"Vấn đề tiêu hủy nhận được sự đồng tình của bà con"
Sự việc đàn chó, mèo hơn chục con của người mắc Covid-19 được ghi nhận tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) bị đem đi tiêu hủy nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Từ khi hình ảnh ông P.M.H. (chủ của đàn chó) chở vợ trên chiếc xe cà tàng, cùng cả tá đồ đạc, lại thêm bầy chó cưng rong ruổi trên hành trình đi về quê người quen ở Cà Mau tránh dịch, được nhiều người yêu vật nuôi cảm phục. Bởi trong lúc ngặt nghèo vợ chồng ông vẫn không bỏ đàn chó lại.
Theo thuật lại của Tiền phong, tại cuộc họp chiều nay để thông tin về sự việc tiêu hủy đàn chó, mèo của nhóm ông H., ông Trần Tấn Công (Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời) nói, trước yêu cầu phòng chống dịch và trước sức ép của người dân trong khu cách ly tập trung, lại thêm việc đàn vật nuôi chạy lung tung nên Ban điều hành khu cách ly quyết định tiêu hủy cả đàn.
Việc tiêu hủy có sự chứng kiến của người dân, diễn ra vào lú 7h30 ngày 9/10.
"Với tinh thần chống dịch như chống giặc, đặt sức khoẻ tính mạng người dân trên hết, có thể anh em điều hành khu cách ly tập trung trường THPT Khánh Hưng xử lý vụ việc còn thiếu thủ tục, chưa đúng quy trình, nhưng đó là giải pháp tình thế cấp bách để phòng, chống dịch", Tiền phong thuật lại lời Chủ tịch Công tại cuộc họp.
Theo báo giới, trong báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời có nêu việc, khi ở khu cách ly, có thời điểm đàn chó được người trong nhóm cho vào bao, nhưng vẫn bị sổng ra chạy trong khu cách ly, làm một số người hoảng sợ.
Chuyên trang Công an TP.HCM/báo Công an nhân dân đăng tải hình ảnh chụp phía hành lang và sân nơi cách ly, trong đó một người đàn ông bắt chó bỏ vào bao, để ở sân. Ngoài ra còn có hình ảnh biên bản tiêu hủy chó, mèo, đề ngày 9/10.
Theo tờ Thanh niên online, Chủ tịch Công cho rằng, Bộ Y tế đã có công văn 4156 khuyến cáo những người nhiễm Covid-19 không tiếp xúc gần với người khác và với động vật, trong khi với đàn vật nuôi của ông H. nếu không được quản lý thì sẽ là "một nguy cơ lớn".
"Lý do vì sao chúng tôi không cách ly dài ngày đối với đàn chó thì vẫn là quan điểm chống dịch là trên hết. Sợ lây nhiễm, chống lây nhiễm là việc trên hết. Vấn đề tiêu hủy nhận được đồng tình của bà con.
Bà con mừng lắm, nếu không khéo thì đàn chó này chạy ra bên ngoài hay cắn người nào đó, trong khi chủ thì nằm điều trị ở bệnh viện, không ai chịu trách nhiệm về hậu quả", Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời trả lời tại cuộc họp, được tờ Thanh niên ghi nhận.
Ghi nhận của tờ Pháp luật TP.HCM cho hay, có một số câu hỏi của PV được ông Trần Tấn Công nói sẽ kiểm tra thêm và trả lời sau, như: Có quyết định tiêu hủy không? Có hỗ trợ cho người chủ về tiền? Có 1 con dương tính với bệnh gì?
BS Trương Hữu Khanh: "Không thể có chuyện Covid-19 lây từ người qua chó và ngược lại"
BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM) chia sẻ với Tiền phong, không thể có chuyện Covid-19 lây từ người qua chó và ngược lại. Bởi theo ông, virus corona trên người và động vật có tế bào chủ là khác nhau, kể cả virus từ người truyền sang chó thì cũng không thể tồn tại được.
Với vụ việc ở Cà Mau, bác sĩ Khanh cho rằng, nhà chức trách chỉ cần vệ sinh khử khuẩn hoặc tắm cho bầy chó của cặp vợ chồng đó thì sẽ không còn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Vụ tiêu hủy đàn chó của cặp vợ chồng về tránh dịch: Lãnh đạo huyện nói tiêu hủy là phù hợp với quy định của pháp luật
Theo ông, vật nuôi như chó, mèo chỉ có thể trở thành vật trung gian lây nhiễm khi người mắc bệnh ôm ấp chúng trong khi không mang khẩu trang. Trong quá trình nói chuyện thì chất tiết của người bệnh vướng trên lông vật nuôi, sau đó người không mắc bệnh ôm vật nuôi, virus bám vào tay và nếu họ đưa lên mũi, mắt... thì sẽ dẫn tới mắc bệnh.
"Có lẽ vì áp lực phòng chống dịch bệnh và sự lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm quá lớn dẫn tới việc chính quyền địa phương quyết định tiêu hủy cả bầy chó của bệnh nhân. Tôi rất tiếc cho hành động này", Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM Trương Hữu Khanh bày tỏ với báo Tiền phong.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời VTC News, Covid-19 hiện chỉ lây trực tiếp qua đường hô hấp giữa người và người, chứ không thể lây từ động vật qua người. "Phải xem kỹ mình đã từng tiếp xúc với một người nhiễm Covid-19 hay không qua đường hô hấp, hoặc dùng tay tiếp xúc dịch tiết đường hô hấp trên vật dụng của người bị nhiễm rồi sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng của mình thì mới nhiễm bệnh. Không thể có trường hợp các động vật gì đó (chó, mèo) mà mắc Covid-19 lây cho người này, người khác", tờ này dẫn lời Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Trong chia sẻ với tờ Thanh niên trước đó, ông H., chủ đàn chó bị tiêu hủy, nói vợ chồng ông đem theo 4 chó lớn và 11 chó con cùng về cùng gia đình em vợ ở tỉnh Cà Mau để tránh dịch. Tới chốt kiểm soát ở tỉnh Cà Mau, ông cho 2 con chó. Người em đi cùng có đem theo 3 con chó và 1 con mèo. Tất cả đều đã bị tiêu hủy.
Ông nói, vợ chồng quyết định trả nhà trọ hôm 7/10, vì không thể trụ nổi nữa. Tài sản lớn nhất là bầy chó nên ông chở chúng theo. Trên hành trình về tránh dịch, nhiều lần ông rơi nước mắt khi được người đi đường giúp bữa ăn cho bản thân và cả bầy vật nuôi.
Người đàn ông nghèo bày tỏ, kể cả khi được nhiều người gọi điện hỏi thăm, vợ chồng ông vẫn chưa hiểu chuyện gì. Bởi chiếc điện thoại cảm ứng đã hỏng màn hình, chỉ có thể nghe gọi nên ông đâu có biết hành trình của vợ chồng mình cùng bầy chó được nhiều người quan tâm, đăng tải lên mạng xã hội.
(Tổng hợp)
Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)