Xét nghiệm lại gạo trong quà Tết gây ngộ độc

01/02/2016 16:34:32

Kết quả kiểm tra cho thấy gạo không có chất độc, tuy nhiên nhà chức trách bác bỏ kết luận này và yêu cầu giám định lại.

Kết quả kiểm tra cho thấy gạo không có chất độc, tuy nhiên nhà chức trách bác bỏ kết luận này và yêu cầu giám định lại.

“Không hề phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo. Hàm lượng titan, asen, chì… đều không có”, ông Dũng cho hay. Kết luận này được phân tích từ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (đóng tại TP Đà Nẵng).

Theo ông Dũng, mẫu gạo ông đưa đi phân tích được lấy tại trụ sở UBND xã Phước Trà, vì khi đơn vị này biết thông tin thì toàn bộ số gạo từ thiện còn lại ở nhà dân đã được UBND xã thu hồi đưa về niêm phong. “Số gạo còn lại ở xã khoảng 200 kg. Chúng tôi lấy mỗi bao một ít rồi trộn lại chia thành 3 mẫu. Một mẫu lưu tại huyện, một mẫu lưu tại cơ quan và một mẫu gửi đi phân tích”, ông Dũng cho hay.

Chị Hồ Thị Nhân, một trong những người bị ngộ độc sau khi ăn gạo trong quà Tết. Ảnh: H.T.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam đã bác bỏ kết luận này. “Tỉnh cho rằng kết quả này vô lý nên yêu cầu đoàn kiểm tra giám định lại”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói và cho hay ngày hôm nay, đoàn kiểm tra sẽ trở lại xã Phước Trà để lấy mẫu gạo đi xét nghiệm.

Trước đó ngày 20/1, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức cấp cho xã Phước Trà 30 suất quà Tết để trao cho người nghèo. Mỗi suất gồm có 10 kg gạo, một gói mì chính, một chai nước mắm, một chai dầu ăn và xà phòng…

Đến ngày 22/1, ba người dân dùng gạo nấu cơm ăn thì bị nôn ói, phải đi cấp cứu. Một số người dùng gạo này cho gia súc ăn thì bị chết. Nhà chức trách kiểm tra và ghi nhận gạo bốc mùi hôi. Đến nay, ba người bị ngộ độc đã dần hồi phục sức khỏe. Những người này khẳng định có chung triệu chứng nôn ói, tiêu chảy sau khi ăn cơm nấu từ gạo từ thiện.

Theo ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức, cho hay khoảng 2 tháng trước, một nhà từ thiện thông báo sẽ vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 150 suất quà cho 2 xã Phước Trà và Sông Trà, huyện Hiệp Đức. "Sau khi làm việc, chính quyền từ chối nhận quà vì địa điểm cấp phát mà đoàn từ thiện đưa ra nhạy cảm. Đây là khu vực thường xuyên diễn ra việc truyền đạo trái phép, lại quá xa người dân", ông Thắng nói.

Mặc dù không được sự cho phép của chính quyền, đoàn từ thiện vẫn lên trao quà. Sự việc sau đó bị Hội Nạn nhân chất độc da cam ngăn cản. "Đến ngày 13/1, đoàn từ thiện gọi điện cho tôi nói lên nhận quà đưa về xã trao cho người dân. Vì nghĩ cho dân nên chúng tôi thuê xe chở 100 suất quà đưa về phát cho dân nghèo", ông Thắng nói.

Theo Tiến Hùng (VnExpress.net)

Nổi bật