Vụ trâu chọi húc chết chủ: Ban tổ chức để lọt trâu "điên"?

05/07/2017 06:41:00

Việc ông Hoàng Xuân Hướng bị chính trâu chọi của mình húc tử vong khiến dư luận đặt câu hỏi về khâu tổ chức của BTC lễ hội. Con trâu số 18 đã được báo cáo về sự bất thường nhưng vẫn được cho lên sới.

Việc ông Hoàng Xuân Hướng bị chính trâu chọi của mình húc tử vong khiến dư luận đặt câu hỏi về khâu tổ chức của BTC lễ hội. Con trâu số 18 đã được báo cáo về sự bất thường nhưng vẫn được cho lên sới.

 

Trâu có biểu hiện lạ

Theo các chủ trâu có mặt tại giải đấu, việc con trâu số 18 không chọi mà tìm người để “gây án” là điều gần như được cảnh báo nhưng không được BTC ngăn chặn.

chọi trâu, chọi trâu Đồ Sơn

Trâu số 18 đuổi người có trang phục lòe loẹt 

Nghệ nhân Đinh Đình Phú cho hay: “Trước khi trâu số 18 được đưa vào sới đấu, tôi đã yêu cầu ông Hướng trao đổi lại với ban tổ chức về những biểu hiện lạ của nó. 

Từ nhiều tháng trước, con trâu này nó đã có những hành động khác thường. Khi người mặc áo sặc sỡ cho ăn hoặc tắm, nó đều tỏ ra hung hăng, vì thế người nuôi phải luôn cởi trần để chăm sóc nó. 

Hôm trước trận đấu, mọi người đều phải dắt trâu ra đình Nghè để tế thần thì con trâu này nhất quyết không chịu đi. Ông Hướng phải mang rọ và dây thừng lên làm lễ tượng trưng”.

Ông Lưu Đình Vũ, chủ trâu số 23, trâu đấu cặp với trâu số 18 cho hay: Việc trâu số 18 tỏ ra chống đối khi nhìn thấy cờ, âm thanh là rất bất thường. Theo quy định, chủ trâu khi đưa trâu lên kháp đấu phải mặc quần áo màu đỏ, vàng của lễ hội. Nhưng riêng ông Hướng thì không theo quy định này.

Theo nghệ nhân Đinh Đình Phú, đây là lúc BTC lễ hội nên nhìn lại trách nhiệm của mình. Khi trâu số 18 nhốt tại buồng trước khi vào tham gia đấu, buồng này phải cho quây kín vì sợ nó nhìn thấy người lại nổi điên. Ông Hướng đã báo cáo BTC về việc trâu có nhiều biểu hiện lạ và xin được mặc áo quần bình thường thay vì quần áo lễ hội. BTC đã đồng ý và đây chính là lý do ông Hướng ra sân mặc áo phông xanh, không giống với các chủ trâu khác.

Điều đáng nói là BTC biết trâu số 18 bất thường như thế tại sao vẫn cho lên sới? Công tác rà soát, kiểm tra trâu và đảm bảo an toàn trước lễ hội ở đâu? Giờ người chết, trâu đã bị bắn bỏ, lại đổ hết lỗi cho người dân, cho trâu là sao?”.

Phải xử lý cán bộ để trâu 'điên' lên sới

Tại cuộc họp giữa UBND quận Đồ Sơn và Bộ VH-TT&DL tại Hải Phòng ngày 2/7 vừa qua, chính quyền địa phương cho rằng việc trâu số 18 húc chết người là sự cố ngoài ý muốn. Trâu nổi điên phản lại chủ là do bị sốc tâm lý khi gặp tiếng động âm thanh trên sân. 

Sau những lý giải rất chung chung, BTC lễ hội nói rõ “lỗi thuộc về người dân, chính quyền không chịu trách nhiệm”.

Quan điểm của chính quyền quận Đồ Sơn đã vấp phải sự phản đối từ Bộ VH-TT&DL.

Lãnh đạo Bộ và Cục Văn hóa cơ sở nói rõ: Đảm bảo an toàn cho người và du khách tham dự là trách nhiệm của BTC và chính quyền địa phương. Đây là lễ hội văn hóa cấp quốc gia, vai trò của BTC là rất quan trọng, các khâu phải được chuẩn bị kỹ và chặt chẽ. Sự cố trâu húc chết người mà đổ hết cho dân là không thỏa đáng.

Bộ yêu cầu TP Hải Phòng ngừng lễ hội chọi trâu năm nay để tiếp tục xem xét nên tiếp tục hoạt động hay ngừng vĩnh viễn.

chọi trâu, chọi trâu Đồ Sơn

Nghệ nhân Đinh Đình Phú

Nghệ nhân Đinh Đình Phú nêu quan điểm: Lễ hội chọi trâu là của nhân dân từ nghìn đời. Việc chính quyền đứng ra tổ chức lễ hội phải bài bản và chặt chẽ. Khi thấy trâu có biểu hiện “điên”, không hợp tác thì lẽ ra phải loại, không cho lên sới.

"Một lốt trâu để được vào đấu chúng tôi phải đóng tiền, đấu xong mổ trâu cũng phải đóng tiền triệu mới được bán thịt. Nhưng khi nói đến trách nhiệm thì không ai nhận. Vì thế BTC nên nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý các cán bộ nằm trong khâu kiểm tra, xét duyệt trước thi đấu", ông nói.

Theo Quỳnh Hương (VietNamNet)

Nổi bật