Vụ "ăn" gần 800 triệu đồng và chuyện cay đắng của nhiều GĐ

06/11/2015 10:11:38

Cuộc sống của những người chăm sóc người bất hạnh ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội, cũng có nhiều nỗi khổ tâm, bất hạnh chẳng kém đối tượng mà họ đang ngày đêm chăm sóc.

Cuộc sống của những người chăm sóc người bất hạnh ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội, cũng có nhiều nỗi khổ tâm, bất hạnh chẳng kém đối tượng mà họ đang ngày đêm chăm sóc.

Câu chuyện về vụ việc ở trung tâm được cho là “ăn chặn” 800 triệu đồng cấp dưỡng cho người tâm thần, cơ nhỡ tại Nghệ An vừa qua gây phẫn nộ trong dư luận.

Sai phạm thì phải xử lý, nhất là với những người ở góc độ quản lý. Nhưng, tôi chỉ nói với bạn, có những môi trường sống bạn không còn phân biệt đúng sai được nữa. Nhất là khi họ sống quá lâu trong những môi trường không còn được bình thường như cuộc sống bên ngoài.
 

Cuộc sống hàng ngày của nhân viên trong trại tâm thần. Ảnh: tintuc


Cũng từ đó, cuộc sống thật của một số cán bộ, nhân viên ngày đêm làm việc tại các Trung tâm Bảo trợ cũng được phơi bày ra công luận.

Đáng tiếc, đó không phải là những ông, những bà với những ngôi nhà khang trang đồ sộ, sở hữu những chiếc xe xịn…, mà là những nỗi éo le không kém những người bất hạnh họ đang chăm sóc.

Ông Lê Công Hùng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc (thuộc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TPHCM) trước đây, từng tâm sự với tôi:

“Nói thật với anh, có những lúc tôi và anh em cảm thấy mình còn bất hạnh hơn một số trại viên ở đây”.
 

Người già neo đơn ở Trung tâm Thạnh Lộc. Ảnh: Người lao động


Trung tâm Thạnh Lộc thời điểm năm 2009 nuôi dưỡng 330 người già và bại liệt. Đặc biệt, trong số những người già, có không ít là những người bị con cháu ngược đãi hắt hủi đuổi ra đường vì nhiều lý do.

Với hơn 330 con người, được chăm sóc bởi chưa đầy 20 cán bộ, nhân viên, sáng chưa bảnh mắt là họ phải đau đầu với việc nấu cơm như thế nào để không bị hụt ngân sách. Thời điểm đó, người già dưới 60 tuổi chỉ nhận trợ cấp 180 ngàn/tháng.

Những đợt bão giá ùa đến khiến cho từng bữa cơm vốn đã héo hắt lại càng héo hắt hơn, nhưng rồi mọi thứ cũng toan liệu xong. Tuy nhiên, số cán bộ, anh em ở Trung tâm hiếm khi có một ngày để nghỉ.

Những người bại não phải chăm sóc từng giờ thì không nói. Những người già neo đơn bệnh tật thường xuyên, gặp lúc trái gió trở trời nên anh em luôn phải túc trực và Giám đốc luôn phải có mặt để đưa ra quyết định.

Ngoài công việc túc trực, chăm sóc, họ phải trồng rau, đào ao thả cá, nuôi gà nuôi lợn để cải thiện bữa ăn cho trại viên, tặng trại viên những bữa ăn “đặc biệt” hơn là những bữa ăn chỉ có cơm, vài miếng thịt và nước canh lõng bõng.

Những hành động đó thì không phải ai cũng hiểu và chắc chắn những anh hùng bàn phím sẽ không thể nào biết được.

Riêng ông Hùng, ít có giao thừa nào ông được về nhà. Vì ngày Tết là ngày buồn nhất của những người neo đơn, ông muốn được ở lại cùng họ.

Có những gia đình ông Hùng liên lạc với con cái mong họ đón cha mẹ họ về ăn Tết thì họ nói cụt lủn: “Ông mà đưa mấy người đó về đây thì tụi tui hết có Tết”.

Dù nhà ông Hùng ngay thành phố, nhưng ông Hùng bảo: "Nhiều khi con lớn như thế nào tôi không hay. Trăm thứ phó cho vợ. Ở trung tâm, từng đó nhân sự chạy vào chạy ra với trại viên cũng đã hết ngày.

Đồng lương đơn thuần chỉ hành chính sự nghiệp, mang tiếng “giám đốc” thế thôi chứ mỗi lần đóng tiền học cho con lại cứ phải trông chờ vào vợ".

