Vừa qua, mạng xã hội lan truyền thông tin, vào ngày 9/12, một học sinh trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP.HCM) bị bảo vệ xô đẩy khi ra khỏi cổng trường. Một thầy giáo người nước ngoài bắt gặp nên đã can ngăn, sau đó thầy xô xát với bảo vệ. Sau đó, thầy giáo người nước ngoài bị đuổi việc.
Người giáo viên nước ngoài sau đó đăng một bài trên trang Facebook cá nhân, trong đó viết: “Trường đã quay lưng lại với tôi và đổ lỗi cho tôi về mọi thứ. Họ không quan tâm đến học sinh hay phụ huynh và giáo viên. Họ chỉ quan tâm đến việc bảo vệ bộ mặt của trường...”. Tuy nhiên, bài viết sau đó đã bị xóa.
Tuy nhiên, hầu hết bài đăng liên quan vụ việc này đã bị xóa khỏi Facebook, chỉ còn một bài trên một diễn đàn học sinh tại TP.HCM. Bài đăng này được đăng vào ngày 14/12, thu hút 3.200 lượt tương tác, hơn 700 bình luận và hơn 200 lượt chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Dương Văn Thư, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, xác nhận trên VietNamNet, vào 10h40 ngày 9/12, giữa ông P.B.N. (nhân viên bảo vệ) và ông K.G. (giáo viên Tiếng Anh người nước ngoài) có xô xát ngay trước cổng trường trước sự chứng kiến của một số phụ huynh, học sinh, giáo viên và nhân viên.
Nguyên nhân vụ việc theo báo cáo gửi Sở GD-ĐT TP.HCM, xuất phát từ việc ông P.B.N. vì muốn chắc chắn học sinh ra về sau tiết 4 là đúng khối 11 (khối 11 ra về sau tiết 4, khối 10, 12 ra về sau tiết 5 buổi sáng) đã kiểm tra phù hiệu một học sinh nữ đang mặc áo khoác. Khi ông yêu cầu học sinh nữ cởi áo khoác để xem phù hiệu, ông đã đứng rất gần và lớn tiếng gắt gỏng khi nữ sinh chưa hợp tác.
Việc này đã khiến ông K.G. không đồng tình và can thiệp bằng bạo lực, xô ông N. (gần 65 tuổi) té ngã ra khỏi cổng trường. Sự việc được camera an ninh trước cổng ghi lại. Sau đó, hai bên đã xô xát với nhau...
Sau khi sự việc diễn ra, nhà trường đã tiến hành làm việc vào chiều cùng ngày với các bên liên quan là ông N., ông K. G và bà T.T.T.N. (Giám đốc công ty TNHH Giáo dục V.Đ.Q. - đại diện quản lý giáo viên người nước ngoài). Buổi làm việc tiến hành tìm hiểu nguyên nhân, xử lý các bước theo đúng quy định và có biên bản làm việc. Các bên liên quan đã tường trình cụ thể về sự việc.
Ông P.B.N. và ông K.G. đều nhận lỗi sai. Nhà trường yêu cầu ông P.B.N. phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không tái phạm các lỗi, chấm dứt việc kiểm tra phù hiệu và xử lý học sinh (do không được giao nhiệm vụ này).
Về phía ông K.G., trường tiếp tục để giảng dạy bình thường, nếu có bất cứ điều gì muốn phản ánh thì liên hệ trực tiếp với trường thông qua bà Hoàng Đoan Hạnh - Tổ trưởng chuyên môn tổ Tiếng Anh.
Đến ngày 13/12, bà Hoàng Đoan Hạnh và ông K.G. có trao đổi về các nội dung tin nhắn, chia sẻ của ông này về sự việc ngày 9/12. Bà Hạnh lưu ý ông K.G. trong khi chờ kết quả xử lý và giải quyết của nhà trường không nên tiếp tục bình luận, trao đổi nhắn tin về vụ việc trên mạng xã hội. Lý do là những thông tin mà ông K.G. đưa ra chưa được đầy đủ, chưa hoàn toàn chính xác, có thể gây hiểu nhầm và đẩy sự việc đi xa...
Ông K.G. đã quát bà Hạnh, đạp cửa ở khu vực phòng giáo viên, văng tục. Sau đó, ông K.G. đuổi theo bà Hạnh đang lên lớp và tiếp tục lớn tiếng.
Ban giám hiệu đã mời bà Trần Thị Thu Ngân - Giám đốc công ty TNHH Giáo dục Việt Đăng Quang đến làm việc vào chiều tối 13/12 và yêu cầu thay giáo viên.
