Sáng 2/11, Quốc hội tiếp tục bàn thảo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.
Theo dõi các ý kiến trong hai ngày qua, đại biểu Dương Trung Quốc bấm nút đăng đàn và cho rằng, nội dung tập trung nhiều vào chỉ tiêu kinh tế, nhưng lại thiếu "chỉ tiêu về niềm tin".
Nhắc lại sự việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), ông nói không nên đơn thuần nhìn đây là vụ án hình sự mà phải xem xét dưới góc độ khủng hoảng niềm tin, với vấn đề là các ý kiến, khiếu nại của người dân chưa được quan tâm, xem xét kịp thời nên đã tích tụ trong thời gian dài.
Theo ông Quốc, Chính phủ đã chỉ đạo phải giải quyết sát sao vụ Đồng Tâm, nhưng hơn 2,5 tháng nay người dân Đồng Tâm có kiến nghị về kết luận thanh tra mà Hà Nội đưa ra, hiện chưa cơ quan nào trả lời cụ thể.
Ông cho biết, tại kỳ họp trước đã viết bức thư gửi nhiều vị lãnh đạo liên quan đến vụ việc này và sau đó Thủ tướng có văn bản trả lời. Trong thư, ông có đề cập đến việc các chiến sĩ cảnh sát tinh nhuệ, được đào tạo, được trang bị phương tiện nhưng đã để cho người dân Đồng Tâm giữ lại. "Vì sao như vậy? Câu trả lời duy nhất là các chiến sĩ giữ được phẩm chất của người công an nhân dân, không coi nhân dân là kẻ thù và chấp nhận giải pháp như vậy", ông Quốc nói.
Đề cập đến việc gần đây các cơ quan thực thi pháp luật kêu gọi những người liên quan đến việc giữ cảnh sát ở Đồng Tâm ra đầu thú, ông Quốc bày tỏ suy nghĩ là "dùng chữ đầu thú không ổn".
"Ai cũng có thể hình dung được để bắt và giữ được lực lượng đó chắc chắn không phải là một vài người, trong đó có phụ nữ, trẻ con... Chúng ta có thể coi đấy là những người phải đầu thú không? Tại sao không xuống với dân, nghe dân, gạn lọc thông tin để xử lý", ông chia sẻ quan điểm của mình.
Tán thành quan điểm thượng tôn pháp luật trong giải quyết vụ việc, song đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần quan tâm đúng mức đến việc củng cố niềm tin, bởi vì "pháp luật không phải chỉ có bắt bớ".
Khi đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu ý kiến về Đồng Tâm, máy quay hướng đến hình ảnh Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đang chú ý lắng nghe.
Đại biểu Dương Trung Quốc nói về vụ việc ở Đồng Tâm trước Quốc hội |
Câu chuyện niềm tin mà nhà sử học đem đến diễn đàn Quốc hội còn được nhìn nhận từ khía cạnh an toàn thực phẩm. Ông nêu hiện tượng "nuôi lợn 2 chuồng, trồng rau 2 luống", nhiều nông dân vì lợi ích cá nhân sẵn sàng gây thiệt hại cho đồng bào. Từ vấn đề này, ông day dứt nói trên nghị trường, "vì sao trong nạn đói 1945, người Việt Nam không có hiện tượng tranh giành, cha ông chúng ta lúc bấy giờ vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm".
Theo đại biểu Quốc, tình trạng suy thoái đạo đức xã hội là hết sức nguy hiểm, "kinh tế có thể vực dậy được, nhưng đạo đức mà mất thì rất khó làm lại".
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của ông Dương Trung Quốc về tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc ở Đồng Tâm. Tuy nhiên ông Hồng cho rằng, cần chú ý tình trạng lợi dụng những bức xúc của dân để phục vụ "ý đồ đằng sau".
“Tôi không nói vụ Đồng Tâm có chuyện này hay không, nhưng một số vụ việc mà các đại biểu phát biểu, những vấn đề chính sách hay phản đối chính sách, Quốc hội phải hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định, hết sức tỉnh táo để xem đó có phải là bản chất hay không”, ông Hồng nói.
"Tôi vào nhiều bệnh viện thấy tình trạng nhốn nháo"
Đề cập đến phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết vào chiều qua (1/11), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban tư pháp, nhận xét "Bộ trưởng nói vậy thì cơ bản dịch bệnh là do thời tiết". Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, việc không khoanh vùng dịch, không công bố dịch kịp thời đã để dịch bệnh bùng phát, gây chết người, "khi đó mới làm thì không kịp".
