Xe máy không chính chủ, làm sao phạt nguội?

25/04/2024 10:34:24

Nhiều xe máy được bán trao tay, thậm chí có xe qua mấy đời chủ. Do đó, rất khó để phạt nguội với người điều khiển phương tiện này khi họ vi phạm an toàn giao thông.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý 2 hôm 24/4, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng lưu ý các địa phương cần nghiên cứu triển khai hình thức phạt nguội đối với người điều khiển xe máy vi phạm trật tự an toàn giao thông. 

Theo Bộ trưởng GTVT, hiện nay số lượng người điều khiển xe máy vi phạm an toàn giao thông khá nhiều, do đó cần tăng cường kiểm soát, có hình thức phạt nguội với chủ phương tiện này.

Bộ trưởng cho biết, ở nước ngoài đến ngã tư khi đèn xanh thì ô tô có thể tăng tốc nhưng ở nước ta lại khác. “Tài xế ô tô vẫn phải nhìn xem có xe máy ở hướng khác vượt đèn đỏ lao lên hay không? Không khó để thấy xe máy, xe đạp điện sẵn sàng chen ngang sang. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.  

Hiện xe máy vẫn là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80-90% lưu lượng giao thông. Việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông hơn nữa trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Xe máy không chính chủ, làm sao phạt nguội?
Xe máy ùn ùn đi vào Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Đình Hiếu 

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đến hết năm 2023, tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt hơn 73 triệu chiếc. Riêng tại Hà Nội, thống kê của Sở GTVT cho thấy, đến tháng 11/2023, Thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó chủ yếu là xe máy với 6,7 triệu chiếc.

Được biết lực lượng CSGT hiện đã triển khai phạt nguội với xe máy. Gần đây nhất vào cuối tháng 3, qua trích xuất camera giám sát, Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã phát hiện, xử lý nhiều tài xế điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông. Trong đó có trường hợp bà N.T.T. (41 tuổi, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa). Chỉ trong  tháng 2, bà đã vi phạm 26 lần, cụ thể là 16 lần vượt đèn đỏ và 10 lần không đội mũ bảo hiểm. Với các lỗi vi phạm này, bà T. bị xử phạt 15,4 triệu đồng.

Tại Hà Nội, CSGT cũng tiến hành xử phạt nguội với người điều khiển xe máy. Việc xử lý phạt nguội không chỉ được ghi nhận thông qua hệ thống giám sát mà còn từ thông tin, hình ảnh của người dân gửi cho CSGT thông qua Zalo.

Trao đổi với VietNamNet, PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (trường Đại học Việt Đức) cho rằng, việc xử phạt nguội đối với xe cá nhân, đặc biệt là xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết vì số lượng xe lớn. 

Tuy nhiên để triển khai ngay trên diện rộng thì rất khó. Bởi lẽ để phạt nguội cần có số lượng lớn hệ thống camera khắp nơi trên toàn quốc để phát hiện những hành vi vi phạm. Thứ hai, ô tô có 2 biển phía trước và phía sau nên camera dễ soi được biển số nhưng xe máy chỉ có biển số phía sau.

“Một vấn đề thách thức nữa là xe máy ở nước ta được bán trao tay nhiều, thậm chí có xe qua mấy chủ. Do đó, xảy ra hiện tượng xe lưu thông ở tỉnh A nhưng chủ thực sự lại ở tỉnh B. Vậy camera làm cách nào để xác định được chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm?”, PGS. TS Vũ Anh Tuấn đặt vấn đề.

Do đó, theo chuyên gia này, việc triển khai phạt nguội cần có lộ trình. Đầu tiên là phải đăng ký biển số xe máy chính chủ trên phạm vi toàn quốc. Tiếp đến cần quy định xe máy phải lắp biển cả trước và sau giống như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Cuối cùng là cần có hệ thống camera AI để hỗ trợ phát hiện những phương tiện vi phạm. 

Theo N.Huyền (VietNamNet)