Chạy xe ôm được chục năm mà đến khi 40 tuổi gia đình anh Tài còn dắt díu nhau đi ở trọ, với người đàn ông này một mái ấm nhỏ đủ để "chui ra chui vào" cũng còn đang là một ước mơ xa vời.
Ông Huỳnh Bảo (SN 1948, trú P Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) hành nghề xe ôm hơn 20 năm nay cho biết: Cách đây hơn 10 năm mỗi ngày ông chạy xe ôm cũng kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày, cộng với nguồn thu nhập của vợ từ việc bán hàng cũng chỉ vừa đủ lo cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và nuôi con ăn học.
Tích cóp lắm vợ chồng ông mới xây được căn nhà nhỏ trong hẻm sâu trên mảnh đất ông bà để lại. Còn hai đứa con ông cũng chỉ cho học văn hóa hết lớp 12 rồi đi học nghề chứ cũng chẳng có tiền học lên đại học.
"Thực sự mà nói thời xưa kinh tế khó khăn người ta cũng chẳng có tiền mà đi xe ôm, chỉ khi nào gấp quá hoặc ốm đau bệnh tật gì thì người ta mới gọi xe ôm cho nhanh.
Thời đó phương tiện đi lại còn ít nên người dân thường đi xe ôm nhưng hiện nay các hãng taxi và xe buýt đầu tư nhiều xe khiến lượng khách đi xe ôm cũng giảm nhiều", ông Bảo nói với giọng buồn buồn.
Nói về việc đi chạy xe ôm mà tích góp tiền để xây được ngôi biệt thự 2 tầng như chuyện một quan chức ở địa phương nói những ngày qua, người đàn ông này thảng thốt.
"Có nhịn ăn nhịn mặc làm bao nhiêu cất hết bấy nhiêu cũng chưa chắc được nữa huống chi..." ông Bảo cười cười cho biết.
Biệt thự của một quan chức tại Đắk Lắk đang xôn xao dư luận. (Ảnh: Lao động) |
Với dáng người khắc khổ, anh Trần Văn Tài (SN 1977, đang ở trọ tại P Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Năm 1997 anh từ quê Quảng Nam vào đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng.
Thời gian đầu anh đi làm phụ hồ cũng có thu nhập đắp đổi qua ngày, sau đó cũng gặp được người đồng cảm, tâm đầu ý hợp nên duyên vợ chồng.
Sau cuộc sống khó khăn cộng sức khỏe yếu vì vậy anh quyết định chuyển sang hành nghề xe ôm.
Tuy nhiên công việc xe ôm cũng không khá hơn là mấy. Anh phải thường xuyên túc trực ở bến xe đặc biệt những lúc đêm khuya và sáng sớm.
"Khi có những hành khách đến sớm quá hoặc trễ quá, họ ngại làm phiền người thân thì mới đi xe ôm chứ thường ngày cũng rất ít khách đi xe ôm.
Thời buổi kinh tế khá giả nên hầu như ai cũng có phương tiện cá nhân, khách đi đông thì họ đi taxi, còn ít thì họ cũng có người thân đưa đón.
Thu nhập từ một cuốc xe ôm cũng chỉ được vài ba chục ngàn, họa hoằn lắm có người về huyện xa thì may mới được trăm ngàn. Một ngày có được ba, bốn cuốc xe ôm đi ngắn ngắn cũng coi như đắt khách", anh Tài cho biết.
Mùa hè trời ấm đông người ra đường còn đỡ, chứ vào mùa đông thời tiết lạnh cắt da cắt thịt chẳng ai muốn bước ra đường ngoài đường vắng teo, gió lạnh, đứng nơi ngã tư đường một mình cả đêm không được khách nào càng buồn hơn.
Nhưng nghỉ cũng không được vì ban đêm thỉnh thoảng có khách họ thường trả lộ phí cao hơn, nghỉ thì tiếc lại không biết lấy đâu ra chi phí trang trải cho cuộc sống.
Vợ anh làm cả tháng cũng chỉ được hơn 3 triệu, trong khi đó tiền thuê nhà trọ cũng đã hết triệu rưỡi, tiền học phí cho hai đứa con, áo quần, rồi ăn uống hàng ngày chưa kể khi ốm đau bệnh tật.
Ngày nào may mắn có khách còn đỡ, có những ngày ế ẩm nỗi buồn trong anh càng nặng trĩu khi tiền nhà trọ, tiền học phí của con cứ đến tháng lia lịa.
Tích cóp được ít tiền anh mới đổi được cái xe mới, bởi theo anh xe ôm bây giờ phải có xe xịn người ta mới đi, chứ xe cọc cạch khách người ta cũng chê rồi thuê người khác.
Vợ chồng anh cũng ráng dành dụm để mua căn nhà nhỏ nhỏ làm nơi an cư.
"Chứ 40 tuổi đầu rồi mà còn dắt díu nhau đi ở trọ thì kể cũng khổ, nhưng xem ra cái nghề xe ôm với thu nhập ít ỏi thì ước mơ của mình vẫn còn xa vời lắm", anh nói giọng chùng xuống.
Khi nghe PV kể về việc ông Phó ban nội chính tỉnh nhờ chạy xe ôm tích cóp mà xây được biệt thự tiền tỉ, anh Tài nói mấy bữa nay có nghe xôn xao vụ này.
"Nếu mà chạy xe ôm có thể xây được ngôi biệt thự như thế thì tôi chỉ cần xây được căn nhà nho nhỏ đủ cho gia đình ở là tốt rồi", anh Tài nói.
Theo Nguyễn Lê (Trí Thức Trẻ)