các lưu dân Trung Quốc thời nhà Minh không phục nhà Thanh, đã di cư đến các vùng biển khu vực Tây Nam Bộ. Trong đó, cha mẹ ông Lưu Kỳ Kia đến ấp Biển Tây B định cư, đã thấy tại đây có cây xoài to bằng một người ôm.

Khu vực này nước mặn quanh năm, nhưng dưới gốc xoài lại có mạch nước ngầm, giúp thân cây phát triển tươi tốt. Cư dân trong vùng đã đào hố lấy nước ngọt sử dụng.

Vào thời đó, xung quanh cây xoài là rừng rậm, có một con cọp thường xuất hiện, được người dân gọi là thần Hổ. Sau này, cọp không còn nhưng cứ đến ngày 28/7 âm lịch hàng năm, mọi người luộc đầu heo mang đến dưới gốc xoài để cúng thần Hổ.
 

Nhiều khách du lịch đã viết tên của mình lên gốc xoài cổ thụ. Ảnh: Việt Tường.

Để xác định tuổi của cây xoài di sản, cơ quan chức năng dựa vào lịch sử hình thành vùng đất Bạc Liêu xưa. Chu vi thân cây tại độ cao 1,3 m là 6,05 m, đường kính 1,92 m, có đặc điểm hình thái bạnh vè, chu vi bạnh vè đạt 6,3 m, thuộc họ đào lộn hột.

"Xoài ra trái vào dịp thanh minh hàng năm. Trái xoài chỉ to bằng quả cóc, dính với nhau thành từng chùm, chứ không riêng lẻ nên bà con trong vùng gọi là xoài cóc", chị Nguyễn Thị Lan, một trong những người quản lý nghĩa địa Thọ Sơn cho biết.
 
Theo Việt Tường (Zing.vn)

Nổi bật