Theo ông Đinh Văn Hải, CEO Viện Đào Tạo Kỹ Năng GS, ngoài việc đuổi 3 giáo viên nhét giẻ vào mồm trẻ, chủ cơ sở mầm non này cũng phải chịu 50% trách nhiệm.
Vụ hành hung trẻ mầm non kinh hoàng xảy ra tại TP Đồng Hới, Quảng Bình, khi cháu bé Cù Hoàng Phi Long (15 tháng tuổi) bị 3 giáo viên nhét giẻ vào miệng, trói tay chân và đánh đập ngay tại lớp học, đã khiến nhiều bậc phụ huynh lạnh gáy, sởn gai ốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Hải, Giám đốc điều hành Viện Đào Tạo Kỹ Năng GS – nơi đang tổ chức khóa đào tạo “Kỷ luật không nước mắt” nổi tiếng của Ths Trần Thị Ái Liên cũng không giấu nổi sự phẫn nộ.
Ông nói: “Tôi không thể tưởng tượng được tại sao người làm nghề trông trẻ lại có thể hành động không khác gì dân buôn ngoài chợ. Một hành động khủng khiếp…!
Nếu là phụ huynh của bé đó không biết tôi sẽ điên tiết tới mức độ nào. Khi nhắc tới vụ việc này, trong người tôi cứ sục sôi, nóng phừng phừng”.
Chuyên gia đào tạo của Viện GS, Ths Trần Thị Ái Liên vẫn thường hay nói, nếu không yêu thương trẻ con thì tốt nhất không nên bước chân vào nghề nuôi dạy trẻ.
Nếu không đủ nhẫn nhịn, không đủ sức để chịu đựng được sự hiếu động của trẻ con, thì cách hay nhất là nên lựa chọn nghề khác.
|
Ông Đinh Văn Hải, Giám đốc điều hành Viện Đào Tạo Kỹ Năng GS – nơi đang tổ chức khóa đào tạo “Kỷ luật không nước mắt” nổi tiếng của Ths Trần Thị Ái Liên.
|
Bóc tách nguyên nhân sâu xa của vụ bạo hành bé Cù Hoàng Phi Long tại Quảng Bình, theo ông Hải có nhiều lý do. Thứ nhất, hầu hết các cô giáo đều không có kỹ năng, cách xử lý tình huống cũng như kiến thức về tâm sinh lý của trẻ.
Các bé trong lứa tuổi 15 tháng hay trước 3 tuổi hầu như không hiểu quy luật nhân quả, nên việc quấy, khóc, làm trái ý cô giáo là điều không lạ. Các cô không thể dùng roi hay bạo lực để ứng xử.
Hơn nữa, qua cách trần tình “làm thế để dọa bé” của 3 giáo viên trên, ông Hải cho rằng: “Nhận thức và trình độ của cô giáo có vấn đề. Quan trọng nhất, trái tim của cô giáo đang khô cứng và gần như không có cảm xúc trong tình huống này”.
Thứ hai, nguyên nhân có thể do các cô giáo bị quá tải, mang áp lực khủng khiếp khi phải trông, nuôi quá nhiều cháu. Ví dụ, ở một số trường công, 3 cô giáo mầm non phải trông tới 60 bé.
Đôi khi, các cô giáo trở thành nạn nhân của việc không kiểm soát được cảm xúc, do quá trình trông các bé diễn ra triền miên và dài ngày.
Đây có thể coi là “giọt nước làm tràn ly”, trong một phút giây không kiểm soát được, các cô đã tìm cách để giải thoát cho chính mình.
“Các cô giáo của cơ sở mầm non Sơn Ca ở Quảng Bình đã không kịp dùng lý trí để phân tích được thiệt - hơn, được - mất của hành động bạo hành đó.
Cũng giống như việc nhiều phụ huynh có 1 – 2 đứa con mà không chịu được stress đã ôm con tự tử” – CEO của Viện Đào Tạo Kỹ Năng GS cho biết.
Để xảy ra vụ bạo hành kinh hoàng như vừa qua, theo ông Hải, trách nhiệm của những người đứng đầu cơ sở mầm non này là rất lớn. Chủ cơ sở phải nhận trách nhiệm 50 – 50, trong đó, chủ cơ sở một nửa và các cô giáo một nửa.
“Dù thế nào thì chủ cơ sở mầm non cũng không thể rũ trắng tay được vì khi tuyển vào, người này phải kiểm tra kỹ càng chất lượng nhân sự. Một cô giáo ngoan hiền không thể đột nhiên nhét giẻ vào miệng cháu bé.
Trước đó, chắc chắn các cô này phải có hành động quát, mắng hay dọa dẫm và lẽ ra, những người có trách nhiệm của cơ sở mầm non Sơn Ca phải giám sát, phát hiện và chấn chỉnh, ngăn chặn sớm hơn” – ông Hải nhấn mạnh.
Bị bạo hành: Vết hằn rất sâu trong tim con trẻ
Vụ bạo hành về thể xác và tinh thần với bé Cù Hoàng Phi Long ở Quảng Bình là một việc vô cùng đáng tiếc và đáng thương.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con bị bạo hành như vậy sẽ là một vết hằn rất lâu và rất sâu trong tim các con, khó có thể chữa lành được.