Ngoài ra, ông Nhưỡng phản ánh, "tôi đi thực tế các bệnh viện thấy giường kê hết ra hành lang, gặp nhiều thanh niên khoẻ mạnh nhưng vẫn nằm trên những giường đó". Ông cũng nói: "Nhiều bệnh viện ở Hà Nội hiện có tình trạng nhốn nháo, một số bác sĩ không còn tâm trí chữa bệnh vì bảo vệ ít, rất dễ bị người nhà bệnh nhân và kẻ khác đến hành hung. Nếu tiếp tục như vậy thì họ không thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Người dân và bác sĩ luôn lo lắng".
Vị đại biểu nhấn mạnh "bệnh viện lẽ ra là nơi miễn nhiễm với tiêu cực", nên ông chỉ muốn "trao đổi như trên để ngành y tế xem xét công tác sao cho tốt hơn".
Vào chiều qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình trên diễn đàn Quốc hội về dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo bà, năm nay số người bị sốt xuất huyết tăng 40% so với năm ngoái. Một trong các nguyên nhân được Bộ trưởng Y tế đề cập đến là biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, mưa cũng nhiều. Ngoài ra, đây cũng là chu kỳ, khi một thời gian lâu không mắc bệnh nên miễn dịch giảm, số người chưa mắc nhiều nên vừa qua dịch lớn. Các nước trong khu vực dịch cũng kéo dài và người chết thậm chí nhiều hơn Việt Nam...
"Khó và dễ của ngành y tế"
Với tư cách đại biểu ngành y tế, ông Nguyễn Lân Hiếu - Giảng viên, Phó chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV Đại học Y Hà Nội, cho rằng ngành có ba công đoạn, đầu vào là thuốc và các vật tư, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Đầu ra là kết quả khám chữa bệnh mà thước đo là sự hài lòng của người dân. Khâu giữa là các nhân viên y tế. Muốn hệ thống vận hành trơn tru thì chỉ có thể tác động đến đầu vào và khâu giữa.
Đầu vào là khâu vừa dễ vừa khó. Dễ là chỉ cần áp dụng phương thức đấu thầu tập trung, áp giá thuốc bằng hoặc thấp hơn các nước có GDP tương tự Việt Nam. Nhưng khó là ảnh hưởng đến các bộ phận đang có quyền quyết định, hình thành nên mức giá "made in Việt Nam".
"Chỉ cần cải tổ đầu vào, quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiết kiệm được một khoản lớn vì hiện nay đa số tiền quỹ dành để chi trả cho thuốc và các vật tư tiêu hao", ông Hiếu nói.
Đồng thời, theo ông, cần xem xét lại quy trình khám và cấp phát thuốc cho người sử dụng bảo hiểm y tế. Ví dụ với bệnh nhân mãn tính tăng huyết áp, đái tháo đường, không nên quy định mỗi tháng khám một lần, vì có nội dung chỉ cần khám thường quy 6 tháng một lần. Hay như có bệnh nhân mỗi tháng phải thay thuốc một lần, vì lý do lãng xẹt là đợt này bảo hiểm y tế chỉ thầu loại thuốc đó. "Cách làm này rất dễ gây bức xúc", ông Hiếu lên tiếng.
Vị đại biểu cho rằng, khâu giữa là khó nhất vì liên quan trực tiếp đến người tạo đầu ra. Để cải thiện khâu này, cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, tạo điều kiện tốt về cơ sở vật chất, đảm bảo thu nhập cho bác sĩ, y tá...
"Nếu nhân viên y tế vừa làm vừa lo thiếu phương tiện thuốc men, bị chậm trả lương, bị gia đình người nhà bệnh nhân bạo hành thì không từ mẫu nào có thể yên tâm làm việc được", đại biểu Hiếu nói.
Cùng với với đó, ông Hiếu đề nghị có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế thì mới hạn chế được các chỉ định, phương pháp điều trị lãng phí gây nguy hiểm cho người bệnh, tốn kém cho quỹ bảo hiểm.
