Xe buýt BRT và sự yếu kém đáng ngờ của quy hoạch

09/05/2017 08:18:00

Hệ thống xe buýt nhanh Hà Nội, một phương tiện giao thông hiện đại của thế giới, vừa khai trương được vài tháng đang được "mổ xẻ" quyết liệt. Cái gì đang xảy ra?

Hệ thống xe buýt nhanh Hà Nội, một phương tiện giao thông hiện đại của thế giới, vừa khai trương được vài tháng đang được "mổ xẻ" quyết liệt. Cái gì đang xảy ra?

BRT thực chất là gì? Phải chăng người dân Hà Nội và giới truyền thông đang quá khích phản bác BRT một phương tiện giao thông hiện đại bậc nhất trên thế giới sẽ góp phần làm cho Thủ đô Hà Nội hiện đại hơn?

BRT là viết tắt của Bus Rapid Transit - hệ thống xe buýt nhanh - là phương tiện giao thông đô thị nhanh,tiện nghi và hiệu quả. Đặc trưng của hệ thống BRT là: Có làn đường xe buýt nhanh riêng, có đèn tín hiệu giao thông riêng, có các bến đỗ riêng dễ tiếp cận đảm bảo cho hệ thống hoạt động trơn tru và nhờ độc lập với mọi hoạt động giao thông khác để nó có thể vận hành với tốc độ cao và an toàn. (Theo Daimler Đức, một trong hãng sản xuất xe buýt nhanh hàng đầu thế giới)

Với sự bùng nổ dân số đặc biệt ở các nước đang phát triển và tốc độ đô thị hoá quá nhanh,quá nóng, (từ 2008 đã có tới 50% dân số thế giới sống trong các đô thị. Con số này đến 2070 sẽ lên 70% theo số liệu của LHQ).

xe buýt nhanh, BRT, giao thông, phương tiện

Xe buýt nhanh BRT bị kẹt cứng giữa các phương tiện giao thông khác. Ảnh: NLĐ

Hiện có trên 1.000 thành phố có dân số trên 500.000 người và đã có nhiều đô thị đã có số dân 20-40 triệu người. Ở Việt Nam ,TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng sẽ trở thành Mega City có trên 10 triệu dân. Giao thông đô thị đã trở thành vấn nạn và việc giải quyết khắc phục nó trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó BRT là giải pháp tối ưu nhất để giải quyết thách thức này.Ở nhiều nước, hiệu quả của BRT thậm chí được đánh giá ngang với tàu điện:tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hàng chục lần so với diện tích chiếm đường, chiếm đất của ô tô cá nhân. Hiện trên thế giới đã có tới 180 hệ thống BRT với khoảng 40.000 chiếc buýt nhanh, hàng ngày vận chuyển một khối lượng hành khách lêntới 30 triệu người.

Nhưng ở một số nước đang phát triển mà đô thị của họ được phát triển quá nóng, yếu kém về quy hoạch thì BRT không thể vận hành có hiệu quả như dự kiến. Phải chăng điều này đang xảy ra với xe buýt nhanh BRT Hà Nội?

Tôi xin trao đổi một vài ý kiến quanh dự án tiên phong này.

Một phương án giao thông đô thị hiện đại ở ngay Thủ đô Hà Nội có số vốn vay lên tới 55 triệu USD tất nhiên về nguyên tắc phải được nghiên cứu đa ngành công phu, kỹ lưỡng và phải có sự tham gia của chuyên gia quy hoạch đô thị và khi cần thiết phải có tư vấn quốc tế có uy tín tham gia. Quá kinh ngạc vì sao một Dự án quan trọng như vậy được phê duyệt từ 2006 , khởi công từ 2008 mà đến tháng 12/2016 mới được đưa vào vận hành?

Dự án này từ ban đầu đã thiếu tính khả thi. Khi có cơ hội chủ đầu tư tăng mật độ xây dựng vô tội vạ để kiếm lời bất chấp hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu kém. Các khu dân cư thiếu đồng bộ như trường học, bệnh viện ,nhà trẻ trong khi đường xá quá hẹp, nhiều giao cắt, thiếu mạng lưới phân cấp (gồm các tuyến chính, tuyến nhánh, tuyến gom). Người dân có thể đi buýt nhanh từ điểm A đếm điểm B. Nhưng từ điểm B người dân không có phương tiện công cộng đi đến các điểm C,D...X Y...khác nhau mà họ cần phải đi đến.

Bên cạnh đó, các thông số cơ bản về kinh tế xã hội,kỹ thuật phải dựa vào đó để lập dự án đã thay đổi chóng mặt. Sau 10 năm (2006 – 2016 ) dân số Hà Nội đã tăng thêm 2 triệu người. Số lượng xe ô tô và xe máy đã lên tới con số 6 triệu phương tiện và dự kiến 2020 Hà Nội sẽ có 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Những con số thách thức khủng khiếp cho BRT khi vận hành mà không có tuyến đường riêng đạt chuẩn..

Áp lực dân số ngày từ các khu đô thị cao tầng san sát nhau mọc lên sát trục đường trục Bắc Hà Đông – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ – nút Giao Văn Minh – Cát Linh mà tuyến 14,5 km xe buýt nhanh này dự kiến vận chuyển là quá lớn và ngày một tăng thêm.

Hàng ngày có hàng chục ngàn người có nhu cầu đi lại khắp Hà Nội. Trong khi đó tính toán của Sở GTVT Hà Nội, trên “ tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã mỗi giờ buýt nhanh sẽ vận chuyển được 1.800 lượt khách, đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại trên tuyến”. Có nghĩa 85 % nhu cầu đi lại của người dân vẫn phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân là xe máy và xe ô tô. Trong khi đó về diện tích đường thì BRT chiếm tới 35- 40 % diện tích mặt đường cùng tuyến!

Không khó để thấy ngay thực tế BRT Hà Nội hiện nay do không đạt chuẩn kỹ thuật cực kỳ quan trọng như đã nêu trên, nên xung đột giữa xe buýt nhanh và các phương tiện giao thông khác khi vận hành đặc biệt ở giờ cao điểm là không thể tránh khỏi, thậm chí có thể có tai nạn. Các biện pháp phạt nóng phạt nguội trong chừng mực nào đó sẽ góp phần giảm nhưng không thể triệt tiêu xung đột mất an toàn này.

Hiệu quả: Cũng theo hãng Daimler Đức một tiêu chí quan trọng nữa của BRT là thời gian đầu tư nhanh và hiệu quả . BRT với khoảng đường 14,5 km lại không đảm bảo an toàn,“ Buýt nhanh sẽ rút ngắn được thời gian đi lại tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã là 5-10 phút so với buýt thường...” Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội cho biết thì không thể nói là hiệu quả được và người dân Hà Nội dù muốn hay không ít nhiều cũng phải mang trên vai món nợ từ 54 triệu USD này

Vậy thì dù muốn hay không, dù sớm hay muộn chúng ta cũng cần phải có hệ thống giao thông công cộng hiện đại.Nhưng các dự án BRT sắp tới buộc phải có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch đô thị, kiến trúc, giao thông , bảo vệ môi trường, công an Hà Nội và cần mời chuyên gia của các hãng sản xuất và cung cấp BRT hàng đầu thế giới tư vấn.

Nếu không mọi việc sẽ rối bù như Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây đã phải nói: “Chúng ta phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội..” 

Theo KTS Lý Trực Dũng (VietNamNet)

Nổi bật