Nhiều người dùng mạng xã hội trong những ngày qua có thể sẽ không tránh khỏi ngơ ngác phát hiện cụm từ 'đúng nhận sai cãi' không hiểu do đâu mà liên tục xuất hiện như một trend với rất nhiều bài đăng, video ngắn... "Dân tối cổ" quay sang hỏi nhau do đâu mà câu nói này lại bỗng nhiên "hot sau 1 đêm" như vậy?
Đây được xem là hiện tượng mạng khi từ những clip được cô đồng này chia sẻ trên mạng xã hội đã có rất nhiều video giải trí tái hiện lại cảnh xem bói ra đời với câu cửa miệng 'đúng nhận sai cãi'.
Hóa ra, nguồn gốc của trào lưu này bắt nguồn từ câu cửa miệng của cô đồng online T.H, thường xem bói bằng cách bổ cau. Câu nói nổi bật nhất thường được cô nhắc đi nhắc lại sau khi nêu gia cảnh hay chuyện quá khứ của khách hàng là "đúng nhận sai cãi", “đúng nhận sai cãi cho tôi”, ý là nếu thấy cô phán đúng thì nhận, thấy sai thì phải phản hồi ngay. Tuy nhiên, người nghe luôn “đứng hình”, ngớ người vì cô nói nhanh đến chóng cả mặt, ít ai nghe kịp để còn nhận hay cãi.
Cô đồng T.H hiện đang làm việc tại Kinh Môn, Hải Dương, nổi tiếng qua những video xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau, thông qua những đoạn video đông đảo người tìm đến để xem bói rất nhiều.
Qua các video Tiktok này, có thể thấy cô đồng T.H có thể đọc tên của những người xung quanh đến xem khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ. Đặc điểm của những đoạn video được cô đồng Trương Hương đăng tải là mỗi lần bổ cau, cô có thể nói vanh vách 1 việc nào đó.
Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi.
Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng clip đầu tiên, tài khoản TikTok của người này hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi.
Trong một clip xem bói thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên nền tảng, người này nói: "Nhà mình tên Tuấn cũng có, tên Đức cũng có, tên Thủy cũng có, Tiến và Lam cũng có, Hưng và Thành cũng có luôn... Bổ quả cau này ra, có người tên Hoa... đúng nhận sai cãi cho cô".
Cô đồng này cũng nhận đặt lịch để xem bói cho nhiều người khác. Theo thông tin được cô đồng T.H chia sẻ thì cô không bao giờ nhận đặt cọc trước và mọi yêu cầu chuyển khoản đều là giả mạo.
Tuy nhiên, từ những video xem bói trên Tiktok của cô đồng T.H, dù chưa biết đúng sai như thế nào nhưng nhiều người cho rằng nghe cô đồng này nói rất cuốn.
Sáng ngày 8/2, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị đang chờ hoàn tất báo cáo vụ việc liên quan đến cô đồng T.H. ở xã Chiến Thành bổ cau xem bói với câu nói "đúng nhận sai cãi" xôn xao trên mạng xã hội những ngày vừa qua.
"Bước đầu khi làm việc với cơ quan chức năng, cô T.H. rất hợp tác. Hiện cán bộ thị xã đang hoàn thiện báo cáo sau đó sẽ có những phương án đề xuất cấp trên", lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn thông tin.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, đã nắm được vụ việc trên.
"Với trách nhiệm quản lý, Bộ TT-TT sẽ có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của cô đồng T.H. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh", ông Do nhấn mạnh.
Bói toán trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Gần đây xuất hiện rất nhiều hình thức xem bói, lên đồng, tử vi được phát trực tiếp trên trạng mạng xã hội Facebook. Những thầy bói yêu cầu người xem đăng tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ của khách hàng trực tiếp ngay trên trạng mạng để xem bói trực tuyến. Vô hình chung gây ảnh hưởng rất nhiều tới người tham gia mạng xã hội. Bởi các thông tin cá nhân của họ bị đưa trực tiếp trên mạng rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lấy cắp thông tin cá nhân để sử dụng vào mục đích khác.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 320 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hành vi mê tín dị đoan chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Người thực hiện hành vi bói toán, đồng bóng có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Việc mê tín dị đoan không chỉ trực tiếp xâm hại đến trật tự công cộng, nếp sống của xã hội văn minh mà trong nhiều trường hợp còn xâm phạm đến cả tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản của con người. Việc quy định tội phạm này nhằm đấu tranh phòng chống, từng bước loại bỏ các hiện tượng tiêu cực này ra khỏi đời sống xã hội, giữ gìn trật tự kỷ cương của nhà nước, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của công dân.
Ngoài ra, Người hành nghề mê tín, dị đoan còn bị xử phạt vi phạm hành chính khi thực hiện hành vi theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo như sau:
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;
Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.
Như vậy, nếu các hành vi trên mạng xã hội đủ các yếu tố cấu thành Tội hành nghề mê tín, dị đoan thì người hành nghề mê tín, dị đoan sẽ phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật.
NT (Nguoiduatin.vn)