Một giám đốc khác của một Trung tâm Bảo trợ xã hội TPHCM (đóng tại Bình Phước), mỗi lần tôi lên thăm anh, khi tiễn ra cổng, anh thường tiễn tôi một chặng rất dài. Anh em bảo rằng, với khách nào anh cũng tiễn thế. Vì…thèm người.

Cái cảm giác “thèm người” bạn đã đọc đâu đó trong “Lặng lẽ Sapa”, thì rất dễ cảm nhận khi bạn đến với anh em nơi đây. Quanh họ là những người neo đơn, những bệnh nhân tâm thần.

Mỗi ngày trôi qua là cái không khí buồn đến thiểu não, những tiếng la hét. Họ chẳng biết nói chuyện với ai và gần như họ cũng tách biệt với thế giới bên ngoài.

Vị giám đốc này kể một chuyện, có lần anh được đi du lịch ở Nha Trang. Khi sang đường anh cứ đứng lớ ngớ đến cả mấy chục phút để chờ xe qua vì đã lâu rồi anh không thấy tình hình xe cô đông đúc như thế.

Nhà anh ở dưới thành phố, mỗi lần về là một lần khó nên không còn lựa chọn nào khác ngoài ở lại trung tâm. “Ở đây rộng rãi. Chứ về dưới, nhà có hơn chục mét vuông, tôi chọn phương án là ở lại trung tâm để tiết kiệm không gian sống cho con”, ông tâm sự.

Phải vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội dành cho người tâm thần, bạn không thể tưởng tượng được cuộc sống của những cán bộ, nhân viên ở nơi đây. Cả một tuổi trẻ của họ gắn chặt với những nơi mà có thể bạn sẽ không sống nổi ở đó được 1 ngày.
 

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở Thủ Đức. Ảnh: tintuc


Nhà báo Phạm Tường Vân từng có 5 ngày đêm trải nghiệm lấy tư liệu viết phóng sự ở hai trại tâm thần nặng nhất miền Trung, trong đó có một trại cực nặng nằm ở vùng hẻo lánh mà bệnh nhân gần như bị người nhà bỏ quên.

Theo chị Vân, các nhân viên trong trại này còn “cực hơn tù khổ sai” vì thường xuyên bị người bệnh đánh đập. Lương thực thì thiếu thốn. Nguồn trợ cấp cho bệnh nhân không đủ nên họ phải tăng gia chăn nuôi, làm vườn để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân và cho chính họ.

Cảnh sống phải nghe tiếng hú hét hàng đêm dần thành quen nên khi ra ngoài cuộc sống bình thường họ cảm thấy “cứ sao sao”. Những điệu bộ cử chỉ của không ít cán bộ về sau cũng… nhang nhác người tâm thần.

Bạn là người bình thường, bạn cứ tưởng tượng mình đang sống một ngày với những người không bình thường, ở một nơi xa xôi hẻo lánh, bạn cảm giác thế nào?

Họ ở đó từng ngày, từng giờ, mũi ngửi đủ thứ mùi, tai nghe đủ thứ tiếng, mắt nhìn đủ thứ cảnh, tay chân hiếm khi được ngơi nghỉ.

Họ xa gia đình, vợ chồng con cái quanh năm suốt tháng và đời sống tinh thần nghèo nàn mỗi ngày cứ dội lên cuộc đời họ. Sự hy sinh không phải là một hành động nữa, mà nó thầm lặng từng ngày, trở thành thói quen.

Theo Cục Bảo trợ xã hội, Việt Nam hiện có 31 Trung tâm bảo trợ chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần!
 
>> Gia cảnh bất ngờ của vị giám đốc nơi “ăn” gần 800 triệu trợ cấp
>> Vụ "ăn chặn" gần 800 triệu: "Tôi không tư lợi dù chỉ một đồng tiền của người tâm thần"
>> "Ăn chặn" gần 800 triệu của người tâm thần: Đề nghị công an vào cuộc
>> Đình chỉ hai lãnh đạo Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An
>> "Ăn" gần 800 triệu ở nơi bữa ăn 3 miếng thịt: Táng tận lương tâm
>> Trung tâm bảo trợ xã hội “ăn chặn” gần 800 triệu đồng
>> Chủ tịch tỉnh Nghệ An chỉ đạo làm rõ việc bữa cơm của bệnh nhân tâm thần
 
Theo Hoàng Nguyên Vũ (Soha.vn/Trí thức trẻ)