LTS: Mùa hè năm 1978, chiếc máy bay số hiệu 501 của Hàng không dân dụng Việt Nam bị một nhóm không tặc nổ súng, cướp máy bay. Những tiếp viên, cảnh vệ và phi công đã anh dũng chống trả để máy bay không rơi vào tay không tặc.
40 năm đã trôi qua nhưng các nhân chứng sống đó vẫn không thể quên những giây phút đối đầu sinh tử với nhóm không tặc trên máy bay.
Tẩu thoát từ không trung
Hàng chục năm trôi qua, vụ cướp máy bay mùa hè năm 1978 ít người còn nhắc tới, tưởng chừng chúng dường như đã trôi vào quên lãng. Vậy nhưng, khi chúng tôi hỏi chuyện, ký ức về sự việc trong ông Ngô Văn Liêu (nguyên Phó trưởng Công an huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ) và ông Huỳnh Xuân (nguyên Tổ phó tổ bảo vệ chính trị Công an huyện Hòa Vang) như mới vừa hôm qua.
Ông Liêu, ông Xuân chính là 2 trong số những điều tra viên tham gia vụ án không tặc cướp máy bay mang số hiệu VNC 501 của Hàng không dân dụng Việt Nam ngay sau khi chiếc máy bay được giải cứu. Nhiệm vụ đầu tiên của 2 ông chính là đi tìm những tên không tặc đã tung mình nhảy ra ngoài khi chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh.
Những tên không tặc thất bại trong việc khống chế buồng lái, một tên đã chết vì quả mìn phát nổ nhưng 3 tên còn lại vẫn điên cuồng bắn phá khi máy bay quay đầu về sân bay Đà Nẵng.
Quả mìn phát nổ khiến thân bụng máy bay bị thủng một lỗ to như chiếc bàn. Ba tên không tặc còn sống muốn máy bay nổ tung để không bị công an bắt giữ. Từ khoang hành khách, chúng ngắm bắn động cơ máy bay và thùng xăng qua vết thủng sau vụ nổ mìn. Những phát đạn của bọn chúng đều trượt mục tiêu do gió lớn.
Trong cơn hoảng loạn, 3 tên không tắc bắn bung cánh cửa dành cho hành khách lên xuống. Khi máy bay còn cách sân bay Đà Nẵng chừng 2km, 2 tên không tặc lao ra cánh cửa nhảy xuống đất từ không trung.
Tên không tặc còn lại cũng chọn cách lao ra ngoài khi máy bay đang tiếp đất ở sân bay Đà Nẵng. Tên này chết ngay tại chỗ vì tốc độ máy bay vẫn còn rất lớn.
Ông Liêu, ông Xuân cùng một số đồng đội nhận nhiệm vụ tìm kiếm 2 tên không tặc đã nhảy xuống đất trước đó. Dựa vào báo cáo của phi công, đội điều tra nhận định bọn chúng có khả năng nhảy xuống khu vực 2 bên bờ sông Cẩm Lệ. Việc triển khai tìm kiếm ngay lập tức được tiến hành.
Sau hai ngày điều tra, người dân ở quận Cẩm Lệ thông báo cách đó hai ngày thấy hai thi thể nam giới rơi từ trên cao xuống. Bà con không biết đây là thi thể của những tên không tặc nên đã tiến hành chôn cất. Cơ quan điều tra tiến hành khai quật để nhận dạng nhưng không thành vì thi thể bị biến dạng hoàn toàn.
"Chúng tôi không nhận dạng được nhưng sau đó cũng xác định tên chết vì nổ mìn trên máy bay là Châu Đình Dũng, 2 tên nhảy xuống khu vực Cẩm Lệ là Trần Văn Thảo, Chênh Sênh Công và tên cuối cùng chết trên đường băng là Châu Đình Dũng", ông Xuân nhớ lại.
Cú hạ cánh thần thánh
Đấu súng, lựu đạn phát nổ, không tặc nhảy ra ngoài còn chiếc máy bay thì hư hỏng nặng. Một phần động cơ bị phá hủy vì đạn. Hệ thống điều khiển bánh lái bị đứt gần hết.
Bên trong buồng lái, một mình cơ trưởng Phạm Đức Nam không bị thương cố ấn nút thả càng nhưng đèn tín hiệu không sáng. Cơ trưởng Nam ấn nút thả càng liên tục và may mắn ập đến. Một sợi dây điều khiển càng bánh xe không bị đứt đã phát huy tác dụng. Càng bánh xe được hạ xuống, máy bay đáp xuống sân bay an toàn trong sự hoảng loạn và hạnh phúc của các hành khách.
Lực lượng an ninh, y tế sân bay ngay lập tức ứng cứu, chăm sóc những người bị thương. Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) cũng nhanh chóng vào cuộc điều tra vụ cướp máy bay táo tợn vừa diễn ra.
Thoát khỏi bàn tay không tặc nhưng số phận chiếc máy bay mang số hiệu 501 của Hàng không dân dụng Việt Nam vẫn có một kết cục xấu. Hai năm sau vụ không tặc, chiếc máy bay cùng phi hành đoàn nhận nhiệm vụ chở lúa giống từ Đà Nẵng đi tỉnh Păksê (Lào) hỗ trợ cho người dân nước bạn.
Trên đường hành trình, chiếc may bay bị cháy và phải hạ cánh bắt buộc xuống một đảo nổi trên sông Thu Bồn. Phi hành đoàn thoát nạn nhưng chiếc máy bay nổ tung, bị phá hủy hoàn toàn.
Theo Đình Thức (Soha/Trí Thức Trẻ)