Liên quan đến vụ việc anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) tố Bệnh viện đa khoa Ba Vì trao nhầm con cho gia đình cách đây 6 năm đang gây xôn xao dư luận, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư Hà Nội đã cho biết một số quan điểm về mặt pháp lý.
Nhận định về vụ việc, luật sư Cường cho rằng, đây là một sự việc hy hữu vô cùng đáng tiếc cho hai bên gia đình cũng như bệnh viện xuất phát tự sực bất cẩn, tắc trách của nhân viên y tế bệnh viện. Sự việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần của những người trong cuộc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình của họ, mối quan hệ họ hàng ruột thịt cũng như các vấn đề về tài sản liên quan đến thừa kế...
Bên cạnh đó, hệ luy sự việc này mang lại còn là những vụ khiếu kiện, thủ tục hành chính kéo dài, còn là uy tín danh dự của bệnh viện, và còn là niềm tin của người dân vào các cơ sở y tế.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc trao nhầm con?
Luật sư Cường cho biết: ''Về trách nhiệm của bệnh viện trong sự việc này thì khi có kết quả điều tra xác minh của cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi trao nhầm con, tùy theo tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu xác định nhân viên của bệnh viên có lỗi cố ý, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội đánh tráo người dưới 01 tuổi quy định tại Điều 152 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017".
Theo đó, luật sư Cường phân tích, người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi thì có thể bị phạt tù mức cao nhất đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Nếu hành vi trao nhầm con do lỗi vô ý, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính (quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) hoặc có thể bị xử lý kỷ luật và bệnh viện phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ Điều 597 BLDS 2015 thì bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình đã bị trao nhầm con. Sau đó, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi (y tá, hộ sinh, bác sĩ…) trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.
Những khoản thiệt hại mà gia đình bị trao nhầm con có thể yêu cầu bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất (chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch..) và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác ...
Những vấn đề trên được quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Nếu 1 trong 2 bên kiên quyết không trao con đúng bố mẹ, bên còn lại có thể kiện ra tòa
Theo luật sư Cường, trong vụ việc này, người đang trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ bị nhầm lẫn không khỏi bị sốc, bàng hoàng trước thông tin đứa con mà mình đang chăm sóc nuôi dưỡng dành hết tình cảm bấy lâu nay lại không phải là đứa trẻ do mình sinh ra. Khi cha mẹ đẻ thật sự của đứa trẻ yêu cầu trả lại con thì cha mẹ nuôi của đứa trẻ không khỏi bàng hoàng, nuối tiếc bởi sẽ không được tiếp tục chăm sóc đứa trẻ nữa.
Dù có thể không phải là con đẻ của mình, nhưng công sức, tình cảm mà gia đình này đã dành cho đứa trẻ không khác gì con đẻ của mình nên bản năng làm mẹ, làm cha đã hun đắp thành tình cảm gắn bó với đứa trẻ mà không dễ gì dứt bỏ được. Bởi vậy, để giải quyết vụ việc này thì cần có thời gian và sự thuyết phục của đôi bên cũng như các cấp chính quyền và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Việc cha mẹ nuôi của cháu bé chưa đồng ý giao con nuôi của mình cho cha mẹ đẻ là cũng có lý do của họ, việc này cần phải có thời gian và sự cảm thông.
Tuy nhiên, nếu sau một thời gian động viên, thuyết phục, giải thích, cùng với sự giúp đỡ vào cuộc của các cấp chính quyền mà cha mẹ nuôi của cháu bé kiên quyết không trả lại con cho cha mẹ đẻ thì cha mẹ đẻ của trẻ có thể khởi kiện tới toà án để yêu cầu xác định cha, mẹ cho con, đồng thời đề nghị tòa án buộc cha mẹ nuôi phải trả lại đứa con cho cha mẹ đẻ của cháu theo thủ tục tố tụng dân sự. Tòa án sẽ căn cứ vào lời khai của các bên, căn cứ vào kết quả giám định ADN và các tài liệu chứng cứ khác có liên quan để xác định cha mẹ đẻ thực sự của cháu bé, đồng thời buộc người đã nuôi dưỡng dưỡng, chăm sóc mà không phải cha mẹ của cháu phải trả lại cháu bé cho cha mẹ đẻ.
