Bác sĩ mổ nhầm chân ở bệnh viện Việt Đức đã bị đình chỉ và xử lý theo quy định. Nhưng câu chuyện không đơn giản chỉ là án phạt. Câu chuyện của BS Võ Xuân Sơn sẽ cho bạn đọc thấy những góc khuất...
Thế nhưng, tôi lại có những nhược điểm cố hữu, mà dù cẩn thận đến đâu tôi cũng vẫn cứ bị mắc sai lầm. Đó là phân biệt bên phải và bên trái.
Nếu làm công việc không cần thiết phải phụ thuộc vào sự khéo léo của đôi tay, bạn sẽ ít khi gặp vấn đề với bên phải, bên trái. Nhưng là một phẫu thuật viên, luôn phải rèn luyện kỹ năng để có thể làm hai tay như một, nên tôi rất hay gặp vấn đề với bên phải, bên trái.
May mắn là người khổ sở nhất với nhược điểm này của tôi không phải là bệnh nhân, mà là lái xe của tôi.
Tôi thường xuyên yêu cầu lái xe rẽ phải trong khi thực ra là tôi muốn rẽ trái. Gặp lái xe rành đường thì không sao. Lái xe mà không biết đường, mà tôi lại đang có điện thoại hoặc công việc cần giải quyết, thì thế nào cũng loạn hết cả lên.
Biết được nhược điểm của mình, nên khi vào cuộc mổ, tôi thường xuyên hỏi các đồng nghiệp trong kíp mổ có đúng là tôi đang đứng ở bên phải (hay bên trái) của bệnh nhân không? Có phải chỗ tôi định mổ đúng là bên phải, hay bên trái của bệnh nhân hay không...?
Câu hỏi đấy lặp đi lặp lại và thường câu trả lời là đúng, nên có lúc, cả kíp mổ trả lời cứ như là phản xạ: "OK, đúng", nhưng sự thực là không đúng!
Nghe thì có vẻ khôi hài, nhưng sự thực đúng là thế đấy các bạn ạ!
Một hôm, người nhà của điều dưỡng trưởng bệnh viện bị máu tụ trong sọ. Lúc đó tôi là một bác sĩ tương đối có kinh nghiệm, là trưởng nhóm trực, được coi là senior (cao cấp).
Dù loại máu tụ đó chỉ cần các bác sĩ junior (bác sĩ trẻ) mổ, nhưng, như đã nói, vì đây là người nhà của điều dưỡng trưởng bệnh viện, nên tôi phải trực tiếp cầm dao mổ.
Phụ cho tôi là hai bác sĩ junior và có một bác sĩ senior khác đứng xem. Bình thường thì không đông đúc đến như thế, nhưng đây là ca đặc biệt.
Như thường lệ, tôi hỏi mọi người, có phải chỗ tôi sát trùng để mổ là vùng đính bên trái không? Tất cả mọi người đều trả lời đúng. Người thì đúng rồi bác, người thì OK salem, người thì lại Yes sir... Tôi kiểm tra lại phim. Mọi thứ OK. Vậy là rạch da.
Khi tôi khoan sọ xong, thấy màng cứng não trắng hồng, không có máu tụ. Tôi liền kiểm tra lại. Thì ra tôi mổ nhầm bên. Đó là bên phải.
Sau khi hoàn tất ca mổ, tôi ghi mọi diễn tiến vào tường trình phẫu thuật, kể cả việc mổ nhầm bên, dù có người đã khuyên tôi nên viết là mổ thăm dò bên phải.
Ngày hôm sau, giao ban, tôi đứng ra báo cáo và nhận lỗi vì sai sót của mình.
Thực ra thì việc mổ nhầm bên nhưng mới chỉ rạch da và khoan sọ, chưa đi vào màng não thì cũng ít có khả năng gây ra chuyện gì. Hai ngày sau, tình trạng bệnh nhân khá lên.
Người nhà tỏ thái độ rất căng thẳng với tôi. Họ thể hiện rõ không muốn tôi điều trị bệnh nhân. Mặc dù lúc ấy tôi chỉ đi thăm và phối hợp với bác sĩ điều trị, chứ không trực tiếp điều trị. Tôi hiểu tâm lý của họ.
Vậy là tôi báo cáo với bác sĩ trưởng khoa, nhờ anh ấy theo dõi bệnh nhân. Về phần mình, tôi xin phép lánh mặt, chỉ thăm hỏi qua bác sĩ điều trị, tránh làm cho người nhà khó chịu. Bác sĩ trưởng khoa đồng ý.
Một tuần sau, bệnh nhân đột ngột trở nặng rồi tử vong.
Vì mình có lỗi trong ca này, nên khi kiểm thảo tử vong, tôi chỉ báo cáo lại diễn tiến một cách trung thực mà không ý kiến gì về nguyên nhân tử vong. Các bác sĩ và các bằng chứng khác như CTScan chụp trước và sau mổ, các xét nghiệm... đều xác định việc mổ nhầm bên không gây ra biến chứng gì khác.
Nhưng cảm giác mình là tội đồ cứ đè nặng tôi mãi. Gần 15 năm đã trôi qua, nhưng cứ mỗi lần bước vào ca mổ, tôi lại nhớ đến ca mổ hôm đó.
Kể từ đó, tôi không hỏi có phải tôi đang đứng bên phải hay không, mà đổi lại. Tôi hỏi: "Tôi đang đứng phía bên nào của bệnh nhân?", và "Chỗ tôi đánh dấu là chỗ nào của bệnh nhân?". Câu hỏi đó bắt buộc phải động não khi trả lời, tránh được việc trả lời theo phản xạ.
Gần đây, khi các bệnh viện Việt Nam bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng JCI, tại bệnh viện FV (Sài Gòn) và bệnh viện Vimec (Hà Nội), trong phòng mổ có một "check list" (bảng đánh dấu), trong đó có những câu hỏi cho mọi thành viên của kíp mổ, với cách hỏi bắt buộc phải động não mới trả lời được.
Cách làm này nhằm hạn chế thấp nhất các sai sót, trong đó có sai sót nhầm bên. Chỗ chúng tôi cũng thực hiện như vậy.
Các bệnh viện công ở Việt Nam, dù chưa đủ điều kiện quản lý theo chuẩn JCI, cũng nên học tập điều này để tránh sai sót.
Theo Võ Xuân Sơn - phòng khám Exxon TP HCM (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)