Thông tin trên VnExpress.net, anh Hà Văn Thắng, công nhân của một công ty ở huyện Bình Chánh cho biết, mặc dù còn gần 20 ngày nữa mới đến Tết nhưng anh đã gói ghém đồ đạc chuẩn bị về quê ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa). So với lịch của nhà máy phải làm việc hết ngày 21/2 (23 tháng Chạp), anh nghỉ sớm hơn 11 ngày.
"Trừ hai ngày đi đường, 7 ngày cách ly, tôi vẫn còn ít thời gian đưa con sắm vài bộ đồ mới", anh Thắng giải thích lý do về Tết sớm của mình. Cách đây một tháng, bố mẹ anh gọi điện thông báo xã yêu cầu người ngoại tỉnh về quê phải cách ly đủ 14 ngày. Vợ anh làm công nhân nhà máy dệt, đứng ngồi không yên vì hai con nhỏ đang gửi ông bà nội. Lo địa phương đổi kế hoạch gia đình sẽ mất Tết đoàn viên, chị tạm nghỉ việc không lương, khăn gói về quê từ nửa tháng trước.
"Chúng tôi sợ chẳng may xã phát hiện vài ca nhiễm rồi cấm cửa luôn người từ nơi khác đến thì hết đường về", anh Thắng cho VnExpress.net hay. Để quãng đường về nhà được nhanh nhất, vợ anh quyết định đi máy bay dù tốn kém. Phần anh, khi nhận được tin quê nhà giảm thời gian cách ly còn 7 ngày, liền chọn đi theo xe đưa rước của công ty để tiết kiệm chi phí.
Cũng giống như anh Thắng, vợ chồng Thùy có một con trai 3 tuổi. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, người mẹ trẻ phải gửi con về ông bà ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) để ở lại thực hiện "3 tại chỗ". Nửa năm xa con, nữ công nhân đếm từng ngày được về quê. Theo kế hoạch trước đó, vợ chồng Thùy sẽ nghỉ Tết từ 29/1 (27 tháng Chạp). Tuy nhiên, khi nghe cán bộ xã thông báo người đi làm ăn xa về địa phương cách ly 7 ngày, cả hai đã tính toán lại.
"Nếu cộng cả thời gian đi xe và cách ly, 10 ngày nghỉ Tết của công ty không đủ", Thùy nói. Để có thêm thời gian cho con, vợ chồng chị quyết định bỏ ra gần 8 triệu đồng để mua cặp vé máy bay khứ hồi và xin nghỉ phép một tuần.
Thông tin trên Infonet.vn, Chị Nguyễn Thị Hiền (quê Thanh Hóa làm việc tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ từ đợt dịch 30/4/2021, hai con của chị 1 cháu 3 tuổi, cháu 5 tuổi phải gửi ở quê để hai vợ chồng trên Hà Nội đi làm.
Chồng chị là dân công trình nên nay tỉnh này, mai tỉnh khác. Hiện anh đang làm tại Thanh Hóa nên Tết sẽ về luôn. Chỉ còn chị Hiền ở Hà Nội đi làm. Chị Hiền đã xin nghỉ không lương trước 1 tuần để về quê còn kịp cách ly trước Tết. Chị Hiền cho biết chị sẽ về từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch và cách ly tới 27 Tết sẽ vừa.
Khi xin nghỉ, công ty cũng tạo điều kiện cho chị Hiền. Tuy nhiên, chị đành chấp nhận không có lương cũng như mất thêm tiền lao động chuyên cần tháng 1/2022.
Cùng suy nghĩ như chị Hiền, anh Nguyễn Mạnh Đạt (trú Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang lo lắng không biết nên làm sao. Chia sẻ trên Infonet.vn, anh Đạt cho biết quê anh ở Ân Thi, Hưng Yên. Mọi năm anh ở lại ăn Tết Hà Nội chắc cũng không ảnh hưởng gì nhưng năm nay gia đình lại có tang. Bố anh Đạt qua đời mới hết 100 ngày. Nhà chỉ còn mẹ anh và cô em gái lấy chồng cách nhà 2km. Nghĩ tới mẹ ăn Tết 1 mình lòng anh lại trĩu nặng. Anh Đạt quyết sắp xếp công việc để về quê.
