Xe cấp cứu tư nhân được cấp “biển xanh”
Chiều 14/10, một chiếc xe cứu thương mang BKS 28M - 000.29 đang lưu thông trên đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đoạn qua địa phận xã Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội) theo hướng từ Hòa Bình - Hà Nội thì bất ngờ xảy ra va chạm với xe taxi BKS 29A - 349.76 đi theo chiều ngược lại.
Đáng chú ý, chiếc xe cấp cứu này mang “biển xanh” nhưng lại dán nhận diện của một doanh nghiệp cấp cứu tư nhân. Cụ thể, bên kính hông xe có dòng chữ Vận chuyển cấp cứu Hà Sơn, số GPHĐ: 278/HNO-GPHĐ kèm số điện thoại và logo của hãng xe này. Kính sau thậm chí còn dán số điện thoại của 115 tỉnh Hòa Bình: “Tổng đài miễn phí 0218115”. Theo một số nhân chứng, thời điểm xảy ra tai nạn, bên trong chiếc xe không được trang bị đầy đủ dụng cụ y tế cần thiết. Lốp dự phòng đầy bùn đất để ngay cùng khoang với bệnh nhân.
Theo phản ánh của người dân, trước khi gặp tai nạn, chiếc xe liên tục xuất hiện tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Tại sân bệnh viện này còn thường xuyên có 4 xe cấp cứu mang tên Hà Sơn túc trực.
Ghi nhận ngày 24/10, có 3 xe cấp cứu có mặt tại sân Bệnh viện Hòa Bình, tuy nhiên dòng chữ: “Vận chuyển cấp cứu Hà Sơn” và logo đã được bóc đi, số điện thoại liên hệ vẫn được giữ nguyên. Trong khi theo quy định, xe cứu thương đã được cấp phép phải ghi rõ tên cơ sở, giấy phép, thông tin liên hệ trên thân xe nếu không sẽ bị xử lý theo quy định. Trong trường hợp này những chiếc xe cấp cứu đang đỗ tại sân Bệnh viện Hòa Bình có thể coi là xe cấp cứu “dù”.
Để có thêm thông tin về những chiếc xe này, nhóm PV Tiền Phong liên hệ làm việc tại “Phòng điều hành xe cấp cứu 115 - Phòng trực bảo vệ bệnh viện” ngay trong khuôn viên bệnh viện. Nhóm người điều hành tại đây cho biết, những chiếc xe đỗ tại đây đều là xe “chuẩn” của bệnh viện. Bệnh nhân có nhu cầu, tổ xe sẽ điều xe đưa cáng đón tận giường bệnh.
Được biết, chi phí xe từ Bệnh viện Hòa Bình về tới Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) là 1.650.000 đồng, chưa bao gồm chi phí kèm theo. “Nếu dùng bình oxy, máy đo nhịp tim… thì tính thêm tiền. Dùng cái gì tính thêm cái đó. Chỉ cần gọi trước 10 phút là có xe”, một người trong đội xe cho hay.
Bệnh viện trốn tránh trách nhiệm?
Vấn nạn xe cấp cứu “dù” tung hoành tại các bệnh viện đã khiến dư luận bức xúc từ lâu, đặc biệt sau vụ việc bảo vệ chặn xe cấp cứu chở bệnh nhi hấp hối tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại các Bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, K cơ sở 2 (Tân Triều)… đều có sự xuất hiện của xe cấp cứu “dù”. Loại hình này khiến việc tranh giành khách diễn ra phức tạp, nhiều bệnh nhân đang cơn thập tử nhất sinh một lần nữa phải chịu “chặt chém” từ loại hình thiếu kiểm soát này.
Về việc hợp thức hóa cho xe cấp cứu “dù” ngang nhiên hoạt động trong bệnh viện, đại diện Bệnh viện Hòa Bình cho biết, hiện nay bệnh viện không ký với bất cứ đơn vị cấp cứu nào. Tất cả các đơn vị đủ điều kiện vận chuyển cấp cứu đều được phép vận chuyển bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh nếu bệnh nhân có yêu cầu và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Các hoạt động tranh giành bệnh nhân, gây mất trật tự tại bệnh viện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với việc Hãng xe vận chuyển người bệnh Hà Sơn được cấp xe biển xanh, hoạt động thường xuyên tại khuôn viên Bệnh viện, vị này thông tin: “Trước đây chúng tôi có ký hợp đồng với Cty Hà Sơn, nhưng mới thanh lý hợp đồng trong tháng 9/2018”. Sau đó, bệnh viện đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo các điều kiện theo quy định và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, cả hai đơn vị tham gia dự thầu đều không đáp ứng được các yêu cầu trên, trong đó có hãng xe Hà Sơn nên chúng tôi đã gửi văn bản trả lời các nhà thầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, đơn vị vận chuyển người bệnh Hà Sơn đã được Sở Y tế Hà Nội cấp phép nhưng chỉ với 1 xe cấp cứu. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội xe cấp cứu của đơn vị này hoạt động khá rầm rộ.
Theo phản ánh, có khoảng 4 xe cấp cứu mang tên Hà Sơn cũng đang hoạt động tại Hòa Bình, chủ yếu tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Ông Trung cho biết thêm, Sở Y tế Hà Nội sẽ sớm có công văn gửi các đơn vị tại tỉnh Hòa Bình, đề nghị xác minh làm rõ hoạt động cấp phép của các xe cấp cứu mang tên Hà Sơn trên địa bàn Hòa Bình. Từ đó là cơ sở để Sở Y tế Hà Nội có thể tăng cường quản lý hãng xe này nói riêng và xử lý hoạt động của xe cấp cứu “dù”.
Thông tư 64/2017/TT-BCA quy định biển xanh chỉ cấp cho một số cơ quan Nhà nước nhất định như: Các cơ quan của Ðảng; Văn phòng Chủ tịch nước, các đơn vị sự nghiệp công lập… Tương tự, đầu số gọi khẩn cấp 115 chỉ cấp cho ngành Y tế, cũng giống như đầu số 113 cấp cho Cảnh sát trật tự phản ứng nhanh, 114 cấp cho Cảnh sát PCCC.
Theo Hiếu Minh (Tiền Phong)