Biệt thự 2 tầng và nhiều công trình khác của gia đình ông phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Đề xuất cưỡng chế
Ông Phạm Tân, Chủ tịch UBND phường Ea Tam, cho biết qua kiểm tra, phát hiện bà Tuất xây dựng trái phép nhà 2 tầng (hơn 170 m2, xây năm 2012), nhà chòi (19 m2, xây năm 2011), hồ bơi (hơn 153 m2), hồ cá (80 m2)… trên đất nông nghiệp tại phường Ea Tam.
Theo ông Tân, UBND phường Ea Tam đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với việc xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Theo đó, thời hạn xử phạt hành chính đối với hành vi của bà Tuất đã hết nên chỉ buộc tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày 25-3, không tháo dỡ thì cưỡng chế, giải tỏa. Sau đó, bà Tuất có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng xin giữ lại các công trình và sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau. Do đó, UBND phường đã báo cáo UBND TP xin ý kiến xử lý.
Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp |
Chiều cùng ngày, ông Bạch Văn Mạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết Tỉnh ủy chưa nhận được báo cáo của TP Buôn Ma Thuột và ông cũng chưa nghe thông tin này. “Khi có thông tin, chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ cho báo chí” - ông Mạnh khẳng định.
Họ không thích tôi nên mới xảy ra chuyện!
Tối 31-3, trao đổi với phóng viên, thừa nhận xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là sai nhưng ông Kỷ cho rằng chính quyền không công bằng.
Ông Kỷ nói: “Sau khi tôi bị kỷ luật cảnh cáo thì UBND phường Ea Tam tới kiểm tra và lập biên bản về việc gia đình tôi xây nhà trên đất nông nghiệp. Tôi nói thẳng là có nhiều người không thích tôi nên mới xảy ra chuyện này. Khu đất này lúc gia đình tôi mua có 1 ngôi nhà cấp 4 và một số ao hồ. Năm 2012, tôi nhờ người xin giấy phép xây dựng nhà nhưng chính quyền trả lời khu đất này chưa quy hoạch khu dân cư chứ không nói là không quy hoạch khu dân cư. Tôi nghĩ trong này vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nhưng muốn sống ổn định và làm nông nghiệp nên năm 2012 gia đình bắt đầu xây dựng nhà. Trong thời gian xây dựng, không có bất kỳ cán bộ nào tới yêu cầu tạm dừng xây dựng”.
Cũng theo ông Kỷ, ngôi nhà là tài sản cả đời tích góp của vợ chồng ông. Vợ ông kinh doanh nhiều mặt hàng, còn ông ngoài làm cán bộ nhà nước thì lúc trẻ sau giờ làm việc phải chạy xe ôm thâu đêm để tích góp. Toàn bộ khu vực này có hơn 100 ngôi nhà đều xây dựng trên đất nông nghiệp, nhiều biệt thự 2-3 tầng và có nhà của nguyên lãnh đạo tỉnh nhưng chính quyền chỉ yêu cầu một mình gia đình ông tháo dỡ là không công bằng.
“Nếu vợ chồng tôi xây nhà trên đất lấn chiếm của người khác, đất của nhà nước, khi cơ quan chức năng cưỡng chế thì vợ chồng tôi sẵn sàng ra gầm cầu ở. Đằng này gia đình tôi xây trên đất của mình, có sổ đỏ. Vợ chồng tôi sẵn sàng tự sát ngay tại chỗ nếu cưỡng chế. Họ không cưỡng chế ai cả, chỉ cưỡng chế mình gia đình tôi nên chỉ có lấy cái chết để giải oan cho mình. Cả cuộc đời này chỉ còn từng đó (ngôi nhà - PV), không có gì nữa. Nếu họ nghĩ tôi tham ô thì cứ làm đi, sai đâu tôi chịu” - ông Kỷ nói.
Rút đơn khiếu nại Trước đó, Báo Người Lao Động phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Sỹ Kỷ do trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (từ năm 2011-2015) có nhiều sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng giáo viên, đầu tư xây dựng… Ngoài ra, ông Kỷ không trung thực, gương mẫu trong kiểm điểm cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4. Ông Kỷ cho rằng hình thức kỷ luật cảnh cáo là quá nặng, không đúng với mức độ sai phạm nên làm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, theo ông Kỷ, do quá mệt mỏi nên ông rút đơn khiếu nại và được chấp thuận. |