Tuy nhiên, anh Đạt thấy quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính 72 tiếng cộng với cách ly tại nhà 7 ngày, sau đó lại tiếp tục xét nghiệm âm tính mới được tham gia cộng đồng. Anh Đạt cho biết anh chỉ được nghỉ Tết 9 ngày trừ ngày đầu, ngày cuối đi lại thì còn đúng 7 ngày phải cách ly và xét nghiệm. Mẹ anh cũng không yên tâm sợ hàng xóm dị nghị khi con ở Hà Nội về. Quê chỉ cách 60km chưa khi nào anh Đạt thấy nó xa xôi như hiện tại.
Trả lời VnExpress.net, bà Phạm Thị Hồng Hà, Chủ tịch công đoàn công ty ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) cho hay phần đông công nhân của nhà máy quê Thanh Hóa. Từ hôm một số địa phương của tỉnh này vận động người dân hạn chế về Tết, tâm lý lao động tại doanh nghiệp khá nôn nao. Chưa kể một số nơi yêu cầu phải cách ly đến 14 ngày làm nhiều người lo lắng, mong được nghỉ Tết sớm.
Theo kế hoạch trước đó, ngày 26/1 (24 tháng Chạp) công ty sẽ tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa người lao động về quê. Tuy nhiên nếu tính cả 2 ngày đi đường, 7 ngày cách ly, công nhân sẽ hết Tết.
"Những ngày đầu năm mới rất quan trọng với người xa quê nên chúng tôi phải thay đổi phương án sản xuất", bà Hà nói. Từ đầu tháng, doanh nghiệp vận động công nhân nỗ lực làm việc tăng sản lượng, hoàn thành các đơn hàng Tết. Cùng lúc đó bộ phận nhân sự lên danh sách người muốn về quê sớm để sắp xếp. Kết quả hơn một nửa nhà máy mong được nghỉ Tết trước 10 ngày so với lịch. Nhiều người quá nôn nóng về gặp con đã bỏ vé xe, chuyển sang máy bay.
Bà Hà cho hay với số công nhân còn lại nhà máy vẫn tổ chức sản xuất dù năng suất sẽ giảm. Sau Tết, doanh nghiệp bố trí xe ra tận nơi đón người lao động.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về việc vẫn có một số địa phương yêu cầu cách ly người về quê trong tình hình dịch hiện nay có thật sự cần thiết, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh cho biết, việc cách ly và xét nghiệm, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể và hợp lý. Cụ thể, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã "thổi còi" một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về. Các địa phương nên tạo điều kiện cho người dân, người lao động xa quê về quê đón Tết an toàn.
Trước những khó khăn của người lao động có nguyện vọng về quê ăn Tết, thông tin trên Infonet.vn, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết hiện nay chúng ta đã thực hiện Nghị quyết số 128 và có văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế rất rõ ràng thì các địa phương khó có thể áp dụng biện pháp hành chính để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, làm việc và sinh hoạt là rất quan trọng trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt hiện nay.
Theo PGS Hùng, các biện pháp hạn chế đi lại, hay cách ly người về từ vùng dịch là biện pháp chống dịch của quá khứ, không nên mang để áp dụng lúc này. Một địa phương đặt thêm các quy định giữ an toàn cho tỉnh mình là không còn phù hợp.
Việc khóa cửa, khóa cổng nhà dân là vi phạm pháp luật. PGS Hùng cho rằng không thể lấy tâm lý phép vua thua lệ làng để thực hiện chống dịch cực đoan.
Tại văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế số 4800 quy định người về từ vùng xanh/vàng thì chỉ khai báo y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà. Chỉ xét nghiệm với người có triệu chứng chỉ điểm nhưng việc các địa phương yêu cầu tất cả người dân phải có giấy xét nghiệm mới được vào tỉnh, phải cách ly tại nhà là trái với tinh thần nghị quyết số 128.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)