Các nạn nhân tử vong trong vụ xưởng bánh kẹo tuổi đời còn khá trẻ và đều là anh em, họ hàng trong gia đình.
10h30 sáng 29/6, ngọn lửa bùng lớn tại xưởng sản xuất bánh kẹo socola trên địa bàn xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội khiến 8 người thiệt mạng, 2 người khác bị thương. Sau vụ cháy, gia đình đau đớn nhận dạng thi thể các nạn nhân đưa về quê làm lễ an táng.
Giấu mẹ thông tin con tử vong trong đám cháy
Tối 29/7, chúng tôi về xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội gặp gia đình có nạn nhân bị tử vong trong đám cháy xưởng bánh kẹo. Tại xã này, có 4 người tử vong trong vụ cháy. Ai nghe thông tin về vụ việc cũng giật mình, xót thương các nạn nhân xấu số.
Ông Kiều Thanh Mão, ở thôn Phù Long, xã Long Xuyên, ông họ của hai nạn nhân xấu số là em Kiều Văn Tiến Trọng (SN 2000) và em Kiều Văn Chúc (SN 2002) cho biết, chiều 29/7, gia đình đã làm lễ an táng xong cho cháu Chúc tại nghĩa trang thôn Phù Long. Còn lễ an táng cho cháu Trọng được tổ chức vào sáng 30/7. Trọng và Chúc là hai anh em họ với nhau.
Ông Kiều Thanh Mão, ở thôn Phù Long, xã Long Xuyên |
“Hiện nay, gia đình chúng tôi vẫn đang giấu mẹ cháu Trọng nói là cháu bị thương và đang được điều trị ở bệnh viện. Mẹ của cháu Trọng cũng được chuyển đến nhà người thân để mọi người chăm sóc và tránh việc để mẹ các cháu biết chuyện bị sốc”, ông Mão chia sẻ.
Ông Mão cho hay, gia đình hai cháu Chúc và Trọng đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo trong thôn. Bố mẹ hai cháu đều làm nông nghiệp. Cháu Trọng học hết lớp 9 và rồi đi làm thuê được hơn 1 năm ở xưởng sản xuất bánh kẹo lấy tiền về phụ giúp gia đình.
Còn cháu Chúc vừa thi vào lớp 10. Nhân dịp nghỉ hè, cháu Chúc vào xưởng bánh kẹo làm được hơn 1 tháng thì xảy ra sự việc đau lòng trên.
Tại thôn Biểu Vệ xã Long Xuyên, nhiều người dân đau xót khi nghe tin em Nguyễn Nho Thành (SN 2001) tử vong trong đám cháy. Trong căn nhà cấp 4, ông Nguyễn Nho Trung (bố của em Thành) nói với giọng đau xót:
“Gần trưa 29/7, tôi đang trực bảo vệ cho một cửa hàng ở khu vực quận Đống Đa thì nghe tin xưởng bánh kẹo chỗ con trai tôi làm bị cháy. Tôi chạy luôn về nhà xem tình hình thế nào thì biết được con mắc kẹt trong đám cháy, không ra được tử vong”.
Ông Nguyễn Nho Trung (ảnh phải) bố của em Thành |
Ông Trung cho biết thêm, sáng cùng ngày, ông còn đèo Thành đi làm rồi ông mới lên chỗ làm việc ở quận Đống Đa. Ông Trung không ngờ, đây cũng là lần cuối cùng ông được gặp con trai.
Gia đình ông Trung có 3 người con, con trai cả bị tật nguyền do di chứng của chất độc màu da cam. Con gái lớn thứ 2 đang học đại học. Thành là lao động chính trong nhà nên bao hy vọng gia đình ông Trung đều đặt vào cháu Thành.
Bà Dương Thị Bình (SN 1971 mẹ cháu Thành) khóc lịm người khi nghe tin con trai tử vong đám cháy. “Hôm qua, Thành mới khoe với tôi là con mới được tăng lương lên 4 triệu đồng một tháng. Sáng 29/7, Thành đi làm còn vui vẻ chào mẹ bảo tối con về vậy mà con lại ra đi một cách đau đớn như vậy”, bà Bình buồn bã nói.
Người thân đến hỏi han, chia buồn với gia đình em Nguyễn Nho Thành (nạn nhân tử vong trong đám cháy) |
Công nhân làm bánh tại xưởng đều có quan hệ họ hàng
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội), xưởng sản xuất bánh kẹo có diện tích khoảng 170m2 do anh Nguyễn Văn Được (25 tuổi), quê ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ làm chủ. Anh Được thuê đất của ông Lợi, thôn Chiến, xã Đức Thượng để làm nơi sản xuất bánh kẹo. Anh Được may mắn thoát nạn khi xảy ra cháy.
Ông Nguyễn Văn Hiền (bố của anh Được) cho biết, sau nhiều năm đi làm thuê cho các cửa hàng bánh, anh Được về quê vay mượn tiền và mở cửa hàng bánh kẹo được hơn 1 năm nay. Anh Được đã xây dựng gia đình và có hai con, con lớn 2 tuổi, con bé mới sinh được mấy tháng tuổi.
“Khi xảy ra sự việc tôi rất sốc và đau buồn bởi đến 80% những người làm việc ở xưởng của con tôi đều là người thân, họ hàng trong gia đình. Các nạn nhân tử vong, họ là con anh bên nội, bên ngoại, cậu của vợ, em vợ”, ông Hiền nói.
Ông Hiền cho hay, đây là sự việc không mong muốn, bởi không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất đi người thân trong gia đình. Sau khi xảy ra sự việc, ông đã đến hỏi han, chia buồn cùng gia đình các nạn nhân, hỗ trợ kinh phí cho những người bị thương nằm viện.
“Được là con trai út trong gia đình, vợ tôi bị bại não khi Được mới 1 tuổi. Mình tôi bươn trải nuôi 4 người con ăn học rất vất vả. Được mới làm ăn hơn năm nay nhưng không ngờ lại xảy ra cơ sự này”, ông Hiền buồn rầu nói.
Danh tính 8 người tử vong trong vụ cháy gồm: Kiều Tiến Trọng (SN 2000); Kiều Văn Trúc (SN 2002); Nguyễn Hồng (Sơn, SN 1998); Nguyễn Nho Thành (SN 2001). 4 nạn nhân này đều trú ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Lê Văn Hoạt (SN 1990, trú ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Trần Quang Huy (SN 1997, trú ở phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội); Cấn Thị Tâm (SN 1962, trú ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội); Khuất Văn Thịnh (chưa rõ năm sinh), quê ở xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, Ninh Bình). Hai nạn nhân bị thương được xác định là anh Nguyễn Văn Tiến Anh (SN 2001, trú tại huyện Phúc Thọ) và Nguyễn Duy Tiến (SN 2001, trú tại huyện Phúc Thọ). |
Theo Nguyễn Đức - Việt Linh (Dân Việt)