“Việc phiên tòa xử sơ thẩm và phúc thẩm trao cả hai con cho người chồng giám đốc là không hợp tình, hợp lý theo luật hôn nhân gia đình”, luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.
Clip: Luật sư Trần Minh Hùng chia sẻ về những điểm bất hợp lý trong 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm. |
PV: Thưa luật sư Hùng, theo kinh nghiệm nhiều năm của ông trong việc tham gia các phiên tòa xét xử về hôn nhân gia đình, việc tranh chấp quyền nuôi con sẽ được giải quyết như thế nào?
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư gia đình, đoàn luật sư TP.HCM. |
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định tại Điều 81 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
"Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".
Theo kinh nghiệm nhiều năm của bản thân tôi, có nhiều phiên tòa xét xử, dù người mẹ có thu nhập thấp hơn người bố rất nhiều, có trường hợp kinh tế không đủ sống nhưng tòa vẫn giao quyền nuôi con cho người mẹ, đặc biệt là khi con cái còn nhỏ, sự yêu thương, săn sóc của người mẹ là vô cùng cần thiết.
Chị Phạm Thị Thanh Mai bức xúc trước hai bản án lạnh lùng của tòa khi giao quyền nuôi con cho người chồng giám đốc của mình. |
Hầu hết các phiên tòa xét xử quyền nuôi con thường chia đều con cho bố và mẹ để trông nom, chăm sóc, hiếm có trường hợp nào giao quyền nuôi cả 2 con cùng lúc cho một bên. Trừ trường hợp bên kia không yêu thương, chăm sóc con cái hoặc không đủ khả năng tài chính để nuôi con ở mức tối thiểu.
Để xét xử quyền nuôi con, tòa án sẽ căn cứ vào hai điều kiện vật chất và tinh thần để trao quyền nuôi con cho bên nào. Không phải có tiền nhiều, mạnh về kinh tế thì đồng nghĩa với việc chăm sóc, nuôi dạy con cái sẽ tốt hơn bên kia. Vì Luật Hôn nhân gia đình không quy định rõ sẽ trao quyền nuôi con cho ai nên tùy vào trường hợp cụ thể mà tòa sẽ cân nhắc để đưa ra một bản án hợp tình, hợp lý.
PV: Vậy thưa luật sư, trong trường hợp của chị Phạm Thị Thanh Mai (ngụ Gò Vấp) bị cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bác bỏ quyền nuôi cả hai bé 1 trai (SN 2007) và 1 gái (SN 2012) thì có đúng luật hay không?
Chị Mai là người chăm sóc, nuôi nấng hai con từ khi còn nhỏ |
Luật sư Trần Minh Hùng: Hai bản án này vừa không hợp tình, lại không hợp lý. Sau khi đọc xong các kết luận của tòa án để trao quyền nuôi cả 2 con cho người bố, tôi không hiểu sao phiên tòa xét xử lại đưa ra một kết quả vô lý đến như vậy.
Cụ thể, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã dựa vào điều kiện kinh tế khi xét thu nhập của người chồng (45 triệu/tháng) so với người vợ (15 triệu/tháng), người chồng có một căn nhà trị giá 4 tỷ (được một người bạn tặng cho?), chồng có giúp việc, tài xế riêng đưa 2 con đi học để trao quyền nuôi cả 2 con cho người chồng là điều bất hợp lý.
Trong trường hợp này, người vợ vẫn có đủ điều kiện để nuôi hai con khi thu nhập của chị Mai là 15 triệu/tháng, có học thức, sức khỏe tốt… nên việc giao cả 2 con cho người bố vì thu nhập tốt hơn là sai luật. Bởi vì Luật Hôn nhân gia đình đã có quy định rõ về điều kiện để xử tranh chấp quyền nuôi con phải dựa vào yếu tố vật chất và tinh thần. Đặc biệt, điều kiện tinh thần cần được quan tâm trong trường hợp này.
Bé An (5 tuổi) lúc nào cũng quấn lấy mẹ như hình với bóng. |
Khi bé gái còn quá nhỏ (thời điểm ly hôn năm 2014 mới 2 tuổi, đến khi xét xử năm 2016 bé chỉ mới 4 tuổi), việc giao con cho người mẹ là điều cần thiết. Về tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc con cái của người mẹ phần lớn là tốt hơn người bố. Hơn nữa, bé gái còn quá nhỏ để xa vòng tay mẹ, đó là lý do tại sao Luật quy định con dưới 36 tháng tuổi phải do mẹ chăm sóc.
Ở phiên tòa phúc thẩm, TAND TP.HCM càng mắc sai lầm nghiêm trọng khi một lần nữa lại giao cả 2 con cho người bố bởi lý do "Xét thấy cả 2 đều có điều kiện, khả năng nuôi con nhưng tránh việc xáo trộn cuộc sống của 2 đứa nhỏ nên tòa quyết định để cho một mình ông Tuấn có điều kiện tốt hơn nuôi dưỡng". Thay vì giao cho mỗi người một đứa con thì tòa vẫn bảo lưu kết quả không hợp lý, nếu trong trường hợp này, sợ con cái bị xáo trộn cuộc sống thì người mẹ vẫn là người chăm sóc 2 con tốt hơn so với người bố.