“Bố mẹ bé Long cũng những ai có con bị bạo hành tại trường học nên cho con đi gặp chuyên viên hay chuyên gia về tâm lý để xem bé bị tổn thương ở đâu hay ảnh hưởng điều gì không.
Nếu không có điều kiện thì bố mẹ phải liên tục quan sát con nhiều ngày sau đó, xem bé có biểu hiện của sự sợ hãi hay ám ảnh không, để tiếp tục có cách xử lý” – ông Hải lưu ý.
|
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con bị bạo hành như vậy sẽ là một vết hằn rất lâu, khó có thể chữa lành được. |
Đối với các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi đến lớp, chuyên gia của Viện Đào Tạo Kỹ Năng GS đưa ra lời khuyên, bố mẹ phải liên tục trò chuyện, lắng nghe tâm tư của con trước và sau mỗi buổi học, xem con có thích thú trường đó, có yêu mến hay sợ cô giáo nào không.
Trẻ con thường không biết nói dối. Những ngày đầu tới lớp, bé có thể khóc vì lạ trường, lạ lớp, nhưng sẽ không quá 3 tháng, cùng lắm là 1 tháng, thậm chí, bé nào dễ thích nghi chỉ khóc trong 1 tuần.
Các ông bố, bà mẹ cần phân biệt khóc vì sợ cô giáo hay sợ điều gì đó, nó khác với kiểu khóc do lạ trường, lạ lớp.
“Trước đây, tôi từng cho con đi học trường công, cháu đi buổi đầu rất ngoan, nhưng một hôm dậy muộn, cô giáo dọa nếu khóc sẽ đổi lớp. Về nhà, bé đòi bố “đổi lớp cho con, con không thích học cô ấy nữa vì cô ấy hay dọa”.
Sau đó, tôi đã thẳng thắn trao đổi luôn với cô giáo để hiểu tâm sinh lý của con mình. Nếu không thấy tình trạng cải thiện thì nên đổi trường khác cho con” – ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, hỏi và quan sát bé là 2 điều rất quan trọng cần làm của bố mẹ. Bởi 15 tháng tuổi, bé chưa biết nói nên cần quan sát biểu hiện, thái độ nhất là khi các cô giáo ra đón con.
“Lớp con tôi có 3 cô giáo, khi đón con, chỉ cần để ý một chút là tôi biết cô nào yêu quý con mình, cô nào không yêu.
Bởi thường thì họ không che đậy được lâu. Quan sát ánh mắt của bé khi nhìn thấy cô, nếu cô là người hay dọa, bé sẽ không vui hay vồ vập khi gặp cô giáo.
Khi con về nhà, nên để ý xem bé có bị ngủ mê, khóc hay la hét vào lúc ban đêm hay không hoặc biểu hiện co rúm người khi mơ ngủ hoặc nói gì đó trong lúc mơ. Đó là những biểu hiện để mình cảnh giác” – ông Hải phân tích.
Vị chuyên gia về đào tạo kỹ năng này cho rằng, camera ở trường mầm non chỉ là liệu pháp giúp các bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn, chứ không giúp chúng ta giám sát 100%, bởi camera không thể đặt ở nhà vệ sinh và bố mẹ không thể xem con 24/24.
“Camera không quán xuyến hết được mọi hoạt động, thậm chí còn là nguyên nhân khiến cô giáo trở nên ức chế hơn. Ở những trường có camera, cô giáo trở nên rất tinh vi, nói rít qua kẽ răng hoặc bằng giọng điệu khiến trẻ sợ hãi. Đó là bạo lực về mặt tinh thần.
Thậm chí, đôi lúc, nhân cơ hội, các cô giáo thường kéo trẻ ra chỗ camera không quay tới và trút cơn tức giận lên đầu bé” – ông Hải tâm sự.
Do đó, việc quan trọng nhất là các trường mầm non cần có ban giám sát để có ý thức kiểm tra chất lượng giáo viên một cách tốt nhất. Nếu có camera thì cần có người ngồi trực camera.
Đặc biệt, đối với trường công, nếu hiệu trưởng không có tinh thần từ chối bạo lực, ông Hải khuyên các cha mẹ phải tránh xa ngay.
Chiều 6/10/2015, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình đã ra công văn báo cáo UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT về sự việc xảy ra ở cơ sở Mầm non Sơn Ca, đồng thời đề nghị điều tra làm rõ vụ việc nghiêm trọng này. |
>> Nhật ký đẫm nước mắt của mẹ bé 15 tháng tuổi bị bạo hành
>> Các bảo mẫu lý giải việc "trói chân tay, hành hạ bé 15 tháng tuổi"
>> Cha cháu bé bị trói chân tay cung cấp clip cho công an
>> Vụ bé trai bị trói, nhét khăn vào mồm: Đã đóng cửa điểm trông giữ
>> Vụ bé bị đánh, trói, nhét giẻ vào mồm: "Lạnh cả người"
>> Kinh hoàng: Bé 15 tháng bị 3 giáo viên đánh, trói, nhét giẻ vào mồm
Theo Phương Nhi (Soha.vn/Trí thức trẻ)