Sức khoẻ ổn định sau phẫu thuật mũi
Sáng 25/8, chị D. (em gái nạn nhân) cho biết, các bác sĩ đã mổ thành công nâng xương chính mũi cho chị V. sau 3h đồng hồ vào chiều 24/8. Tuy nhiên, theo người thân bệnh nhân, sau gần 1 ngày phẫu thuật, chị V. vẫn chưa thể nói và tự ăn được.
Riêng đối với chẩn đoán ban đầu là chị V. bị gãy xương hàm trên, phía bệnh viện đang hội chẩn lại nhằm đảm bảo chính xác để có thông tin chính thức.
"Sau phẫu thuật, chị V. tỉnh táo nhưng do bị đau, chị chưa thể nói chuyện được. Tôi có trao đổi với bác sĩ và được trả lời rằng bên răng hàm mặt đang hội chẩn để đưa ra phương án phẫu thuật, còn bên tai mũi họng sẽ phẫu thuật mũi cho chị gái tôi trước", chị D. nói với Zing.
Trước đó, vào trưa ngày 22/8, con gái chị V đã gọi điện cho người thân đưa mẹ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu trong tình trạng tổn thương nhiều bộ phận cơ thể.
Bác sĩ Lê Minh Biển - Phó Trưởng Khoa phẫu thuật thần kinh lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, chị V nhập viện trong tình trạng dập xương mũi, gãy xương hàm, chảy máu mắt, trên cơ thể còn có nhiều vết thâm, bầm dập.
Sau khi được cấp cứu, sức khỏe chị V tạm thời ổn định nhưng vẫn phải theo dõi thêm, đặc biệt là ở phần não, bởi nếu có máu bầm hoặc tụ lại thì phải thực hiện phẫu thuẫn ngay.
Chị D. cho biết, từ hôm nạn nhân vào viện, gia đình anh N. có đến xin được thăm hỏi và bồi thường. Tuy nhiên, gia đình chỉ chấp nhận lời thăm hỏi, không nhận bất cứ khoản bồi thường nào.
Toàn bộ vụ việc gia đình sẽ chờ cơ quan công an điều tra, mong muốn vụ việc được xử "đúng người, đúng tội".
Nhưng vẫn chưa thể giám định thương tật
Chiều 25/8, nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, lực lượng công an đã đề nghị được đưa chị V. đi giám định thương tích.
Tuy nhiên, phía bệnh viện không đồng ý với đề nghị trên do sức khỏe bệnh nhân còn yếu, tâm lý chưa ổn định.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định xương hàm của nạn nhân bị giãn rộng, không gãy như nhận định ban đầu nên không cần phẫu thuật. Hiện, sức khỏe của chị V. đang dần hồi phục, dự kiến có thể xuất viện vào tuần tới.
Trao đổi với Dân Việt, luật Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, việc giám định tỷ lệ thương tật sẽ là căn cứ quan trọng để khởi tố bị can về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 2, Điều 134 BLHS 2015.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy, anh N. đã có hành vi cố ý gây thương tích đối với chị V. và kết quả giám định thương tích cho thấy nạn nhân có thương tích, dù dưới 11% nhưng hành vi có tính chất côn đồ thì anh N. vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" với mức chế tài nghiêm khắc.
Nếu hành vi bị xác định thuộc tình tiết định khung có tính chất côn đồ, khung hình phạt có thể áp dụng là 2-6 năm tù (nếu thương tích dưới 31%) hoặc 5-10 năm tù (nếu thương tích ở khoảng 31-60%).
Theo tìm hiểu, chị V. (33 tuổi) hiện là mẹ đơn thân, có quan hệ tình cảm với anh L.T.N. (36 tuổi, kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 1) được hơn 2 năm.
Trong cuộc điện thoại gọi đến cho nạn nhân, anh N. thừa nhận trong lúc uống say, thấy người tình hát với người đàn ông khác nên đã ghen tuông.
Do đó, anh N. không kiểm soát được mà đánh đập chị V. đủ loại hình thức, kéo dài từ 23h đêm 21/8 đến khoảng gần 3h sáng 22/8.
NT (Nguoiduatin.vn)