Sáng 17/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai họp giao ban công tác ứng phó với bão số 6.
Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 7h sáng 17/10, tâm bão số 6 đang ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 14. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 20km/h.
Theo ông Lâm, đặc biệt sáng nay, không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống phía Nam nên nhiều khả năng sẽ tương tác với bão, khiến bão mạnh lên. Trong hôm nay và ngày mai bão có khả năng đạt cường độ cực đại, đạt cấp 12-13, giật cấp 15. Nguy hiểm nhất đối với cơn bão số 6 là ở trên biển có gió mạnh, sóng lớn.
Ông Lâm nhận định kịch bản dễ xảy ra nhất là khi bão đạt cường độ cực đại trong ngày 18/10, do tác động của không khí lạnh nên bão suy yếu nhanh. Khi vào vùng biển Trung Bộ chỉ còn áp thấp nhiệt đới hoặc vùng thấp nên ở trên đất liền ít chịu tác động gió và mưa.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, một kịch bản nữa có xác suất khoảng 30-40% là bão tan luôn trên biển. Còn kịch bản xấu nhưng xác suất thấp (10%) là khi không khí lạnh không mạnh như dự báo thì bão có khả năng vẫn giữ cường độ cấp 8-9 khi vào đất liền.
Thông tin trên Tuổi Trẻ, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết hiện vẫn còn tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa. Hiện Bộ đội biên phòng đang phối hợp cùng địa phương để yêu cầu tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Vùng biển Quảng Trị đến Bình Định còn nhiều tàu hoạt động, theo dự báo bão sẽ suy yếu nhưng Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo sẵn sàng bắn pháo hiệu để ngư dân chủ động sản xuất.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá bão số 6 rất mạnh trên biển, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát cơn bão số 6 để đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền (đến UBND cấp xã), chủ tàu thuyền, gia đình,... bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm hoặc có khả năng ảnh hưởng của bão, di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn.
Ông Thành cũng đề nghị các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng phải sẵn sàng kịch bản ứng phó với bão, dù xác suất lớn là khi vào gần bờ bão sẽ suy yếu. Tuy nhiên không loại trừ khả năng bão đổ bộ vào đất liền.
Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cần xây dựng hai kịch bản ứng phó với bão số 6. Kịch bản thứ nhất xây dựng theo phương án dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia là bão suy yếu khi vào gần đất liền. Kịch bản thứ hai là trường hợp bão không suy yếu khi vào đất liền" - ông Thành yêu cầu.
HL (Nguoiduatin.vn)