Theo thông tin ban đầu, sau khi tan trường, cháu N.T.N. (SN 2014), trú thôn Bạch Hải, xã Nga Bạch đã cùng bạn đến hồ nước trong khuôn viên của UBND xã chơi.
Trong lúc hái hoa, cháu N. không may bị trượt chân rơi xuống hồ.
Nghe tiếng kêu cứu, anh Đào Thanh Bình, Bí thư Đoàn thanh niên xã và một số cán bộ xã đang họp trong hội trường đã nhảy xuống hồ vớt được cháu N., tuy nhiên cơ thể cháu đã tím tái, ngừng thở.
Mặc dù đã được sơ cứu tức thời nhưng cháu N. vẫn không có biểu hiện gì của việc hồi phục. Lúc này Thượng úy công an Hà Minh Hải, Phó trưởng Công an xã Nga Bạch đã cầm 2 chân dốc ngược cháu bé về sau lưng chạy xung quanh sân để nước thoát ra ngoài.
Sau 15 phút nỗ lực, cháu N. đã dần hồi phục và được đưa sang Trạm y tế xã cấp cứu. Khi cơ thể bắt đầu ấm dần, nhịp tim đập trở lại, cháu N. được đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Hành động của Thượng uý công an đã được nhiều người chia sẻ vì đã cứu được cháu bé. Tuy nhiên, các y bác sĩ lại cho rằng việc vác cháu bé dốc ngược lên để sơ cứu là sai. Qua câu chuyện này vấn đề truyền thông sơ cứu đuối nước lại được mổ xẻ lần nữa.
Theo BS Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn hiện nay việc sơ cứu đuối nước như thế nào cho đúng còn ít được giáo dục mà chủ yếu mọi người làm theo kinh nghiệm dân gian. Người cứu cháu bé cũng làm theo kinh nghiệm đó.
Khi người đuối nước bị sặc nước, theo phản xạ ngay lập tức nắp thanh quản đóng lại, nước tràn vào phổi rất ít. Nạn nhân uống no nước vào dạ dày. Nguyên nhân chết không phải dạ dày chứa đầy nước, mà chết vì thiếu Oxy, nên biện pháp dốc ngược chạy quanh sân không có tác dụng. Ngay cả khi phổi có một ít nước, thì dốc ngược cũng không thể ra được, nước trong phổi chỉ có thể hấp thụ vào máu khi nạn nhân thở được trở lại. Dốc ngược chỉ làm mất cơ hội cứu sống.
Bởi vậy, ngay khi đưa nạn nhân lên bờ, việc đầu tiên là kiểm tra trong miệng có dị vật rong rêu gì không, nếu có thì xoay đầu sang một bên để dùng ngón tay móc hết dị vật. Tiếp theo, kiểm tra nếu ngừng thở và không có mạch, thì phải thực hiện hồi sức tim phổi nhân tạo.
Thổi ngạt và ép tim mới là chìa khoá cứu sống nạn nhân, dốc ngược không những không có tác dụng, mà còn làm mất cơ hội cứu sống, đây là kiến thức và kĩ năng mọi người cần phải biết. Để cứu người: kiến thức và kĩ năng vô cùng quan trọng – BS Phúc cho biết
Theo BS Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, sơ cứu trẻ đuối nước đúng cách sẽ giúp cứu được trẻ, trẻ có cơ hội điều trị, giảm di chứng về sau.
Cách sơ cứu đúng được bác sĩ Tiến hướng dẫn đó là:
Khi gặp trẻ đuối nước đưa trẻ lên bờ và xem phản xạ của trẻ nếu trẻ không còn tỉnh táo gọi người vào hỗ trợ ngay. Trẻ tím tái người sơ cứu có thể nghe tim trẻ và tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng cách đặt gót bàn tay vào nửa dưới xương ức và tay kia chồng lên tạo luồng vuông góc với lồng ngực và ấn xuống 30 lần và thổi ngạt 2 lần.
Khi thổi ngạt áp miệng mình vào miệng trẻ, bịt mũi và thổi 2 cái thật là sâu sau đó tiếp tục nhấn tim 30 lần lại thổi ngạt 2 cái. Lặp đi lặp lại động tác ấn tim thổi ngạt trong 2 phút hoặc 6 đến 8 chu kỳ ấn tim, thổi ngạt. Khi thổi ngạt lồng ngực của trẻ nâng lên, khi đó dưỡng khí vào lồng ngực và trẻ được cung cấp thêm oxy.
Sau 2 phút đánh giá lại trẻ vẫn tím tái thì tiếp tục ấn tim thổi ngạt. Trẻ thở lại, có đáp ứng thì nghiêng trẻ qua 1 bên ở tư thế an toàn để đờm nhãi chảy ra ngoài sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong quá trình ấn tim luôn đảm bảo không trì hoãn các lần ấn tim để máu có thể nuôi các cơ quan trọng yếu, giảm thiểu nguy cơ di chứng về sau.
Đây là các động tác đơn giản có thể cứu trẻ khi trẻ bị tai nạn đuối nước. Các thao tác này giúp cứu trẻ tại hiện trường, giảm được các di chứng sau khi đuối nước hoặc tử vong.
Không tự ý hấp tấp vận chuyển trẻ bị ngưng tim ngưng thở do ngạt nước bằng bất kỳ phương tiện xe cộ nào vì thời gian vàng chỉ có 5, 7 phút để tiến hành kịp thời sơ cấp cứu ngưng tim ngưng thở ngay tại hồ bơi, bờ sông, bãi biển cho trẻ mới là yếu tố quyết định cứu sống trẻ bị đuối nước.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)