Đêm 23, rạng sáng 24/5, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại ngõ 119, phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) khiến 14 người tử vong và 3 người khác bị thương.
Sau vụ việc, nhiều ý kiến bày tỏ ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có chia sẻ dưới góc độ pháp lý.
Ông Cường cho rằng, đây là vụ hỏa hoạn thương tâm khiến nhiều người chết, một số người bị thương, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Do đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo TS Cường, nếu kết quả điều tra cho thấy, vụ cháy có người cố ý gây ra, đây sẽ là hành vi giết người, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án về tội giết người để xử lý với đối tượng cố tình gây ra vụ cháy.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy vụ cháy là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi cố ý của tổ chức cá nhân nào, cơ quan chức năng vẫn xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy của khu nhà trọ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ chủ sở hữu, người quản lý tòa nhà này là ai, việc kinh doanh cho thuê có đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không.
Đồng thời sẽ kiểm tra giấy phép xây dựng, xác định thời điểm xây dựng để đối chiếu với các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự để xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý ngôi nhà này.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy là nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nghiêm trọng xảy ra, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại khoản 3, Điều 313 bộ luật hình sự.
Trong vụ việc này, việc xây dựng ngôi nhà có giấy phép hay không, có đúng với thiết kế hay không, có đảm bảo đúng quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy tại thời điểm xây dựng và quá trình sử dụng ngôi nhà hay không và những vấn đề quan trọng để xác định chủ đầu tư công trình, người quản lý công trình xây dựng này có tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy hay không.
Trường hợp xác định có lỗi vi phạm về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hậu quả vụ cháy xảy ra, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy không có hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy nhưng có căn cứ cho thấy đã có cá nhân có lỗi trong việc bảo quản sử dụng các nguồn điện nguồn nhiệt gây ra đám cháy, cũng có thể xử lý người vi phạm về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự.
Về nguyên tắc là hành vi có lỗi gây thiệt hại đến tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người khác, người có lỗi sẽ bị xử lý hình sự tùy thuộc vào loại lỗi mà sẽ bị áp dụng những tội danh tương ứng.
"Thiệt hại trong vụ cháy này là rất nghiêm trọng số người chết cho đến này có tới 14 người và 3 người bị thương. Hậu quả của vụ cháy là đặc biệt nghiêm trọng nên chỉ cần cơ quan chức năng xác định sự việc có lỗi là sẽ xử lý hình sự, không phụ thuộc vào lỗi cố ý hay lỗi vô ý. Việc tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng, về sử dụng công trình phải về đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng như an toàn công cộng là những vấn đề quan trọng để xác định có hành vi vi phạm pháp luật đến mức xử lý hình sự hay không".
Cũng theo luật sư Cường, nếu xác định được tổ chức cá nhân có vi phạm dẫn đến vụ cháy xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình các nạn nhân và cho nạn nhân bị thương. Thiệt hại bao gồm tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút của người bị thương, bồi thường tổn thất về tinh thần.
Ngoài ra đối với nạn nhân tử vong, người vi phạm còn bồi thường chi phí mai táng và nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đối với tài sản bị thiệt hại, người vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trên cơ sở những thiệt hại thực tế về tài sản đã xảy ra.
Cần có quy định rõ ràng về PCCC
Trao đổi với PV về vụ cháy trên, luật sư Cường cho rằng, những nhà ở riêng lẻ kết hợp đa mục đích vừa ở vừa cho thuê, hiện pháp luật không cấm. Tuy nhiên, cùng với việc đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, còn rất nhiều vấn đề đặt ra, trong đó quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn cho các khu trọ, nhà trọ thấp tầng vẫn chưa được hoàn thiện.
Những nhà thiết kế xây dựng từ rất lâu, quy định về phòng cháy chữa cháy có những thay đổi, có nhiều quy định về phòng cháy chữa cháy không còn phù hợp dẫn đến nhiều trường hợp khó xử lý, khó khắc phục và vấn đề an toàn về phòng cháy chữa cháy hiện vẫn là vấn đề bỏ ngỏ.
Nói cách khác, với những tòa nhà đã được xây dựng nhiều năm trước đây hệ thống phòng cháy chữa cháy đã xuống cấp, vấn đề an toàn về phòng cháy cũng là vấn đề đáng báo động. Ngoài ra những tòa nhà dưới 7 tầng do người dân tự xây dựng để ở, kết hợp với mục đích kinh doanh cho thuê trọ, quy định về phòng cháy chữa cháy còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn, có những cách hiểu khác nhau.
Những tòa nhà người dân vừa ở vừa kết hợp cho thuê theo kiểu gia đình ở chung cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhưng quy định về phòng cháy chữa cháy đối với những trường hợp này chưa rõ ràng cụ thể, chưa phù hợp dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng khó xử lý.
Bởi vậy, ngoài việc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xử lý đối với các tổ chức cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng cũng cần ra soát các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra đánh giá hiện trạng thực tế về việc cho thuê phòng trọ, đặc biệt là những nhà ở riêng lẻ kết hợp với cho thuê trọ để có những quy định phù hợp với vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Ngày 24.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 52/CĐ-TTg hỏa tốc về vụ cháy nhà dân tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Công điện gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo một số nội dung.
Theo đó, phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo vụ việc.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là Luật Phòng cháy và chữa cháy, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát lại các quy định của pháp luật và điều kiện về phòng cháy, chữa cháy liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.7.2024.
Kiểm tra, phân loại, có ngay giải pháp về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở cho thuê trọ, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người dân, nhất là ở các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn trong dịp nắng nóng.
Theo Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)