Vụ 8B Lê Trực: Hà Nội tiếp tục ra “tối hậu thư”

02/07/2016 08:33:00

Trong báo cáo hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6, thành phố Hà Nội cho biết, đã ra “tối hậu thư” với chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực. Đến ngày 3/7, nếu chủ đầu tư không ký hợp đồng và chi trả kinh phí cưỡng chế thì thành phố cho phép quận Ba Đình tạm ứng chi phí cưỡng chế, đồng thời xem xét biện pháp phong tỏa tài khoản Cty CP May Lê Trực.

Trong báo cáo hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6, thành phố Hà Nội cho biết, đã ra “tối hậu thư” với chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực. Đến ngày 3/7, nếu chủ đầu tư không ký hợp đồng và chi trả kinh phí cưỡng chế thì thành phố cho phép quận Ba Đình tạm ứng chi phí cưỡng chế, đồng thời xem xét biện pháp phong tỏa tài khoản Cty CP May Lê Trực.

Báo cáo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký, cho biết, tiến độ cưỡng chế phá dỡ phần công trình vi phạm là quá chậm. Sau 116 ngày (từ ngày 6/3/2016 đến 30/6/2016), Cty Hải Anh Phát mới phá dỡ được 328 m2 sàn mái tầng 19, tương đương 2,83m2/ngày. 

Thành phố Hà Nội nhận định, chủ đầu tư chây ỳ, không hợp tác, không ký hợp đồng với UBND phường Điện Biên và nhà thầu phá dỡ, chậm tạm ứng kinh phí để thực hiện phá dỡ. Đặc biệt, có tình trạng, một số cá nhân lấy danh nghĩa cán bộ, nhân viên Cty Cổ phần May Lê Trực đề nghị dừng cưỡng chế công trình vi phạm, kiến nghị một số nội dung liên quan đến quyền lợi của người mua nhà, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện cưỡng chế của chính quyền.

Tòa nhà 8B Lê Trực vẫn chưa được xử lý triệt để.  Ảnh: Như Ý.
Tòa nhà 8B Lê Trực vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Như Ý.

Thành phố Hà Nội cam kết, tiếp tục chỉ đạo quận Ba Đình, các ngành chức năng kiên quyết thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu các cá nhân tiếp tục cản trở, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế công trình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình giám sát chặt chẽ việc xử lý vi phạm của chủ đầu tư. Trước ngày 3/7, chủ đầu tư không ký hợp đồng cưỡng chế và chi trả kinh phí cưỡng chế thì thành phố sẽ cho phép quận Ba Đình tạm ứng chi phí cưỡng chế, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, thành phố giao các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất các biện pháp phong tỏa tài khoản của Cty CP May Lê Trực, đảm bảo thực hiện nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Văn bản “lạ” ảnh hưởng tiến độ cưỡng chế?

Tại Thông báo 351/TB-VPCP ngày 2/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc tại số 8B Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị...

Việc cưỡng chế được triển khai dựa trên phương án phá dỡ do chủ đầu tư lập và được thẩm định kỹ lưỡng, đơn vị phá dỡ là Cty Hải Anh Phát cũng do chủ đầu tư thuê. Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, một số người xưng là cán bộ, nhân viên, khách mua nhà của Cty CP May Lê Trực vẫn kiến nghị dừng việc cưỡng chế với lý do đơn vị cưỡng chế không đủ năng lực, không có phương án được phê duyệt.

Tuy nhiên, nhận được đơn đề nghị tạm dừng phá dỡ của những người xưng danh là cán bộ, nhân viên Cty CP May Lê Trực, Thanh tra Bộ Xây dựng lại ban hành Văn bản số 93/TTr-KNTC ngày 18/3/2016, đề nghị Hà Nội xem xét giải quyết kiến nghị bất hợp lý trên.

Ngày 26/4, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định, Quyết định cưỡng chế số 32 được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngày 28/4, lãnh đạo UBND quận Ba Đình đã tiếp dân và khẳng định, việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ với công trình vi phạm tại 8B được thực hiện đúng phương án, giải pháp phá dỡ do Cty CP May Lê Trực phê duyệt và được Sở Xây dựng cơ bản chấp thuận.

Trong thời gian Sở Xây dựng trả lời Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND quận Ba Đình trả lời kiến nghị của những người xưng danh cán bộ, nhân viên Cty CP May Lê Trực, từ giữa tháng 4/2016, việc phá dỡ đã bị ngừng trệ do bị cản trở, còn nhà thầu phá dỡ Cty Hải Anh Phát cũng rút khỏi công trường.

Chủ đầu tư nhiều lần bất hợp tác

Nhận thấy chủ đầu tư có biểu hiện chây ỳ, ngày 1/6, UBND phường Điện Biên tổ chức các buổi làm việc với Cty Hải Anh Phát và Cty CP May Lê Trực (đơn vị chi trả kinh phí cưỡng chế) để ký hợp đồng phá dỡ giai đoạn 1, nhưng chủ đầu tư vắng mặt. 

Ngày 9/6, UBND phường Điện Biên làm việc với Cty CP May Lê Trực để thực hiện Quyết định cưỡng chế số 32, và giải quyết một số nội dung vướng mắc. Theo đó, UBND phường Điện Biên yêu cầu Cty thanh toán tạm ứng kinh phí phá dỡ phần công trình vi phạm theo khối lượng đã phá dỡ và theo hợp đồng số 02/2016/HĐTC, thời gian tạm ứng trước ngày 14/6.

Sau nhiều lần đôn đốc, ngày 16/6, Cty CP May Lê Trực mới tạm ứng 201 triệu trong tổng số hơn 8,7 tỷ đồng được UBND quận Ba Đình phê duyệt để thực hiện cưỡng chế phá dỡ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vì sao công trình vi phạm cứ trơ trơ?

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 30/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Hà Nội có nghiêm túc “đập” nhà 8B Lê Trực không, hay vẫn cứ để trơ trơ như thế? Tôi đề nghị các đồng chí khẳng định cụ thể, lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh lại kỷ cương, trật tự xây dựng đô thị, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, lịch sự. Không thể để công trình này vi phạm kéo dài như vậy được. Chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực đã bị xử lý vi phạm hành chính đến mấy chục lần rồi mà vẫn không xử lý hình sự…”.

Theo Hà Thành (Tiền Phong)

Nổi bật