Ngày 5/8, Sở Y tế Nghệ An đã phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức buổi họp báo thông tin nguyên nhân về sự cố y khoa chạy thận nhân tạo tại bệnh viện này 6 ngày trước đó.
Theo đó, sau khi xảy ra sự cố, phía bệnh viện đã kịp thời cấp cứu các bệnh nhân. Trong số 10 bệnh nhân bị sốc có 4 bệnh nhân có biểu hiện thoáng qua và tự khỏi. 6 bệnh nhân còn lại bị sốt, rét, khó thở được cấp cứu thì có 3 bệnh nhân nhẹ và hết triệu chứng nên được cho về. 3 bệnh nhân còn lại nặng hơn và được chuyển vào viện điều trị.
Sau khi xảy ra sự cố, phía bệnh viện đã dừng tiến hành việc chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, lấy mẫu nước RO gửi Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Hà Nội xét nghiệp. Khi có kết quả sẽ khảo sát lại toàn bộ đường nước, thực hiện test và làm sạch hệ thống cấp nước RO.
Ngoài ra, bệnh viện cũng kiểm tra lại tất cả các quy trình chạy thận, rửa quả lọc, test acid tồn dư, tẩy máy, pha acid 30%, acid MDT. Phía bệnh viện sau đó cũng đã mời chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ.
Ngày 4/8, sau quá trình làm rõ, Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế kết luận, nguyên nhân xảy ra sự cố là do nước. Do hệ thống RO có bộ phận sản xuất và tạo nước RO hoàn toàn bình thường nhưng hệ thống dẫn nước RO đến các máy có những điểm nối và gấp khúc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Tại buổi họp báo, các nhà báo, PV của nhiều cơ quan báo đài đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng nước RO, tại sao hệ thống dẫn nước RO bị gấp khúc dẫn đến nước tồn dư sinh ra vi khuẩn và việc này bệnh viện có biết được hay không tại sao không khắc phục mà để xảy ra sự cố như trên?
Phía bệnh viện cho biết, việc lắp đặt hệ thống dẫn nước RO được lắp đặt trước năm 2016, trước khi Nghi định số 36/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực.
Hội đồng chuyên môn kiến nghị phía bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình, hệ thống chạy thận nhân tạo. Thay toàn bộ hệ thống dẫn nước RO theo tiêu chuẩn quy định.
Trả lời tại buổi họp báo, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nước RO trong hệ thống chạy thận nhân tạo là nước tinh khiết chứ không phải là vô khuẩn nên vẫn có vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm nước RO vừa qua của bệnh viện sau khi xảy ra sự cố là có vi khuẩn vượt ngưỡng (trên 100 vi khuẩn lạc) cho phép.
"Hiện đang nghi ngờ đường ống này đã có mảng bám và nghi ngờ có mảng bám thì phải thay đường ống. Việc tẩy rửa đường ống rất khó nên buộc phải thay hệ thống đường ống dẫn nước này", PGS. TS. Dũng nói và khuyến cáo bệnh viện phải thay ngay đường ống dẫn nước RO.
Liên quan đến việc hệ thống nước dẫn RO bị gấp khúc dẫn đến nước ứ đọng, sinh vi khuẩn, PGS.TS. Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, việc hệ thống dẫn nước RO bị gấp khúc là hoàn toàn bình thường, trong quy định không cấm, nhưng quan trọng nhất là chất lượng nước RO thì mới ảnh hưởng đến việc chạy thận.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hương - Giám đốc bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thừa nhận cho biết thêm, hệ thống nước RO của bệnh viện được nghiệm thụ và đưa vào vận hành năm 2014.
Sau khi xảy ra sự cố, hiện phía Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An đã ký tờ trình xin Sở Y tế cho chủ trương thay lại đường ống dẫn nước RO để đề phòng xảy ra sự cố sau này.
Theo Ngọc Tú (Soha/Trí Thức Trẻ)