Như đã thông tin, ngày 23/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết chị Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985, Hà Nội) bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu (European arrest warrant - EAW) nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội "buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện" trong thời gian từ 01/10/2010 - 10/05/2011, do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 08/05/2013.
Tuy nhiên, chị Tuyết Mai hoàn toàn bác bỏ cáo buộc buôn bán và tàng trữ ma túy. Theo Mai, trước đây chị đã có 5 năm học tập và làm việc tại Amsterdam (Hà Lan) nhưng đến tháng 3/2010 chị đã trở về Việt Nam làm việc. Vào tháng 11/2011, chị có trở lại châu Âu trong chuyến công tác kéo dài 1 tuần lễ đến Barcelona (Tây Ban Nha). Vụ án ở Bỉ xảy ra vào giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011, thời điểm này chị không hề có mặt tại Bỉ hay bất kì nước châu Âu nào, hộ chiếu của chị cũng không có đóng dấu ra vào châu Âu trước trong hay sau giai đoạn này.
Như vậy cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa rõ thực hư chị Tuyết Mai có phạm tội như bản án cáo buộc của Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 08/05/2013 hay không. Nếu bị kết luận là có tội, chị Mai sẽ đối diện với bản án thế nào? Còn nếu đây là một vụ "tai nạn" thì chuyện gì sẽ xảy ra và bài học kèm theo là gì?
Chị Mỹ Linh (Phóng Viên Đài THVN thường trú tại châu Âu) đã chia sẻ những tình huống có thể xảy đến nếu chị Phạm Thị Tuyết Mai bị kết luận có tội. Đó là chị phải thi hành theo đúng bản án là 4 năm tù giam tại Bỉ.
Còn nếu đây là một sự nhầm lẫn mà theo chị Mai chia sẻ thì do chị bị ăn cắp thông tin cá nhân để phạm pháp, thì chị sẽ được trả hộ chiếu để về Việt Nam, được tuyên trắng án.
"Nếu chị Mai mong muốn, có thể kháng án và thậm chí kiện lại tòa án Bỉ, cơ quan điều tra Bỉ vì việc đã khép chị vào một tội danh mà chị không phạm, đồng thời bồi hoàn lại những tổn thất về tinh thần, tổn thất về kinh tế trong những ngày tháng chị Mai tại ngoại, chị phải chi trả chi phí rất nhiều cho đời sống tại Paris để chờ kháng án", PV Mỹ Linh chia sẻ.
Chúng ta sẽ còn phải chờ đợi đến ngày mùng 6/2 ở phiên tòa tại thủ đô Paris và tiếp theo là những phiên tòa ở Bruxelles, Bỉ. Qua câu chuyện này, chị Mỹ Linh cũng khuyên mọi người nên rút ra bài học về việc bảo vệ danh tính cá nhân của chính mình.
"Đối với công dân bất cứ nước nào, xứ sở nào thì việc hiểu biết về pháp luật nơi mình sinh sống là rất quan trọng. Người Việt mình thường có thói quen xuề xòa, không nghĩ rằng việc bảo vệ hộ chiếu, danh tính của mình, CMND của mình là cần thiết. Chúng ta hoàn toàn có thể cho nhau mượn hộ chiếu hoặc CMND một cách dễ dàng và nghĩ rằng điều đó không sao nhưng ở Pháp việc đó được xem là phạm tội. Vì vậy việc hiểu biết luật pháp và những điều cấm kỵ ở quốc gia mà mình đến là rất quan trọng", chị Mỹ Linh nói.
Hiện tại, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp tục theo dõi sát vụ việc, trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan cập nhật thông tin và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân.
Theo T.Q (Trí Thức Trẻ)