Từ khẳng định ban đầu “2 người chết và 4 người bị thương sau vụ sạt lán vàng đêm 19/8” đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác nhận người chết và mất tích lên con số 11. Điều này cho thấy vụ sập lán vàng ở Lào Cai đã làm phát lộ nhiều bất nhất trong báo cáo thiệt hại của các cấp chính quyền địa phương này.
“Nước đến đâu be bờ đến đấy?”
Liên quan đến số người chết và mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng tại bãi vàng Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn), hiện UBND tỉnh Lào Cai đã có báo cáo số 239 ghi nhận có 9 người chết, 2 người mất tích và 7 người bị thương.
Thông tin này cũng được ông Phạm Bình Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn xác nhận với PV Báo GĐ&XH chiều 30/8. Theo ông Minh, sau khi tổ chức rà soát, tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện thêm 2 người chết là Hà Văn Thực (sinh năm 1992, trú tại thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) và Chu Đình Ngao (sinh năm 1965, trú tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn). Hai người mất tích được xác định là Phạm Văn Huynh (sinh năm 1983, trú tại Thường Tín, Hà Nội) và Lục Thị Chiến (sinh năm 1968, trú tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn).
Điều đáng nói là tất thảy danh tính những nạn nhân (ngoại trừ 2 nạn nhân tử vong được công bố từ đầu) đều được Báo GĐ&XH phản ánh từ trước. Cụ thể, ngày 20/8, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, huyện Văn Bàn, xã Nậm Xây và Công ty cổ phần Vàng Nhẫn tại Lào Cai – đơn vị duy nhất được cấp phép khai thác vàng tại Mà Sa Phìn khẳng định với PV chỉ có 2 người chết và 4 người bị thương sau trận lũ quét đêm 19/8. Đến ngày 25/8, chính quyền địa phương xác định thêm 5 nạn nhân tử vong ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (5 nạn nhân này được Báo GĐ&XH đăng tải ngày 24/8). Ngày 29/8, tỉnh Lào Cai công bố 11 người chết và mất tích (Báo GĐ&XH đăng tải danh tính 11 người từ ngày 26 và 29/8).
Thực tế thì, con số đó vẫn là chưa đủ, bởi quá trình tìm hiểu và xác minh của PV thì còn ít nhất 2 nạn nhân là: Phạm Văn Chức (19 tuổi, quê Thanh Hoá) và Hoàng Văn Hưng (28 tuổi, quê Bắc Kạn) đã tử vong trong trận lũ lịch sử tối 19/8 tại bãi vàng Mà Sa Phìn.
Trước đó, tại cuộc họp sau chuyến thị sát Mà Sa Phìn ngày 25/8, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh là không né tránh, không che giấu thông tin mà sẽ thông tin chính xác, khách quan về số người thiệt mạng. Mạng người chứ không thể đùa được, không thể giấu được”.
Mặc dù, ông Phong yêu cầu các cơ quan chức năng cần lưu ý thông tin mà báo chí phản ánh về con số thương vong và sớm công bố, thế nhưng dư luận đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng chính quyền sở tại đang xác minh số người thương vong sau vụ việc trên theo kiểu “nước đến đâu, be bờ đến đấy”?.
Cũng cần phải nói thêm, 3 năm trước, cũng chính tại huyện Văn Bàn, các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Lào Cai đã từng “giấu” số người thiệt mạng trong một vụ sạt lở tại bãi vàng thuộc địa phận xã Minh Lương (huyện Văn Bàn). Cụ thể, vào đêm 4/9/2013, tại khu vực khai thác vàng xã Minh Lương đã xảy ra sạt lở kinh hoàng khiến nhiều người bị vùi lấp trong đất đá. Các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai báo cáo “2 người chết, 7 người bị thương”. Phải đến khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan báo chí, tỉnh Lào Cai mới thừa nhận số nạn nhân chết trong thảm họa ở Minh Lương là 12 người.
