Mấy năm trước, vụ bổ nhiệm, luân chuyển ông Dương Chí Dũng từ Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines về làm Cục trưởng Cục Hàng hải thuộc Bộ Giao thông Vận tải, khi đơn vị này đang lâm vào thua lỗ, với hàng đống tiêu cực, sai phạm, được người đứng đầu Bộ lúc bấy giờ giải thích là đúng quy trình.
Ông Trịnh Xuân Thanh (Ảnh: TTXVN) |
Gần đây, nhờ báo chí, công chúng được biết đến gần như “chân tơ kẽ tóc”vụ luân chuyển bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí và ông Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc của Tổng công ty này, vào các vị trí tương đương hoặc cao hơn, thuộc Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Hậu Giang.
Hai vị này khi lãnh đạo, điều hành Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí đã gây thua lỗ, thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng. Lẽ ra phải bị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và chịu hình thức xử lý, thì hai vị này lại “thoát hiểm”, bằng các màn luân chuyển ngang dọc rất ngoạn mục. Những người trong cuộc cũng cho là việc luân chuyển, bổ nhiệm này rất đúng quy trình.
Gần đây nhất, dư luận đang nóng với câu chuyện con trai ông cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải, khi mới 25 tuổi đời, vừa học ở nước ngoài về, đã được đề bạt làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư tài chính dầu khí. Sau hơn hai năm dưới sự điều hành của ông Tổng Giám đốc Vũ Quang Hải, Công ty này lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Ông Vũ Quang Hải (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Làm ăn thua lỗ, Vũ Quang Hải không những không bị xem xét trách nhiệm, lại còn được điều về Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, để rồi 1 năm sau, được ”phong” hàm Phó Vụ trưởng, rồi điều về làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn (Sabeco).
Cứ như giải thích của những người liên quan, thì tất cả những vụ đề bạt, luân chuyển kiểu như thế này đều đúng quy trình. Mà đã đúng quy trình, thì mặc nhiên không có gì phải bàn cãi. Đó gần như là chân lý, là chuẩn mực. Lối biện hộ như thế có chấp nhận được không?
Trong mọi công việc, khi nói đến quy trình, là nói đến thứ tự các bước cần phải thực hiện tuần tự. Quy trình chỉ là quy định cần, chứ không phải là đủ. Giống như quy trình giải một bài toán, thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học. Người ta đều tuân thủ đúng quy trình, nhưng có phải tất cả mọi người đều giải bài toán đúng; cũng thế, có phải tất cả mọi nghiên cứu khoa học đều đi tới thành công?
Quy trình làm công tác tổ chức cán bộ cũng thế. Vấn đề là ai làm quy trình; làm quy trình cho ai? Quá trình thực hiện quy trình có minh bạch, khách quan, công minh, dân chủ hay không? Người được làm quy trình đạt tiêu chuẩn trí tuệ, có được những thành công, dấu ấn tích cực trong hoạt động thực tiễn hay chỉ là “con anh Sáu, cháu anh Ba” hoặc do “quan hệ”, “tiền tệ”?
Trong thực tế, cũng có trường hợp được xem là làm đúng quy trình, nhưng lại trái quy định. Như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh không có tên trong danh sách quy hoạch để luân chuyển vị trí Phó Bí thư hoặc Phó Chủ tịch tỉnh. Như vậy đây là trường hợp đúng quy trình nhưng lại trái nguyên tắc tổ chức.
Rõ ràng, quy trình không phải như ai đó vẫn tưởng là thứ bảo bối để thực hiện những toan tính quyền chức theo kiểu lợi ích nhóm, phục vụ những đối tượng ham hố quyền lực, chạy chức, chạy ghế, những thứ “quan hệ”, “tiền tệ”, “hậu duệ” không có lợi cho dân, cho nước, càng không có lợi cho Đảng.
Còn nhớ, thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi có nhà báo nước ngoài hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng căn cứ vào đâu mà phong ông Võ Nguyên Giáp lên Đại tướng. Hồ Chủ tịch trả lời rất ngắn gọn: Người nào đánh thắng Đại tá phong Đại tá, người nào đánh thắng Đại tướng phong Đại tướng. Cách trả lời giản dị mà có sức thuyết phục lớn lao.
Để được phong tướng cũng như được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí quan trọng hơn, thì mỗi cá nhân phải tạo dấu ấn, thành công ở vị trí đang đảm nhận, từng đảm nhận.
Cái gọi là “đúng quy trình” nhưng không minh bạch, thiếu khách quan, để lọt những cán bộ yếu kém năng lực, từng gây nhiều sai phạm vào những vị trí trọng yếu của Đảng và Nhà nước, thật đáng phê phán, đáng xem xét, xử lý.
Theo Uông Ngọc Dậu (VOV.vn)