Zing đưa tin, 18h ngày 13/12, BGH trường THPT Nguyễn Thị Diệu đã mời bà T.T.T.N. đến làm việc và yêu cầu công ty có phương án thay thế giáo viên nước ngoài khác vì không thể chấp nhận những hành động của ông K.G.
Ngoài ra, trường cũng ra quyết định chấm dứt hợp đồng với ông P.B.N., hợp đồng của ông N. hết hiệu lực từ ngày 31/12/2022 và trường không tái ký sau khi hợp đồng này hết hạn. Kể từ ngày 14/12 đến 31/12, ông N. không được phép đến trường.
Chiều 13/12, nhà trường cũng họp và quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông P.B.N. (hợp đồng hết hiệu lực ngày 31/12), không tái ký sau khi hợp đồng này hết hạn. Kể từ ngày 14-31/12, ông P.B.N. không được phép đến trường.
Chia sẻ trên Zing, ông K.G cho biết vụ việc xảy ra vào giờ nghỉ trưa ngày 9/12. Khi đó, ông K.G ra cổng trường để lấy đồ ăn thì bắt gặp ông N. tiếp xúc gần và dùng cả người để đẩy nữ sinh. Mẹ nữ sinh đứng trước cổng chờ con gái và chứng kiến hành động đó của ông N. nên đã chạy vào can thiệp.
Ông N. lớn tiếng quát mắng mẹ nữ sinh, nữ sinh thấy mẹ bị mắng nên đã lên tiếng để bảo vệ mẹ. Ông K.G đã đứng chặn giữa ông N. và mẹ con nữ sinh. Ông N. đứng rất sát nữ sinh nên ông K.G đã chặn ở giữa để đẩy ông N. ra.
Sau khi can thiệp, ông K.G quay đi thì bị ông N. bất ngờ đánh mạnh vào đầu ông K.G từ phía sau. Sau đó, hai bên xô xát với nhau và được những học sinh, giáo viên đứng gần đó can ngăn.
Chiều cùng ngày, nhà trường đã làm việc với ông KG., ông N. và bà N. đại diện công ty của ông K.G. Khi đó, nhà trường hứa hẹn với ông K.G sẽ điều tra, làm rõ vụ việc và xử lý ông N. nhưng cuối cùng ông K.G không nhận được thông báo gì từ nhà trường. Ông K.G cũng yêu cầu nhà trường trích xuất camera nhưng nhà trường không làm theo lời đề nghị của ông.
Tại buổi làm việc với nhà trường, ông K.G xin lỗi vì đã xô xát, gây rắc rối trong trường. Tuy nhiên, ông khẳng định ông không có lỗi khi cố bảo vệ học sinh vì đây không phải lần đầu tiên ông N. đối xử thô lỗ với học sinh.
Vụ việc xảy ra ngày 9/12, đến ngày 12/12 ông K.G vẫn đi làm bình thường. Đến ngày 13/12, bà H.Đ.H. gặp ông K.G trao đổi về việc không chia sẻ những thông tin vụ việc lên mạng. Bà H. nói với ông K.G rằng vụ việc này là lỗi của ông K.G, ông K.G vi phạm quy tắc ứng xử của trường nên ông không được phép đưa chuyện này lên mạng hay kể với học sinh.
Ông K.G cũng cho biết, sau vụ việc hôm 9/12, ông nhận được hơn 70 tin nhắn hỏi thăm từ học sinh nhưng ông không phản hồi ai vì không muốn gây rắc rối. Bà H. vẫn cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về ông K.G và cấm ông K.G chia sẻ thông tin cho học sinh nên cả hai lớn tiếng qua lại.
Ông K.G thừa nhận ông có văng tục với bà H. nhưng ông không đạp cửa mà chỉ đóng cửa lại. Do cửa phòng giáo viên đã cũ nên tiếng động khi đóng cửa phát ra hơi to.
Sau vụ việc, nhiều tài khoản Facebook đã chia sẻ thông tin vụ việc lên mạng xã hội. Ông K.G cho biết ông và công ty của ông bị nhà trường đe dọa, gây sức ép. Ông buộc phải nhắn tin cho từng người đăng bài để nhờ gỡ bài xuống. Về phần ông K.G, ông cũng đã xóa bài viết đăng trên trang cá nhân.
“Một lần nữa, tôi khẳng định tôi không sai khi cố bảo vệ học sinh. Tôi cảm thấy rất tệ vì nhà trường cố che giấu mọi chuyện và không bảo vệ học sinh”, ông K.G nói.
HL (Nguoiduatin.vn)