Liên quan đến vụ căn biệt thự có diện tích hơn 160m2 tại thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai bất ngờ bị đổ sập rạng sáng 24/7, theo thông tin mới nhất được biết, đến ngày 30/7, chính quyền và người nhà vẫn bất lực, chưa thể tiếp cận hiện trường dọn dẹp đống đổ nát, tìm lại tài sản bị vùi lấp.
Chia sẻ với báo Công Thương, chị Đinh Thị Nhung (SN 1990, chị gái anh Đinh Công Thắng - chủ nhân căn biệt thự) cho biết, cả nhà vẫn đang mong từng ngày có thể tiếp cận, thu dọn đồ đạc và tìm thấy di ảnh của bố chị trong căn biệt thự đổ nát.
“Mong muốn lớn nhất của anh em chúng tôi là tìm thấy di ảnh bố. Căn nhà giá trị sập thì bỏ đi coi như của đi thay người, so với 8 người trong gia đình tôi may mắn thoát chết thì căn biệt thự không có nghĩa lý gì”, chị Nhung bày tỏ.
Liên quan đến sự việc trên, chia sẻ với báo Công Thương, ông Đinh Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND xã Phú Mãn cho biết, sau khi căn biệt thự của gia đình anh Thắng bị sập, lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận biệt thự để hỗ trợ gia đình khắc phục. Nguyên nhân do nền đất tại đây vẫn đang rất yếu, trong khi căn biệt thự chưa sập hẳn nên chính quyền địa phương phải hết sức cân nhắc, thận trọng hỗ trợ gia đình dọn dẹp.
Ông Sơn cho biết thêm, chính quyền địa phương thường xuyên xuống gặp gỡ, động viên gia đình. Đồng thời, tư vấn, đưa ra các phương án để họ cân nhắc tiếp tục ở lại trên mảnh đất cũ hay mua đất mới xây nhà để ở, sớm ổn định cuộc sống.
“Nền đất rất yếu, nếu ở lại đây cũng không đảm bảo. Chúng tôi đang tính phương án nếu gia đình đồng ý sẽ hỗ trợ để chuyển sang trồng cây trên nền đất cũ và vận động người thân, người dân địa phương có đất bán lại cho gia đình ở mức giá hợp lý để họ có điều kiện mua, đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn hơn”, ông Sơn cho biết.
Trước đó, chia sẻ với VietNamNet, ThS. KTS Cao Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & Đầu tư ACA, nhận định có những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến biệt thựtrị giá gần 4 tỷ đồng này bị sập.
Theo ông Hoàng Anh, xét về nguyên nhân khách quan, sau nhiều ngày mưa lớn tạo ra dòng chảy trên mặt đất và áp lực của nước ngầm tồn tại trong các lỗ rỗng của đất làm cấu trúc ổn định cơ học ban đầu của đất bị ảnh hưởng.
Mưa lớn cũng làm tăng độ ẩm của đất, độ chặt giảm, từ đó làm cho sức chống cắt của đất giảm mạnh, độ bền của đất bị giảm, giảm ma sát, tăng lực gây trượt….
“Tất cả nguyên nhân trên thúc đẩy quá trình khối đất sườn đồi bị trượt, sạt lở, gây ra hiện tượng nhà bị “trượt”, sập nhà” – ông Hoàng Anh nói.
Bên cạnh đó, vị giám đốc cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan trong quá trình khảo sát, gia cố nền, vật liệu thi công…
Ông đánh giá, thông thường nhà dân dụng có quy mô nhỏ, kỹ sư thiết kế có thể không đánh giá đúng mức địa chất công trình, hoặc thiết kế trên nền đất giả định theo kinh nghiệm. Từ đó sai sót khi đưa ra giải pháp gia cố nền đất, tính toán kết cấu móng trong điều kiện nền đất dốc dễ bị trượt, sạt lở.
Một vấn đề khác cần xem xét là việc công trình xây dựng không được gia cố nền đất hoặc giải pháp gia cố nền đất không đảm bảo, kết cấu móng bị đặt trên nền đất yếu…
Ngoài ra, còn có nguyên nhân liên quan đến thi công vật liệu không đạt yêu cầu, thi công không đúng thiết kế bố trí thép cấu tạo, thép chịu lực không đúng số lượng, kích thước làm yếu kết cấu công trình.
Trước đó, khoảng 5h sáng ngày 24/7, biệt thự của một hộ dân tại thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai bất ngờ bị đổ sập.
Thời điểm xảy ra sự cố, trong nhà có 7 người đang ngủ thì nghe tiếng rung lắc, vữa trên tường bong tróc rơi lả tả. Thấy hiện tượng lạ, những người trong nhà đã hô hoán nhau tháo chạy. Chỉ trong phút chốc căn biệt thự bỗng đổ sập.
Đại diện UBND xã Phú Mãn cũng cho biết thêm, rất may ngôi nhà bị trượt do đất đồi lở, chứ không phải đổ từ trên xuống nên những người trong ngôi nhà kịp thoát ra ngoài.
Được biết, căn biệt thự được xây dựng cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, mấy ngày qua, do ảnh hưởng của mưa nhiều, nền đất sụt lún đã kéo đổ sập căn biệt thự.
Theo Nam An (Nguoiduatin.vn)