"Xe 29 chỗ trừ bác tài đi còn 28, mà các bác nhét như thế quá bằng nhét chuột, chịu sao nổi, lại không đảm bảo an toàn nữa, đến lúc lật xe thì ngồi nhìn nhau mà cười sao", độc giả Đức Ỉn chua chát chia sẻ.
Cho rằng đây là hành vi quá nguy hiểm, coi thường tính mạng người khác, Mỹ Loan đề nghị, cần phạt nặng những xe khách liều lĩnh chở vượt khách hàng chục đến hàng trăm %. Thậm chí, nên truy tố nhà xe làm ẩu để răn đe.
Đồng quan điểm, độc giả Hanhle đề xuất, ngoài giữ bằng lái cơ quan chức năng cần cấm vĩnh viễn xe này chạy tuyến Nam Định - Hà Nội.
Bên trong xe khách Phượng Hưng. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Ai hiểu được nỗi khổ của nhà xe
Thừa nhận xe 29 chỗ chở 93 người là quá nhiều, nhưng độc giả Thanh Nguyen Van cho rằng, chở 40 khách là hợp lý. Rồi anh lý giải, mua một xe khách hết tầm 1 tỷ đồng, chạy ngày thường chỉ dư chút ít, chủ yếu trông chờ cuối tuần và ngày lễ.
"Nếu chở đủ tải tức là 29 người/xe thì lượng người còn lại đi lên Hà Nội bằng cách nào? Đâu phải ai cũng có xe cá nhân, ai cũng có tiền đi taxi? Nhà xe mà trở đông thì công an phạt, không chở thì nhỡ hết cho người dân! Cái gì cũng có hai mặt các bạn đừng phiến diện", Thanh Nguyen Vanchia sẻ.
Cũng kinh doanh xe khách, Thành Trung Seal cho hay, chở đủ tải chỉ đủ tiền dầu và lương cho lái và phụ xe, còn "chủ đói nhăn răng". "Nói thật chứ cơ quan chức năng còn mong chúng tôi vi phạm ấy, vì sao thì chắc các bạn cũng biết", anh tiết lộ.
Không đồng tình, độc giả Noob viết: "Vì số thanh niên suy nghĩ ấu trĩ như này mà giao thông Việt Nam đã tệ còn thêm tệ. Đừng có lý do lý trấu là chở nhiều mới đủ ăn, trong khi bắt ép khách phải nhồi nhét để mình lấy tiền".
Còn độc giả Phan bộc trực: "Không làm được thì dẹp xe đi. Bạn có biết chở quá tải như vậy nguy hiểm thế nào không. Lấy tính mạng từng đó người mà bao biện cho 'nỗi khổ' nhà xe à".
Là người có mặt trên xe, độc giả Xu Đi chia sẻ, số lượng xe có hạn, trong khi ai cũng muốn đi để kịp buổi học và làm. Nên dù bị nhồi nhét, mọi người ai cũng "thông cảm cho nhau".
Nói về nỗi khổ của nhà xe, độc giả Hoàng Văn Bùi dẫn lại đoạn hội thoại thường thấy tại bến xe: "'Anh ơi! Em đây, anh mở cửa em lên với', 'Anh ơi! Anh không nhận ra em à?'". Rồi độc giả này mong mỏi: "Giá như ngày lễ tết có thêm tuyến tăng cường thì tốt".
Khẳng định lỗi ở nhà xe nhưng độc giả Hùng nhìn nhận, lỗi một phần cũng tại hành khách. Nếu xe đông quá thì tìm xe khác hoặc nhờ người nhà, thuê xe ôm lên bến xe tỉnh đón xe.
"Cứ tưởng tượng nếu chiếc xe kia không may bị sự cố thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra", anh nêu ví dụ.
92 hành khách bước xuống xe. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng chở quá tải, lỗi không nhỏ là do CSGT không làm nghiêm.
"Cảnh sát kìa. Kéo rèm, núp đi! Lệnh của phụ xe được ban bố. Bị CSGT gọi lại, xe táp vô lề phụ xe nhảy xuống đóng cửa 20s sau quay lại đi tiếp. Chuyện gì xảy ra giữa CSGT và phụ xe thì trời đất đều biết", độc giảKjjikjhu bình luận.
Có cùng chia sẻ, độc giả Nguyễn Link cho hay, những ngày này các xe từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh... đều quá tải, khi CSGT kiểm tra, phụ xe bước xuống cầm theo quyển sổ kẹp tiền vào và 20s sau quay lại xe lại vi vu.
"Chính những CSGT này đã tiếp tay cho nhà xe làm liều. Người thì bảo lỗi nhà xe nhồi nhét gây nguy hiểm cho hành khách, người thì bảo không nhồi nhét thì muộn giờ làm, giờ học, mỗi người một cái lý riêng. Nhưng mà sao CSGT kiểm tra xử phạt ít xe vậy?", Nguyễn Link đặt câu hỏi.
Nói về giải pháp, độc giả Lê Cường cho rằng mỗi người phải có ý thức riêng, xây dựng văn hoá xe khách. Cần mua vé đặt trước theo thông tin cá nhân để nhà xe biết lượng khách, ngành giao thông có kế hoạch huy động thêm xe.
"Như tôi thấy ở TP HCM, nhiều hãng xe bán vé, lên lịch. Khi đó tự các hãng cạnh tranh, CSGT xử phạt thật mạnh xe vi phạm, tạo điều kiện hết mức cho xe tốt", Lê Cường cho biết thêm.
Theo Nhật Lâm (Zing.vn)