Bị tát sưng mặt vì "không nhường đường"
Vừa qua, chị Nguyễn Thị Minh Th. (SN 1993, quê ở tỉnh Ninh Bình) tới Công an phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) trình báo sự việc, tối 13.11, chị đang đi xe đạp điện cùng bạn ở đường Tây Sơn thì có xe ô tô KIA K3 xin vượt nhưng vì đường đông nên chị Th. không thể nhường đường ngay. Sau đó, người đàn ông lái xe ô tô KIA K3 vượt lên ép xe chị Th. dừng lại rồi bước xuống tát chị Th.
Sự việc chị Th. trình báo xảy ra đúng ngày Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát động Tháng hành động “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” (từ 15.11 – 15.12) khiến nhiều người càng thêm bức xúc.
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công lý) cho rằng, nếu lái xe ô tô KIA K3 có hành vi tát chị Th. thì sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính về hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Luật sư Kiên còn cho rằng, trong trường hợp nghiêm trọng hơn, chị Th. bị thương tích trên 11% vì bị tát, lái xe KIA có thể bị xử lý hình sự về tội “cố ý gây thương tích”.
“Việc sử dụng bạo lực đối với phụ nữ là hành vi đáng bị lên án. Đặc biệt, trong trường hợp này, nếu chỉ vì xin vượt không được mà ra tay đánh cô gái giữa đường thì càng đáng bị lên án hơn, đây là hành vi thể hiện thói côn đồ, coi thường pháp luật”, luật sư Kiên nói.
Phụ nữ cần biết luật để bảo vệ mình
Việc chị Th. “tố” bị lái xe ô tô KIA tát giữa đường xảy ra khi vụ nữ nhân viên hàng không Nội Bài bị hành khách tấn công chỉ mới vừa lắng xuống khiến nhiều người đặt câu hỏi, pháp luật quy định bảo vệ phụ nữ như thế nào? phụ nữ cần biết những quy định gì để tự bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của mình?
Hình ảnh nữ nhân viên hàng không bị hành khách tấn công tại sân bay Nội Bài hôm 18.10. Ảnh cắt từ clip. |
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên cho biết: Theo Hiến pháp 2013, “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, điều này có nghĩa, phụ nữ và đàn ông đều bình đẳng trước pháp luật.
Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Như vậy, mọi hành vi xâm phạm, sử dụng bạo lực gây tổn hại sức khỏe với phụ nữ đều chịu sự xử lý của pháp luật.
Luật sư Kiên cho rằng, trong hệ thống pháp luật hiện tại, có những quyền được pháp luật xây dựng để bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật, xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc và cuộc sống.
Ngoài ra, phụ nữ có những quyền ưu tiên như trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu... Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình và đóng góp nhiều hơn cho gia đình, xã hội.
Theo Luật sư Kiên, để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình, người phụ nữ cần tìm hiểu và nắm được các quy định trong các bộ luật hiện hành.
Luật sư Kiên lấy ví dụ: Theo Luật bảo hiểm xã hội 2006, ngoài việc được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí... lao động nữ còn được hưởng các quyền lợi mang tính đặc thù như: Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp), nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương, dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu.
Trong khi trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 cũng có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của lao động nữ ví như nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động; lao động nữ được dành thời gian trong thời gian lao động để cho con bú, làm vệ sinh phụ nữ; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi…
Luật Hôn nhân và gia đình cũng khẳng định nguyên tắc, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ. Đặc biệt, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Luật sư Kiên cũng cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành có nhiều quy định bảo vệ phụ nữ ví dụ, hành vi phạm tội đối với phụ nữ có thai được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ở nhiều tội danh như Giết người, cố ý gây thương tích…
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý tội phạm là nữ giới. Ví dụ, có chính sách giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội là nữ đang có thai, không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội.
Theo Đỗ Tuấn (Dân Việt)