Thông tin một số cá nhân trong vụ việc ở Tịnh thất Bồng Lai bị khởi tố và tạm giam để phục vụ công tác điều tra gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Cụ thể, ngày 7/1, Cơ quan CSĐT huyện Đức Hoà đã quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) - người đứng đầu cơ sở tự xưng là Tịnh thất Bồng Lai, Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng ngụ tại số nhà 191A, ấp Lập Thành, xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
Theo đó, các cá nhân ở Tịnh thất Bồng Lai (sau được đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ) đang bị điều tra về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Trước đó, Tịnh thất Bồng Lai bị phản ánh là lợi dụng tôn giáo để kêu gọi từ thiện, giả danh là cơ sở nuôi trẻ mồ côi, thậm chí ông Vân còn có những hành vi loạn luân với một số người trong Tịnh thất.
Sự việc gây bức xúc dư luận và kéo dài thời gian qua, đặc biệt khi ông Vân và một số cá nhân trong Tịnh thất thường xuyên có những phát ngôn và hình ảnh gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Một chi tiết khiến vụ việc này thêm phần phức tạp hơn đó là những đứa trẻ trong Tịnh thất cũng bị lôi kéo vào câu chuyện. Những “chú tiểu” được ông Vân giới thiệu là trẻ mồ côi bỗng dưng nổi tiếng sau khi tham gia các chương trình truyền hình. Chúng được lập kênh YouTube riêng, thường xuyên đăng tải những video có bàn tay sắp đặt của người lớn lên đó. Thậm chí, những đứa trẻ 5-7 tuổi còn có những “bài thuyết trình” rất dài và đanh thép lên tiếng bênh vực cho ông Vân trên mạng xã hội.
Điều đáng nói là khi ông Vân và những người lớn trong Tịnh thất càng bị chỉ trích, tố cáo thì những đứa trẻ càng bị nhắc đến nhiều hơn. Cộng đồng mạng, truyền thông liên tục nhắc tên và chia sẻ rộng khắp hình ảnh của chúng. Rất ít người quan tâm đến việc những đứa trẻ chỉ là nạn nhân. Thậm chí, nhiều người lan truyền những hình ảnh, clip của bọn trẻ với thái độ châm biếm, giễu cợt. Mục đích chính của họ là tố cáo những người lớn trong Tịnh thất, nhưng họ cũng không ngại ngần sử dụng bọn trẻ làm công cụ cho mục tiêu của mình.
Đâu đó có một số người lên tiếng cảnh báo trên các hội nhóm: “Tôi chỉ thấy thuơng bọn trẻ. Chúng có biết gì đâu trong tấn bi hài kịch này. Rồi lớn lên, chúng sẽ sống sao khi bị tổn thương nặng nề như thế. Xin mọi người đừng chia sẻ hình ảnh và tên tuổi của các con vô tư như vậy”.
Đồng tình với luồng ý kiến này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong câu chuyện này, bất luận thế nào, trẻ em cũng là nạn nhân.
Theo ông Nam, cho dù những đứa trẻ có đồng thuận và tự nguyện thực hiện những hành vi không phù hợp thì đó cũng là do chúng đã bị thay đổi về mặt nhận thức, bị người lớn thao túng.
“Chính vì thế, chúng ta phải coi những đứa trẻ là nạn nhân cần được bảo vệ trong vụ việc này, chứ không phải là thủ phạm hay những người đồng loã”.
Việc cộng đồng hay truyền thông liên tục nhắc đến sự việc, đặc biệt là theo hướng có những bình luận tiêu cực, công khai hình ảnh, danh tính của những đứa trẻ sẽ gây những hậu quả nặng nề đến tâm lý và cuộc sống của trẻ về sau. “Khi khuôn mặt của trẻ bị công khai khắp nơi, bị mọi người nhận ra sau này, khi chúng biết cách tiếp cận các kênh thông tin, nó sẽ như một nhát dao cứa lại và khó lành. Việc tái chấn thương này sẽ gây ra những hậu quả về mặt tinh thần và thể chất của trẻ, bao gồm: hoảng loạn, bất an, trầm cảm, thậm chí là các hành vi tự chấm dứt cuộc sống của mình.
Trong tương lai, cơ hội hoà nhập với cuộc sống bình thường của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, khó khăn hơn”.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho biết, hơn lúc nào hết, trong những vụ việc như thế này, chúng ta cần cân nhắc kỹ những gì mình viết hay chia sẻ trên mạng xã hội. Bởi vì nhiều khi chúng ta đang làm trái pháp luật mà không hay biết.
“Việc đưa thông tin cá nhân lên mạng, lan truyền nó, đưa ra những bình luận tiêu cực, làm hạ phẩm giá của người khác… cũng là những hành vi vi phạm pháp luật. Còn về mặt đạo đức, đó là hành vi bắt nạt trên môi trường mạng. Đặc biệt, việc phát tán hình ảnh của trẻ em mà không được phép có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật. Chính vì thế, việc nhiều người thiếu hiểu biết và không biết cách ứng xử phù hợp trên môi trường mạng có thể gây ra nhiều hệ luỵ không chỉ cho nạn nhân, mà còn cho chính mình”.
“Nguyên tắc đạo đức cơ bản là thiện tâm và không gây hại. Chúng ta cần đảm bảo những nạn nhân và người yếu thế được bảo vệ để họ có thể tiếp tục hoà nhập với cuộc sống sau này”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)