Vụ án VN Pharma: Em chồng mà nói không giúp cũng khó!

02/09/2017 09:46:00

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sắp trình Quốc hội trong thời gian tới sẽ quy định những đối tượng kiểm soát lợi ích như em chồng, em dâu, chị dâu,… của người đứng đầu

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sắp trình Quốc hội trong thời gian tới sẽ quy định những đối tượng kiểm soát lợi ích như em chồng, em dâu, chị dâu,… của người đứng đầu.

Làm rõ có ưu ái hay không

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, nói thẳng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu làm rõ hơn nữa vụ VN Pharma, cụ thể là làm rõ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế có liên quan và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước như thế nào về sai phạm nghiêm trọng của VN Pharma. Đặc biệt, cần làm rõ việc em chồng của bộ trưởng làm tại VN Pharma thì doanh nghiệp (DN) này có được hỗ trợ, ưu ái gì trong hoạt động đấu thầu, kinh doanh không. Làm rõ trắng đen là rất cần thiết vì nếu không có liên quan, không có ưu ái thì cũng minh oan cho lãnh đạo Bộ Y tế; còn nếu có chuyện ưu ái thì phải phân xử trách nhiệm rõ ràng.

"Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích theo quy định pháp luật là như vậy nhưng xin nói thẳng ở Việt Nam, ngoài cái lý còn có cái tình. Vì những hoạt động kiểu công ty có người nhà như trường hợp này, nếu nói không có sự hỗ trợ, ưu ái thì cũng khó thuyết phục bên ngoài" - ông Túc nhận định.

Vụ án VN Pharma: Em chồng mà nói không giúp cũng khó! - Ảnh 1.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án Công ty VN Pharma Ảnh: QUỐC CHIẾN

ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết lịch sử Việt Nam đã có Luật Hồi tỵ nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ nâng đỡ, bao che hay câu kết với "người thân" thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền. Thậm chí, khái niệm "người thân" trong Luật Hồi tỵ còn rộng hơn khi xác định là quan hệ cha con, dòng họ, thầy trò, bạn học, người cùng quê… Ngày xưa đã có Luật Hồi tỵ bởi thời đó cũng xảy ra tình trạng này. Vì thế, nhà vua phải đưa ra luật để hạn chế tiêu cực, tham nhũng và cũng là một cách giữ "cán bộ".

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, nhiều người cứ dựa vào luật pháp để giải thích cho hành động của mình và nói là đúng tiêu chuẩn, đúng quy định, quy trình. "Song thực tế các mối quan hệ ở Việt Nam rất rối rắm, phức tạp, nhất là tính cả nể, vụ lợi, bè phái đã làm cho những mối quan hệ vốn lành mạnh như quan hệ thân tộc lại trở thành những yếu tố tiêu cực. Vì vậy, cứ minh bạch hóa quan hệ, vừa giữ được phẩm chất của mình, của cả người thân và đỡ mang tiếng" - ông Quốc góp ý.

Sửa luật để ngăn "người thân", "sân sau"

Một lãnh đạo cấp vụ của Thanh tra Chính phủ, người trực tiếp tham gia Ban Soạn thảo Luật PCTN (sửa đổi), nói thẳng: Việc xây dựng luật tới đây không chỉ xoáy quanh vấn đề người thân thích mà phải có những cơ chế phòng ngừa khác, như mở rộng mối quan hệ phải kiểm soát đối với người đứng đầu nhằm hạn chế các mối quan hệ khác nhau tác động đến thi hành công vụ của cán bộ nhà nước.

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ được trình QH trong thời gian tới đã đề xuất nhiều công cụ, hướng kiểm soát chặt hơn so với luật hiện hành. Ban soạn thảo còn đưa vào dự thảo luật những đối tượng kiểm soát lợi ích như em chồng, em dâu, chị dâu,… của người đứng đầu để lấy ý kiến của QH. Luật sửa đổi sẽ mở rộng danh sách "người thân" vào diện kiểm soát vi phạm về xung đột lợi ích, việc được làm và không được làm. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, nếu vụ việc nào đó có bằng chứng cho thấy chỉ là quan hệ ngoài huyết thống, là quan hệ xã hội nhưng có tác động vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo hướng có lợi thì cũng phải chế tài xử lý.

Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Chánh án Tòa án Quân sự trung ương (Bộ Quốc phòng), nguyên ĐBQH nhiều khóa - đồng tình với những đề xuất mới trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề xung đột lợi ích. Theo ông Độ, quy định "người thân" đang có độ vênh giữa Luật PCTN và Bộ Luật Dân sự. "Rõ ràng có nhiều mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội còn thân thiết, sâu đậm rất nhiều so với người ruột thịt. Vì vậy phải có quy định pháp luật chặt chẽ để phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ những "sân sau" của các nhà quản lý" - ông Độ bình luận. 

"Thời xưa, quan lại thường có lòng tự trọng. Còn thời nay thì hiếm thấy lòng tự trọng mà thấy đối phó với luật pháp nhiều hơn" - ĐBQH Dương Trung Quốc nhận xét.

Cấp phép trước, hậu kiểm sau

Theo một chuyên gia trong ngành dược, quy định trong việc cấp đăng ký thuốc rất chặt chẽ với hàng loạt hồ sơ hành chính và thông tin sản phẩm; hồ sơ chất lượng, tiền lâm sàng, lâm sàng...

Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng Tư vấn cấp số đăng ký thuốc có nhiệm vụ tư vấn cho bộ trưởng trong việc cấp số đăng ký cho thuốc lưu hành tại Việt Nam; các chủ trương về hòa hợp quy chế đăng ký thuốc với các nước trong khu vực và trên thế giới; chính sách về sản xuất, nhập khẩu và lưu hành thuốc tại Việt Nam bao gồm việc sử dụng thuốc trên người Việt Nam để đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc khi cần thiết.

Theo quy định, Hội đồng Tư vấn cấp số đăng ký thuốc hoạt động theo nguyên tắc: ý kiến tư vấn của Hội đồng Tư vấn cấp số đăng ký thuốc phải bảo đảm căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học. Hội đồng này chịu trách nhiệm trước bộ trưởng Bộ Y tế về các ý kiến tham mưu, tư vấn liên quan đến đăng ký thuốc. Bộ Y tế có trách nhiệm giao Cục Quản lý dược có trách nhiệm thành lập các nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc. Nhóm chuyên gia này có nhiệm vụ tư vấn cho Cục Quản lý dược trong việc thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc và đề xuất việc cấp số đăng ký hoặc bổ sung hoặc không cấp số đăng ký thuốc.

Đối với các thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, để được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc giấy phép nhập khẩu) thì yêu cầu tiên quyết về pháp lý là thuốc phải được cấp phép lưu hành tại nước sản xuất. Đồng thời theo quy định chung về đăng ký lưu hành thuốc của tất cả các nước trên thế giới, để được cấp phép lưu hành tại nước nhập khẩu, sản phẩm phải được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, suốt quá trình thẩm định cấp đăng ký sản phẩm thuốc hầu như chỉ trông chờ vào giấy tờ DN cung cấp. Sau khi cấp đăng ký, cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm. Chính vì thế, có tình trạng sau cấp đăng ký cho nhiều loại thuốc được phép lưu hành thì rất lâu sau mới phát hiện thuốc vi phạm chất lượng.

Thực tế, hằng năm, Cục Quản lý dược vẫn thu hồi hàng trăm loại thuốc do vi phạm các quy định về đăng ký và tiêu chuẩn chất lượng. Đơn cử như năm 2015, Cục Quản lý dược từng ra quyết định rút số đăng ký 6 loại thuốc của 1 công ty dược với lý do hồ sơ đăng ký thuốc có tiêu chuẩn chất lượng không đúng với tiêu chuẩn thuốc biệt dược gốc của nhà sáng chế. Trong khi đây đều là các loại thuốc khá phổ biến và được sử dụng nhiều.

Trước đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần xem xét những kẽ hở trong việc thẩm định, cấp đăng ký thuốc. Các DN từng than thở tình hình chung cấp số đăng ký rất khó khăn, có DN chờ đợi hàng năm trời, trong khi đó có công ty vừa mới thành lập, mà trúng thầu rất nhiều địa phương và khi xin cấp visa rất dễ dàng, thời gian rất nhanh.

Trong lĩnh vực đấu thầu thuốc, một số chuyên gia y tế cũng quan ngại nếu hội đồng thẩm định, phê duyệt đấu thầu không thật sự công tâm và có trách nhiệm, chỉ cần để lọt một loại thuốc trúng thầu kém chất lượng thì người bệnh sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Sau vụ việc xảy ra tại VN Pharma, Bộ Y tế cho biết đã phải điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật như: bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến nhập khẩu, đấu thầu thuốc... tại Luật Dược 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017.

Th.Nam


Theo Thế Dũng (Nld.com.vn)

Nổi bật