Nam giới Việt Nam trong nhóm chiều cao thấp nhất thế giới
Đại biểu Phạm Tất Thắng - Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nêu thông tin ngày 26/10 vừa qua, Viện Y học ứng dụng công bố nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, trung bình là 164,4 cm. Nữ giới đứng thứ 13 với chiều cao trung bình là 153,6 cm.
"Cụ thể, chiều cao của nam giới Việt Nam đứng 182 và nữ thứ 188 thế giới. Chỉ so với 13 nước trong khu vực, chiều cao của Việt Nam đứng thứ 9, chỉ hơn Indonexia, Phillipines và Lào. Đây là vấn đề đáng quan tâm", ông nói.
Theo đại biểu Thắng, tầm vóc và thể lực người Việt Nam đang gặp vấn đề lớn, "và liệu đây có phải nguyên nhân làm năng suất lao động cũng không cao?".
Ông đề nghị Chính phủ dành nguồn lực thích đáng để thực hiện đề án phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam, đồng thời tăng cường các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Nền kinh tế đang mất cân đối ở ba lĩnh vực
Đại biểu Trần Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu TP HCM, cho rằng nền kinh tế đang mất cân đối ở 3 khía cạnh. Thứ nhất, trong cán cân thương mại, nhập siêu 3 tỷ USD năm 2017 cho thấy khả năng cạnh tranh của mặt hàng trong nước chưa cao, đặc biệt là những mặt hàng đòi hỏi yếu tố khoa học công nghệ.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp lớn về kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên khối FDI nhập nguyên vật liệu từ chính nước họ là chủ yếu. Thị trường nội địa đang bị cạnh tranh bởi các nhà bán lẻ trong khu vực; tính liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, hậu cần, phân phối bán lẻ... chưa cao.
Mất cân đối thứ hai là thu chi ngân sách, với mức bội chi 3,5% GDP, trong đó chi thường xuyên vượt kế hoạch 11,6 nghìn tỷ đồng. "Sự mất cân đối này có thể giải quyết bằng việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế", ông Tuấn nói.
Mất cân đối thứ 3, theo ông Tuấn, là sự thiếu hụt vốn đầu tư từ ngân sách. Đây là năm thứ 3 liên tiếp các Bộ ngành không có tiền để triển khai nhiều dự án quan trọng. Theo đại biểu Anh Tuấn, giải pháp cần thiết lúc này là phải có sự phân bổ vốn hợp lý, chuyển vốn từ dự án chậm triển khai sang dự án cần thiết; tăng cường phân cấp cho các địa phương trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, thu hút xã hội hoá...
Tái diễn "luật khung, luật ống"
Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên thường trực Uỷ ban pháp luật, lo lắng trước tình trạng "luật khung, luật ống" tái diễn, nghĩa là tồn tại các văn bản luật có nhiều điều khoản chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc hoặc chung nhất, chưa đạt đến một sự điều chỉnh cụ thể; văn bản dưới luật nhiều; có dự án luật phải rút khỏi chương trình... “Tình trạng luật sau sửa luật trước, một luật sửa nhiều luật làm tính khả thi của luật không cao, dẫn đến sự không tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật”, ông Xuyền nói.
Liên quan tới việc giải quyết tồn tại trong các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT, đại biểu Xuyền đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chặt chẽ, căn cơ hơn. “Nếu chỉ giảm phí, giảm thời gian thu phí dự án BOT thì mới là giải pháp trước mắt, không ổn định về lâu dài”, ông nhấn mạnh.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dành 2,5 ngày từ 31/10 đến hết sáng nay để nghị sự về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Gần 100 đại biểu đã đăng đàn, với các ý kiến trải rộng nhiều lĩnh vực, như: Tăng trưởng GDP; sự phụ thuộc của nền kinh tế vào một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn; xuất khẩu nông sản; cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư "chắp vá, đứt đoạn"; công tác dự báo thiên tai, buôn lậu thuốc lá...
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội ở đầu kỳ họp cho thấy, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.
Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%...
Quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn (nằm trên địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) được công bố hôm 20/4 - 5 ngày sau biến cố tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Ngày 15/4, khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị người dân giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ôtô công vụ bị hư hại. 7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại và cam kết làm rõ nguồn gốc đất khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp - mấu chốt cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên.
Ngày 25/7, thanh tra TP Hà Nội có Thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Nội dung chính của kết luận khẳng định, "toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng".
Theo Hoài Thu - Võ Hải - Hoàng Thuỳ (VnExpress.net)