Trưa ngày 27/2, chị Lương Thị Thủy (ngụ Biên Hoà, Đồng Nai), người làm rơi 59 triệu đồng trên quốc lộ 51 (huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết, hiện đã có 3 người nhặt tiền của chị làm rơi để trả lại.
Theo chị Thủy, 3 người nhặt được khoảng 7,5 triệu đồng, hiện vẫn còn 51,5 triệu đồng vẫn chưa được thu hồi.
Một số người dân sống tại hiện trường cho biết, có 1 người đàn ông hành nghề chạy xe ba gác nhặt được khoảng 50 triệu đồng trong tổng số 59 triệu đồng của chị Thủy.
Trước đó trưa ngày 26/2, chị Thuỷ đi ô tô trên tuyến Quốc lộ 51 đoạn qua An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) thì bị rơi một túi tiền 59 triệu đồng. Ngay khi vừa rơi ra và bay khắp nơi, lúc này nhiều người đi đường đã nhanh chân ra nhặt hết rồi bỏ đi.
Theo luật sư Nguyễn Trung Tín (văn phòng luật sư Hoa Sen, TP.HCM) Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, quy định việc phát hiện tài sản của người khác bị bỏ quên hoặc đánh rơi thì người phát hiện phải thông báo để trả lại tài sản. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo cho chính quyền địa phương hoặc công an nơi gần nhất.
Nếu nhặt được tài sản bị đánh rơi mà chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, người nhặt có thể bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Cũng tại Nghị định trên, nếu nhặt được, không trả lại hoặc không báo cho cơ quan có thẩm quyền mà còn sử dụng trái phép tài sản đó thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Căn cứ pháp lý điều 176 tội chiếm giữ trái phép tài sản BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, ai nhặt được tài sản mà cố tình không trả hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền sau khi chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu tài sản có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên.
Theo TỨ QUÝ (Doanh nghiệp và Tiếp thị)