Mập mờ thông tin công nhân hay “thổ phỉ”
Điều đáng nói ở chỗ, trong số danh sách người chết, mất tích và bị thương do tỉnh Lào Cai liệt kê, chỉ có 6 người được ghi chú là “Công ty CP Vàng Nhẫn” (tạm hiểu là nơi làm việc), còn lại đều là “lao động tự do”.
Mặc dù lãnh đạo Công ty CP Vàng Nhẫn ngay từ đầu đã liên tục lý giải: “Công ty chỉ có 2 người chết, 4 người bị thương, số còn lại không thuộc quản lý nên không biết” nhưng không hiểu từ cơ sở nào, khi trả lời Báo GĐ&XH, lãnh đạo UBND huyện Văn Bàn lại luôn khẳng định, tất cả số nạn nhân (lần lượt được tìm thấy) đều là người của Công ty CP Vàng Nhẫn.
Thêm nhiều mâu thuẫn được đưa ra, trong khi cả lãnh đạo Công ty Vàng Nhẫn và ông Phạm Bình Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn thừa nhận vẫn còn tình trạng “vàng thổ phỉ” xảy ra trên địa bàn, thì ông Vũ Đình Thủy, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Lào Cai) lại một mực phủ nhận thông tin. Khi PV hỏi vấn đề về công tác kiểm tra thì ông Thủy lại cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, Sở chưa từng tiến hành thanh tra dự án này, chưa có kế hoạch thanh tra”.
Được biết, bãi vàng Mà Sa Phìn từ lâu đã nhức nhối về tệ nạn khai thác vàng trái phép. Dù lực lượng liên ngành, dân quân địa phương đã kiên quyết truy quyét, đẩy đuổi nhiều ổ nhóm “vàng tặc” nhưng cũng chỉ là “ném đá ao bèo”.
Trên những ngọn núi cao của bản Mà Sa Phìn có nhiều lò vàng “thổ phỉ” và nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nơi đây. Không chỉ ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của bà con, những năm gần đây nhiều diện tích trồng thảo quả quanh khu vực khai thác và gần các dòng suối cũng bị chết, bị vàng lá làm cho sản lượng sụt giảm. Mặt khác, tình hình an ninh trật tự cũng rất phức tạp, bởi số người làm việc tại các mỏ này lúc nào cũng trên 400 người. Đã xảy ra nhiều trường hợp đánh nhau với người dân cũng như giữa các phu đào vàng với nhau.
Nạn khai thác vàng trái phép không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của địa phương mà còn biến vùng đất của bà con xung quanh những bãi khai thác vàng này trở thành vùng đất “chết”.
Lỏng lẻo trong quản lý lao động Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Hoàng Xuân Phủ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây cho biết, khi có thông tin cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, chính quyền đã có thông báo đến Cty cổ phần Vàng Nhẫn. Tuy nhiên, đơn vị này chưa thực hiện tích cực phương án phòng, chống bão lũ, sạt lở đất. Bên cạnh đó, việc quản lý lao động của Cty còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp lao động ở địa phương khác đến làm việc không được ký hợp đồng lao động, không khai báo tạm trú tạm vắng với địa phương dẫn đến khó khăn trong việc quản lý và khi có công nhân gặp nạn thì việc xác minh rất khó khăn. |
Lào Cai chưa xử lý dứt điểm khai thác vàng trái phép Liên quan đến vụ sập lán vàng ở Mà Sa Phìn (Văn Bàn - Lào Cai), ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Lào Cai là một trong những tỉnh có nguồn thu ngân sách từ khoáng sản của tỉnh đứng thứ hai cả nước (chỉ sau Quảng Ninh). Dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả cao. Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn, nhất là khu vực Mà Sa Phìn đã diễn ra từ những năm trước đây nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm như báo chí đã phản ánh”. |
Theo Cao Tuân (Giadinh.net.vn)