Bản án phúc thẩm đã lạnh lùng trao quyền nuôi con cho người bố với lý do điều kiện kinh tế người bố tốt hơn. |
Theo đó, người bố trong trường hợp này làm giám đốc, lại không có thời gian để chăm sóc hai con nên mới thuê người giúp việc, tài xế riêng để đưa đón các con đi học, khả năng gần gũi với con là rất ít… Trong khi người mẹ có thu nhập ổn định, có nhà riêng (ở huyện Nhà Bè), lại được ông bà ngoại của hai bé nhận chăm sóc lúc người mẹ đi làm… dù thế nào đi nữa, tình yêu thương của những người thân trong gia đình sẽ tốt hơn rất nhiều so với người ngoài.
Xét về khía cạnh 2 đứa bé, cả hai khác nhau về giới tính, sở thích, cách sinh hoạt… anh trai và em gái sẽ khó có thể chia sẻ cho nhau những sở thích, ý muốn của mình nên việc tòa án kết luận chúng không thể sống xa nhau là bất hợp lý. Thay vào đó, việc bé gái (5 tuổi) rất cần sự yêu thương, chăm sóc của người mẹ trong giai đoạn đặc biệt quan trọng này.
PV: Vậy theo luật sư, việc xét xử quyền nuôi con của vụ tranh chấp này như thế nào sẽ hợp tình, hợp lý, đúng quy định của pháp luật?
Luật sư Trần Minh Hùng rất bức xúc bởi tòa án xử thiếu thuyết phục |
Luật sư Trần Minh Hùng: Tôi nghĩ cách giải quyết tốt nhất là tòa án trao quyền nuôi con cho cả hai người, bé trai sẽ sống với bố và bé gái sẽ theo mẹ. Đây cũng là kết quả thường thấy ở các vụ tranh chấp quyền nuôi con trước đây.
Bởi xét về điều kiện vật chất và tinh thần, cả bố và mẹ đều có khả năng chăm lo cho hai con, tình thương của hai người dành cho các con đều rất lớn. Trong trường hợp này, dù đã ly hôn nhưng người mẹ vẫn chấp nhận ngày đi làm, tối về chăm sóc hai con tại nhà riêng của chồng cũ, người mẹ đã gạt qua tất cả mọi dị nghị, chịu nhẫn nhục để chăm sóc cho hai bé, đây là tình mẫu tử hết sức thiêng liêng, khó có tình cảm nào khác so sánh được.
Đồng thời, ở bé gái khi bước vào độ tuổi lớn lên, sẽ có những thay đổi về tâm sinh lý, sở thích, mọi sinh hoạt tắm rửa, quần áo, ăn uống của bé gái cần có bàn tay của người mẹ. Đặc biệt, từ trước đến này bé gái đều quấn lấy mẹ như hình với bóng?
PV: Vậy theo luật sư, người mẹ cần làm gì để đòi lại quyền nuôi con trong trường hợp này?
Nếu bản án được Giám đốc thẩm xem xét, quyền nuôi con sẽ thuộc về chị Mai khi xử lại |
Luật sư Trần Minh Hùng: Tôi nghĩ người mẹ nên làm đơn gởi lên Giám đốc thẩm, yêu cầu hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó để điều tra lại vì hai bản án trên quyền lợi nuôi con của người mẹ không được đảm bảo. Nếu Giám đốc thẩm xem xét và yêu cầu xử lại thì cơ hội giành được quyền nuôi con của người mẹ lên đến 90%.
Xin cảm ơn luật sư Trần Minh Hùng!
Như trước đó chúng tôi đã thông tin, chị Phạm Thị Thanh Mai và anh Hoàng Văn Tuấn (ngụ Gò Vấp) kết hôn năm 2004 và có được 2 con (1 trai sinh 2007 và 1 gái sinh 2012). Do mâu thuẫn trong vấn đề tiền bạc, từ khi anh Tuấn làm giám đốc, chị Mai ở nhà chăm sóc con cái bị bóp nghẹt trong chi tiêu nên cả hai quyết định ly hôn vào 8-2014. Không yêu cầu tranh chấp tài sản, chị Mai chỉ mong muốn được nuôi dưỡng hai con cho đến khi chúng trưởng thành. Thế nhưng, tại TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm (8-2016) và TAND TP.HCM xử phúc thẩm (11-2016) đều trao quyền nuôi con cho anh Tuấn bởi lý do thiếu thuyết phục. Quá bức xúc trước hai bản án lạnh lùng của tòa, cướp trắng quyền nuôi con của người mẹ, chị Mai đã đi gõ cửa các cấp chính quyền với mong muốn giành lại quyền nuôi con. |
Theo Văn Tiên (Trí Thức Trẻ)