Vụ sập cầu Ghềnh: Thiệt hại rất lớn, ai phải bồi thường?

22/03/2016 10:26:22

Vụ sà lan đâm làm sập hai nhịp cầu Ghềnh (Đồng Nai), ngoài dấu hiệu hình sự thì các đối tượng liên quan còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường với những thiệt hại gây ra.

Vụ sà lan đâm làm sập hai nhịp cầu Ghềnh (Đồng Nai), ngoài dấu hiệu hình sự thì các đối tượng liên quan còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường với những thiệt hại gây ra.

Theo Công an, tai nạn đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3. Giang và Lẹ là hai người trực tiếp điều khiển tàu đẩy mang số hiệu SG 3745 đẩy sà lan SG 5984 đi từ tỉnh Tiền Giang đến TP Biên Hòa. Khi đến chân cầu Ghềnh, do thiếu quan sát nên họ để sà lan đâm trực diện vào trụ cầu số 2 làm 2 nhịp đổ sập xuống sông.

Bước đầu, nhóm người điều khiển phương tiện gây tai nạn đã khai nhận sự việc. Trong đó, chủ tàu đẩy Phan Thế Thượng khai là tài công chính trong khi Giang và Lẹ chỉ đi theo để phụ. Sáng 20/3, nhóm này điều khiển tàu đẩy sà lan lên TP Biên Hòa. Khi đến phà Cát Lái sông Đồng Nai, ông Thượng giao cho 2 phụ tá điều khiển phương tiện rồi đi công việc riêng tại TP. HCM.

Giang và Lẹ không có giấy phép lái tàu nhưng vẫn nhận trách nhiệm lái tàu đẩy sà lan lên Biên Hòa. Hai người khai nhận, ít kinh nghiệm nên đến địa điểm trên thì gặp dòng nước xoáy, không điều khiển được sà lan đúng hướng. Phương tiện này sau đó lệch hướng và đâm vào chân cầu phía mép trái của sà lan, làm cầu gãy đổ.

Hành vi của những người nêu trên sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 

Cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập (Ảnh: Lê Quân)

Về trách nhiệm hình sự, theo một số luật sư, hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, theo Điều 212 Bộ luật hình sự.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 212 BLHS thì cần phải xác định cụ thể hành vi của người điều khiển phương tiện đã vi phạm quy định Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004. Thiệt hại nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của trong cấu thành của tội phạm này.

Hành vi vi phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc tài sản của người khác. Trong vụ việc này, lỗi của người lái phương tiện đã vi phạm: Hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn cho người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có thiệt hại về con người nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn. Giá trị thiệt hại sẽ được cơ quan giám định đánh giá mức độ thiệt hại để làm căn cứ xử lý người điều khiển phương tiện.

Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/08/2013 Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông qui định tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3 điều 212 Bộ luật hình sự “ Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên”.

Luật cũng quy định rõ trong trường hợp người điều khiển phương tiện đường thủy gây tai nạn rồi bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm thì mức phạt có thể dao động từ ba năm đến mười năm tù giam.

Về trách nhiệm dân sự, những người gây thiệt hại có thể sẽ phải bồi thường. Theo quy định của pháp luật, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Căn cứ vào quy định về “nguồn nguy hiểm cao độ”, trong vụ việc này thì sà lan được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Đây là cơ sở rất quan trọng để xác định trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Sau đó chủ phương tiện có thể khởi kiện người lái phương tiện để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác. Nếu không khởi kiện thì hai bên tự thỏa thuận về số tiền chủ phương tiện đã bồi thường. Nguyên tắc bồi thường là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để để bồi thường.

Như vậy, theo đúng luật quy định thì chủ sà lan gây tai nạn sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vụ việc này gây ra gồm: thiệt hại sập cầu, các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô bị rơi xuống nước, đường dây điện lực, ống nước... hỏng do cầu sập.

Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014 cũng quy định rõ, trong trường hợp người gây ra tai nạn nếu phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thủy phải tìm mọi biện pháp để hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, nghiêm cấm hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện đường thủy sẽ bị phạt tiền tối đa lên tới 30.000.000 đồng nếu xác định được hành vi vi phạm quy định về bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện tại điều 44 Nghị định 93/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường thủy.
 
>> Bộ GTVT yêu cầu lập 3 kịch bản khôi phục cầu Ghềnh bị sập
>> 3 nhân viên gác cầu Ghềnh cứu đoàn tàu trong gang tấc
>> Vụ sập cầu Ghềnh: Tài công không có giấy phép lái tàu
>> Hành khách ra Bắc thế nào sau vụ cầu Ghềnh sập?
>> Nhanh nhất 3-5 tháng mới khôi phục được cầu Ghềnh
>> Vụ sập cầu Ghềnh: 2 tài công có thể chịu mức phạt cao nhất là 15 năm tù giam
 
Theo Bảo Nam (Báo Công Lý)

Nổi bật