Khi vụ án kết thúc, nếu các bên vẫn không tự thỏa thuận được thì tòa án sẽ tuyên bản án để giải quyết vụ án. Người thắng kiện (cặp vợ chồng được xác định là cha mẹ đẻ của cháu bé) sẽ căn cứ vào bản án để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành nội dung bản án mà tòa án đã quyết định.
Khi đó cơ quan thi hành án dân sự có thể buộc người đang nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ mà không phải là cha mẹ đẻ phải trả lại đứa trẻ cho cha mẹ đẻ của cháu. Nếu sau khi đã có phán quyết của cơ quan có thẩm quyền mà xác định người nào cố tình đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Đồng thời, người gây thiệt hại trong việc nhầm lẫn con hoặc cố tình đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em sẽ phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra cho gia đình nạn nhân. Vấn đề thiệt hại về vật chất và tinh thần sẽ do các bên thương lượng, thỏa thuận. Nếu không thương lượng, thỏa thuận được với nhau về những tổn thất trong sự việc này thì các bên có quyền yêu cầu tòa án xác định thiệt hại và xác định người có trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại đó cho gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật về dân sự.
Gia đình hai bé cần làm gì để nhận lại con đẻ của mình?
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con:
Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Trong đó, chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con có thể là:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp
- Hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.T
rường hợp thứ hai, xác nhận quan hệ cha, mẹ, con thông qua Tòa án (khi xảy ra tranh chấp):Việc xác định quan hệ cha, mẹ, con qua việc yêu cầu Tòa án giải quyết thường phức tạp và tốn thời gian, chi phí hơn rất nhiều so với yêu cầu xác định quan hệ cha, mẹ, con tại Cơ quan đăng ký hộ tịch.
Việc xác nhận quan hệ cha, mẹ, con sẽ căn cứ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trước hết, chủ thể có thẩm quyền phải làm đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu lên Tòa án để giải quyết việc xác định quan hệ cha, mẹ, con.
Thời gian giải quyết vụ án xác định quan hệ cha, mẹ, con khi có tranh chấp có thể kéo dài từ 04 đến 06 tháng hoặc thậm chí một năm hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào tính chất phức tạp của vụ án cũng như phụ thuộc vào các chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con và các sự kiện phát sinh kể từ khi làm đơn khởi kiện.
"Sự việc trên có thể để lại hậu quả khá nghiêm trọng đối với những người trong cuộc. Đây là một bài học cho các cán bộ nhân viên làm công tác y tế cũng như các bệnh viên về việc thực hiện, tuân theo và kiểm soát quy trình làm việc, tránh gây ra những hệ lụy không mong muốn'', luật sư Cường nhận định.
Sự cố hi hữu xảy ra sáng 1/11/2012 khi hai sản phụ sinh gần nhau. Đó là chị Hiền (vợ anh Sơn) sinh con trai vào lúc 7h10 và chị Vũ Thị Hương (cùng huyện) sinh con trai vào 6h50 cùng ngày.
Mặc dù thấy tã sơ sinh khác nhưng do nữ hộ sinh khẳng định là không thể trao nhầm nên gia đình đã đưa con trai về như bình thường. 6 năm sau, thấy con càng ngày càng không giống bố và mẹ nên chồng chị Hương bắt đầu đưa con đi giám định ADN thì kết quả cho thấy cháu không phải con của 2 vợ chồng. Sau đó, chồng chị Hương đã viết đơn "tố" Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Quá trình kiểm tra xét thấy, trong hồ sơ lưu trữ tại bệnh viện, trong 6 ca sinh ngày 1/11/2012 thì chỉ có 2 ca sinh buổi sáng là 2 bé trai, một bé nặng 3,8kg và một bé nặng 3,1kg.
Đến sáng 12/7, hai bé trai bị trao nhầm vẫn chưa thể đoàn tụ với gia đình sau khi sự thật được phát hiện. Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, lý giải hiện phía bệnh viện và các gia đình chưa thống nhất khoản bồi thường. Trong đó, chị Hương chưa đồng ý trao trả đứa bé.
Theo Minh Khôi (Thời Đại)