Nói về vụ việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vừa bị Ủy ban Kiểm tra TƯ đề nghị kỷ luật cảnh cáo, nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão nói: Dù về hưu rồi cũng không nên để hạ cánh an toàn.
Không thể không đi tới cùng
Ông đánh giá thế nào về đề xuất xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với cá nhân ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công thương?
Kết luận này quan trọng và đúng nguyên tắc, đúng chức năng của UB Kiểm tra của Đảng. Tuy nhiên tôi trao đổi với nhiều người thì họ nói là tạm được nhưng chưa thỏa mãn. Bởi đằng sau những vụ việc đó, việc kiểm soát quyền lực đó là gì và hậu quả của nó là gì?
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão. Ảnh: Thu Hằng |
Cán bộ hư hỏng rồi vi phạm pháp luật thì lại được giao trọng trách, có gì tiền nong vật chất không? Một số người có hỏi ý kiến tôi và tôi cũng cảm thấy đúng là phải tiếp tục làm tiếp.
Đây mới là làm cơ quan đảng, chỉ có thể kỷ luật cán bộ, cao nhất là khai trừ Đảng, ở đây là mức cảnh cáo. Thậm chí có ý kiến nói cảnh cáo đã thỏa đáng chưa? Nhưng phải tiếp tục làm, ngay trong Đảng phải tiếp tục làm nữa.
Chúng ta không thể không đi tới cùng một sự việc rất nghiêm trọng như vậy. Lớn hơn nữa là những vấn đề về tài chính vật chất có liên quan đến tham nhũng, kiểm soát quyền lực mà không tốt thì dẫn tới công tác cán bộ không tốt, tham nhũng, có nên để nửa vời thế không.
Các cơ quan nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan khác phải xem xét, kết luận cho rõ, bởi đây là vấn đề bức xúc của nhân dân. Nhân dân rất quan tâm xem thái độ xử lý của Đảng, Nhà nước có đi tới cùng không.
Tôi hoan nghênh việc UB Kiểm tra TƯ công bố kết luận đó nhưng chưa đủ, phải làm tiếp nữa.
Về hưu thoải mái thì đâu có được
Ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu rồi, vậy việc xử lý có gặp khó khăn? Còn nhiều cán bộ chưa về hưu, còn đương chức có liên quan đến việc bổ nhiệm ở Bộ Công thương, phải xử lý thế nào?
Lâu nay chúng ta nói “hạ cánh an toàn” nhưng theo tôi ngay cán bộ về hưu rồi, cũng không nên quan niệm “hạ cánh an toàn” và không nên để “hạ cánh an toàn” nếu thực sự có những vấn đề liên quan phải xử lý hậu quả để lại.
Khi đương chức cứ làm ào ào, dựa vào quyền lực để làm tới số không ai kiểm soát, về hưu thoải mái thì đâu có được.
Nhân dân không đồng tình, không hài lòng. Những người về hưu mà còn trách nhiệm thời đương chức thì phải xem xét, xử lý một cách thỏa đáng thì mới công bằng xã hội.
Người đương chức phải xem xét theo đúng pháp luật, trong Đảng theo đúng nguyên tắc điều lệ, kỷ cương của Đảng.
Theo ông, Ban Tổ chức TƯ và cơ quan chức năng có cần tổng rà soát kiểm tra công tác nhân sự ở Bộ Công thương này không?
Đã có vấn đề thì phải xem xét, tìm nguyên nhân, tất nhiên chúng ta bình tĩnh, không vội vàng, cực đoan. Vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật, trong Đảng thì xử lý căn cứ vào điều lệ, quy định.
Vấn đề qua đi không nên để trôi đi một cách dễ dàng, khi hâu quả mang lại lớn, ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, bộ ngành. Lòng dân quan trọng lắm, dân yên thì đất nước mới yên được. Mất công, công phu lắm, người mới thì không muốn đụng tới đâu, đụng tới phiền lắm, nhiều chuyện lắm, rồi lại phải tập trung công việc của mình còn bề bộn.
Việc xem lại việc của người tiền nhiệm của mình không đơn giản đâu, bởi ở Việt Nam ta tình nghĩa cao, nhưng nguyên tắc của Đảng, pháp luật phải tôn trọng.
Tôi cho rằng những việc đã xảy ra phải tiếp tục xem xét. Đây không phải việc của một bộ, đây là bài học chung cho thể chế chính trị của chúng ta.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)