Cuộc đối thoại lần 2 vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào cuối tháng 5/2017 đã diễn ra nhưng chưa đạt được sự thống nhất về mức bồi thường.
Đại diện 8 gia đình vẫn giữ nguyên yêu cầu BVĐK tỉnh phải bồi thường mức 250 triệu đồng đối với một người tử vong như đã đưa ra đối thoại lần 1, trong đó bao gồm tất cả các khoản tiền chi phí cho bệnh nhân tử vong.
Cuộc đối thoại lần 2 vừa diễn ra |
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho hay, đã căn cứ theo điều 51 luật Dân sự 2015 và các quy định khác của pháp luật; căn cứ vào mặt bằng giá và áp dụng mức trung bình khá cho một đám tang lễ ở tại địa phương.
BVĐK tỉnh cũng đã tính đến bồi thường theo tuổi của người tử vong, tổn hại về tinh thần cho người thân gia đình, đến tiền nuôi dưỡng con của người tử vong dưới 18 tuổi, đến trách nhiệm đối với người được hưởng thừa kế, bồi thường những chi phí ma chay hợp lý và có đủ chứng từ chứng minh.
Mức bệnh viện đưa ra bồi thường đối với người thấp nhất là 136 triệu đồng, người cao nhất là 242 triệu đồng.
Bệnh viện cho rằng đây là mức bồi thường phù hợp, thỏa đáng trong giải quyết những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Tuy nhiên đại diện 8 hộ gia đình vẫn không đồng ý với mức bồi thường mà bệnh viện đưa ra.
Do đó, kết quả cuộc đối thoại lần 2 cũng như lần 1 vẫn chưa thành. Đối thoại lần thứ 3 sẽ được tổ chức lại vào ngày gần nhất, khi các gia đình có đủ căn cứ thủ tục về pháp lý, chứng minh những khoản chi phí hợp lý.
Ông Phạm Ngọc Thạo Tổ 13 phường Tân Hòa TP.Hòa Bình là người đại diện chắp nối cho 8 hộ gia đình với BVĐK tỉnh Hòa Bình trong việc đối thoại. Ông Thoại cho biết, cuộc đối thoại lần 3 các hộ gia đình vẫn yêu cầu BVĐK tỉnh bồi thường với mức 250 triệu đồng đối với một bệnh nhân bị tử vong.
Tuy nhiên, nếu bệnh viện đưa ra được những lý do chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật thì các hộ gia đình cũng có thể giảm bớt mức đề nghị bồi thường. Nếu không các hộ cùng bệnh viện đưa vụ việc ra tòa án.
Trao đổi với phóng viên, ông Quách Thiên Tường, Phó Giám đốc Phụ trách BVĐK tỉnh Hòa Bình, người chủ trì cuộc đối thoại cho biết: Các mức bồi thường đưa ra cho gia đình có bệnh nhân tử vong với mức từ thấp nhất là 136 triệu đồng/người đến 242 triệu đồng/người là phù hợp. Bệnh viện đã tính toán cụ thể đối với chi phí hợp lý từng hộ gia đình, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Nếu cuộc đối thoại lần thứ 3 tới đây, bệnh viện không nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của các hộ gia đình về trách nhiệm dân sự trong sự cố của BVĐK tỉnh, sự việc sẽ đành phải chuyển đến Tòa án Nhân dân xét xử theo quy định của pháp luật.
Tại buổi đối thoại lần 2 ngày 21/9 có sự tham gia của luật sư Vũ Duy Tôn – Trưởng văn phòng Luật sư Hòa Bình. Theo Luật sư Tôn, sự cố ngày 29/5/2017 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình là sự cố không mong muốn. Nguyên nhân bắt đầu là việc chữa bệnh cho người bị bệnh thận, do trách nhiệm của người thực hiện dẫn đến vụ việc đáng tiếc.
Trong lúc này phía người nhà của 8 bệnh nhân và bệnh viện cần phải thông cảm, chia sẻ lẫn nhau. Nếu phải chuyển ra tòa án, vụ việc sẽ kéo dài thời gian, gây cho bệnh viện suy giảm công sức tâm trí trong việc chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân hiện tại ở bệnh viện.
Đối với 8 gia đình có người thân cũng tốn kém thời gian, công sức cho việc phục vụ các buổi làm việc với tòa án, việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, mất thời gian chờ đợi theo quy định đối với công việc thi hành án. Như vậy, các thân nhân của 8 người đã khuất sẽ giảm bớt tâm trí cho công việc làm ăn, phát triển kinh tế chăm lo cuộc sống gia đình.
Trước đó, chiều 15/9, cũng tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cuộc đối thoại lần 1 được tổ chức nhưng “không thành”.
Được biết, trước đó, ngay sau khi sự cố ngày 29/5/2017 tại Đơn nguyên thận nhân tạo - khoa Hồi sức tích cực – BVĐK tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình hỗ trợ cho các hộ gia đình có thân nhân bị tử vong 5 triệu đồng. BVĐK tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng.
Theo Thu Hương - Nguyễn Huệ (Nguoiduatin.vn)