Và chỉ trong một ngày, hôm qua 5.4, ở Hải Phòng xảy sự cố cô giáo buộc nữ sinh “súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng”, còn tại Quảng Bình, một nam sinh đâm thủng gan thầy giáo sau khi bị nhắc nhở về một hình xăm.
Dư luận đã được chứng kiến tận mắt máu của thầy giáo đã đổ xuống sau khi ông vừa thực hiện đúng chức năng dạy dỗ của một người thầy. Cú đâm của cậu học sinh vào người thầy, nghiệt ngã thay, như đâm vào truyền thống, đạo lý của xã hội.
Nếu cố gắng nhìn nhận một cách lạc quan, chúng ta sẽ nói đó chỉ là cá biệt. Nhưng sao mà nhiều cá biệt đến như thế? Nhưng một sự ru ngủ thì liệu có tác dụng gì?
Nói có sách: Trong chỉ 1 tháng, Bộ Giáo dục đã 6 lần gửi văn bản yêu cầu xử lý nghiêm những vụ bạo lực học đường. Cô giáo bắt học sinh quỳ. Phụ huynh bắt lại cô giáo phải quỳ gối. Cô giáo suốt cả kỳ học không nói một lời. Người nhà học sinh đến hành hung cô giáo đến dọa sảy thai.
Và từ việc học sinh bóp cổ thầy giáo, đến hôm qua, là dao, là máu!
Và từ việc cô giáo bắt quỳ, hôm qua, đến lượt cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng.
Nhưng câu chuyện của ngành giáo dục đang không dừng lại chỉ dưới mái trường. Trong việc xử lý Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Kiên Giang vừa qua, cả ngành giáo dục, cả dư luận xã hội đã nhìn thấy rành rành việc một quan chức đốc học đầu tỉnh đã “chỉ đạo tuyển sinh 6 trường hợp dưới điểm chuẩn vào trường THPT Võ Văn Kiệt”. Đã “tiếp nhận một nữ nhân viên hợp đồng của Công ty Cổ phần kinh doanh Nông sản Kiên Giang về công tác tại trường THPT Võ Văn Kiệt không qua thi tuyển hoặc xét tuyển”. Và kể cả biểu hiện trù dập một hiệu trưởng dám đứng ra tố cáo.
Hình như không phải vô lý mà Bộ Nội vụ, trong dự thảo Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBDN cấp tỉnh, thành đang đề xuất theo hướng sở Giáo dục và đào tạo không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có.
Tầng nấc trung gian với bộ máy quá cồng kềnh nhưng thiếu hiệu quả đang là lực cản, đang tiêu tốn quá nhiều ngân sách chi thường xuyên, đang tốn quá nhiều nhân lực cho những việc cấp bách, cần thiết hơn mà giáo dục bạo lực học đường với toàn những lý thuyết suông, những bài học đạo đức nhàm chán, những văn bản xử lý kiểu chữa cháy chưa và không bao giờ trở thành những bài học trồng người được học sinh ghi nhớ.
Thưa các thầy cô, vì sao không phải là hôm nay, tiết học đầu tiên sẽ là bài giảng về bạo lực học đường với 2 vụ việc đau lòng vừa diễn ra?!
Theo Anh Đào (Lao Động)