Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 đợt 1 vừa diễn ra, dư luận xôn xao trước thông tin: trong buổi thi môn Toán chiều 7/7, khi còn khoảng 5 phút nữa mới hết thời gian làm bài, hình ảnh đề Toán và phiếu trả lời trắc nghiệm được đăng lên mạng xã hội kèm nội dung nhờ giải giúp 5 câu trong đề. Nhiều người lo ngại về tính nghiêm túc của kỳ thi.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành giáo dục đã phối hợp với cơ quan công an khẩn trương vào cuộc xác minh. Theo đó, thí sinh “tuồn” đề ra ngoài được xác định là ở Quảng Bình. Thí sinh này đã bị đình chỉ thi môn tiếng Anh vào ngày 8/7. Hiện, sự việc vẫn đang tiếp tục được điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.
Giám thị không làm hết trách nhiệm!
Xung quanh sự việc này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, TS.Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp (bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Rõ ràng ở đây có chuyện cán bộ coi thi không nắm hết chức trách được giao, để cho thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Tất nhiên là thí sinh sẽ cũng có nhiều cách giấu thiết bị công nghệ, nhưng để xảy ra sự việc như thế này thì giám thị không thể không có trách nhiệm. Giám thị luôn luôn phải cảnh giác, giám sát chặt chẽ việc thí sinh mang “vật cấm” vào phòng thi. Thậm chí, kể cả việc thí sinh có mang được điện thoại vào phòng thi nhưng quá trình coi thi mà làm chặt chẽ thì các em cũng không thể giơ điện thoại lên mà chụp đề gửi ra ngoài”.
Vị chuyên gia giáo dục phân tích: “Khi thí sinh chụp phiếu đề thi trong trường hợp này rất đủ ánh sáng, chụp trên mặt bàn, như vậy cho thấy rất lộ liễu, chứ không phải giấu trong ngăn bàn chụp lén lút. Rõ ràng trách nhiệm của giám thị lúc kiểm soát đầu vào học sinh và quá trình coi thi đã rất lơ lỏng. Dứt khoát phải phê bình, kỷ luật giám thị coi thi”.
Cũng theo TS.Hoàng Ngọc Vinh: “Qua sự việc của thí sinh này, dư luận sẽ đặt dấu hỏi, vậy thì còn có trường hợp nào khác vi phạm không? Nếu người ta không đưa lên mạng thì có bị phát hiện, xử lý hay không? Riêng việc thí sinh mang điện thoại vào phòng thi là đã bị kỷ luật rồi, chứ chưa nói đến chuyện chụp đề gửi ra ngoài khi chưa hết giờ thi.
Theo thông tin phản ánh trên báo chí, được biết, thí sinh này cũng thuộc diện học khá. Vậy, không hiểu là do em kỳ vọng quá hay sao mà không tự tin vào bản thân? Sự gian lận như vậy là không nên, chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định. Đúng là đáng tiếc.
Tuy nhiên, vẫn phải xử lý nghiêm trường hợp này để làm bài học kinh nghiệm cho các trường hợp khác sau này nhìn vào đó mà không dám vi phạm, đảm bảo công bằng cho mọi kỳ thi. Đây cũng là bài học cho công tác tổ chức kỳ thi đợt 2 sắp tới”.
"Con dại một phần thì mẹ dại mười phần!"
Nhìn nhận vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Ở đây, chỉ còn 5 phút nữa là hết thời gian làm bài. Tôi cho rằng, không hẳn vị phụ huynh kia muốn nhờ cư dân mạng giải giúp đề mà có thể là “thích thể hiện” trên mạng. Bởi vì, nếu chờ được câu trả lời và gửi lại thì cũng gần như đã hết thời gian. Thông thường, nếu với mục đích “gà bài” cho con thì người ta đã chuẩn bị thêm người có trình độ ở bên cạnh, để nếu có được đề thi “tuồn” ra ngoài thì người bên cạnh sẽ làm giúp. Và họ thừa biết việc này là vi phạm quy chế thi nên sẽ bí mật, không dại gì đưa lên mạng”.
Vị luật sư phân tích thêm: “Về phía thí sinh làm “lọt” đề thi ra ngoài khi chưa hết thời gian thi là vi phạm quy chế thi, dù bất kể lý do gì thì việc bị đình chỉ thi môn tiếp theo là đúng quy định. Giả sử cháu có “chuyển” đề thi ra ngoài không vì mục đích được “gà bài”, có thể chỉ là khoe với phụ huynh rằng đã làm bài gần xong… thì việc mang điện thoại vào phòng thi cũng đã vi phạm quy chế thi”.
Luật sư Bùi Đình Ứng đánh giá: “Thứ nhất, đối với thí sinh thì đã bị đình chỉ thi. Cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng trong năm nay đã “đóng cửa” đối với cháu và cháu sẽ phải chờ cơ hội năm sau. Ngoài ra, sự việc này sẽ để lại hậu quả tâm lý nặng đề đối với cháu.
Thứ hai, hại mình tức là phụ huynh sẽ bị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ động cơ mục đích đưa đề lên mạng khi chưa hết thời gian làm bài để làm gì? Và cũng có thể đối mặt với việc bị pháp luật xử lý.
Thứ ba, hại người khác tức là hiện nay dư luận xã hội có những ý kiến đặt dấu hỏi nghi vấn rằng, có phải hội đồng thi này lỏng lẻo, thực hiện quy chế không nghiêm túc? Dẫn đến hệ quả, người ta lo ngại về câu chuyện không công bằng trong thi cử giữa các điểm thi, làm ảnh hưởng đến nhiều thí sinh khác, ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển vào đại học của các thí sinh”.
Đồng tình với các quan điểm trên, chuyên gia giáo dục - TS. Lê Viết Khuyến thẳng thắn chia sẻ: “Sự việc trên đúng là rất đáng tiếc. Việc sai thì đã sai rồi. Tuy nhiên, ở đây cũng phải nói rằng, thí sinh đã dại, nhưng phụ huynh còn “dại” hơn khi vội vàng đưa đề thi lên mạng. Hành động thiếu suy nghĩ, dại dột thì sẽ phải chịu hậu quả. Có lẽ khi vị phụ huynh kia nghiệm ra thì đã muộn mất rồi, rút lại cũng không kịp. Mặc dù phụ huynh đã gỡ bỏ hình ảnh đề thi kèm phiếu làm bài thi của con, thế nhưng nhiều người đã kịp chụp lại màn hình và chia sẻ trên nhiều nhóm cộng đồng mạng. Đây là bài học đắt giá dành cho thí sinh và phụ huynh”.
Theo Nguyễn Thị Hường (Nguoiduatin.vn)