Vụ hộ cận nghèo phải đóng quỹ vì người nghèo: Đổ lỗi cho cán bộ ấp

06/05/2018 20:43:09

Liên quan đến bài viết “Hậu Giang: Hộ cận nghèo buộc phải đóng Quỹ vì...người nghèo” mà Dân Việt phản ánh ngày 3.5, lãnh đạo địa phương khẳng định lỗi do cán bộ ấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Vũ - Phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, sau khi báo chí phản ảnh việc người dân xã nghèo Hoà An bị bắt đóng nhiều loại quỹ, UBND huyện đã chỉ đạo xã họp dân và công khai các các khoản thu.

Vụ hộ cận nghèo phải đóng quỹ vì người nghèo: Đổ lỗi cho cán bộ ấp
Các khoản thu mà ông Thưa đã đóng

“Vụ thu các khoản phí mà người dân bức xúc chỉ xảy ra ở 2/14 ấp ở xã Hoà An. Nguyên nhân là do cán bộ ấp không cập nhật được kỹ năng trong công tác vận động, không nói rõ mục đích yêu cầu của việc đóng các nguồn quỹ, ấn định số tiền cụ thể trong thông báo thu quỹ thay vì người dân tự nguyện đóng bao nhiêu ghi bấy nhiêu. Hơn nữa, những cán bộ này phần lớn là không chuyên trách, thay đổi liên tục, có cán bộ mới vào làm...” – ông Vũ nói.

Ông Vũ cho biết thêm: “Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch xã Hoà An cũng đã nhận thiếu xót rồi và hứa trong thời gian tới sẽ không để xảy ra tình trạng tương tự.

Tới đây, Chủ tịch UBND huyện sẽ làm việc với UBND xã, xem xét các bảng kê, coi có bao nhiêu trường hợp là hộ cận nghèo, gia đình chính sách đã đóng các khoản quỹ rồi để có hướng giải quyết tiếp theo”.

Trước đó, nhiều người dân ở xã Hoà An (có cả hộ cận nghèo) phản ánh, ngoài Quỹ An ninh quốc phòng, Quỹ phòng chống thiên tai, địa phương đưa thông báo buộc phải đóng thêm 2 khoản bất hợp lý là Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

“Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa là hai loại quỹ tự nguyện nên người dân có quyền đóng hoặc không đóng chứ không áp đặt như cán bộ địa phương đang thực hiện.

Hơn nữa, hai khoản này muốn thu thì phải họp dân, dân đóng bao nhiêu thì đóng chứ không được bắt buộc. Còn ở đây là bắt buộc, không đóng không được, đóng chậm 2 ngày cũng không được mà phải bắt đóng liền. Những năm trước chúng tôi cũng phải đóng các khoản phí tương tự, riết rồi không thể chịu nổi nữa” - ông Hà Văn Thưa (63 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hòa An bức xúc nói.

Gia đình chị Nguyễn Thị Linh, ngụ ấp 3, xã Hoà An thuộc diện hộ cận nghèo, chỉ sống nhờ vào việc đi cắt mía thuê của chồng chị nhưng vẫn đóng các khoản thu trên.

Chị Linh nói: “Cán bộ địa phương đến nhà đưa tờ giấy thu tiền là mình biết là bắt buộc phải đóng. Gia đình tôi đóng tất cả các khoản phí tới 140 nghìn đồng. Số tiền này bằng tiền mua gạo cho gia đình ăn trong 10 ngày. Không riêng gì nhà tôi, nhà khác cũng thuộc hộ cận nghèo cũng đóng phí tương tự trong nhiều năm qua”.

Ngoài phản ảnh vấn đề trên, người dân xã nghèo Hòa An còn cho biết, khoản phí mà họ đóng cao rất nhiều so với xã lân cận cùng huyện Phụng Hiệp. “Ở đây thu 140 nghìn đồng cho các khoản phí nhưng ở trong xã Phương Bình chỉ có 70 nghìn đồng thôi. Tôi hỏi thì những người đi thu nói ai cũng đóng hết tại sao lại không đóng, chứ không giải thích hay vận động gì hết, cứ đưa biên lai rồi đóng thôi” - chị Nguyễn Thị Tiên (ngụ ấp 3, xã Hòa An) bức xúc nói.

Theo lãnh đạo UBND xã Hoà An, ở mỗi địa phương khác nhau thì có cách vận động khác nhau, ở xã lân cận có hộ nghèo và hộ chính sách ít, còn xã Hoà An ngược lại. "Toàn xã Hoà An có trên 300 gia đình chính sách, trên 2.000 hộ nghèo, chiến tỷ lệ 29,9%, con số này cao nhất trong toàn huyện nên việc vận động đóng các khoản phí cao có hơn các địa phương khác” - ông Võ Văn Kết – Chủ tịch UBND xã Hòa An giải thích.

Theo Huỳnh Xây (Dân Việt)