Ông Phùng Văn Đ. (ngụ khu Chiềng 3, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) phát hiện mắc bệnh cách đây gần 1 tháng. Từ khi phát hiện, ông chán nản, không thiết ăn uống, sức khỏe yếu đi.
Không nên nghi oan khi chưa có kết luận
Bình thường ông Đ. làm việc đồng áng, đôi khi phụ hồ ở nhiều nơi nhưng ông khẳng định mình sống lành mạnh, không quan hệ lung tung. Nhiều lần ông đã tiêm truyền ở nhà y sĩ H.T.Th (ngụ cùng xã, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn).
Đau lòng hơn, H.N.Q. - đứa cháu mới 18 tháng tuổi của ông cũng mắc bệnh. Cháu là con của chị Phùng Thị Đ. (em gái ông Đ). Khi biết tin Q. nhiễm HIV, cả gia đình bàng hoàng đau xót. "Con tôi nhỏ, không biết nó lây từ đâu, nhìn con ứa nước mắt, thương mà không thể làm gì. Từ lúc 5 tháng tuổi, Q. đã hay đau ốm. Mỗi lần như vậy, tôi đều nhờ y sĩ Th. gần nhà thăm khám, tiêm, truyền. Bây giờ, chúng tôi thật không biết làm thế nào nữa" - chị Đ. ngậm ngùi nói.
Từ 2 năm trước, bà Hà Thị T. (trú xã Kim Thượng) bắt đầu sang nhà y sĩ Th. mua phế liệu cũng như phế phẩm y tế. Nhiều lần bà mua được các bao tải gồm xi lanh tiêm và bịch dịch truyền có găm kim tiêm. Bà phải cùng mẹ y sĩ Th. ngồi gỡ ra để vứt vào một túi riêng. "Người dân sống trên địa bàn đều biết y sĩ Th. luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Tôi cho rằng y sĩ Th. là người tốt, không nên nghi oan cho ông ấy khi chưa có kết luận chính thức" - bà T. nói.
Còn bà Hà Thị P. (39 tuổi, chuyên thu mua phế liệu) cũng khẳng định thông tin y sĩ Th. không thay kim tiêm khi tiêm thuốc cho bệnh nhân hoàn toàn không đúng. Nếu không thay thì sao bà mua được nhiều bịch dịch truyền và xi lanh tiêm, mỗi đợt 10 kg như thế.
Chị H., vợ của y sĩ Th., cho hay cuộc sống gia đình đã bị đảo lộn 1 tháng nay, từ khi rộ lên thông tin chồng chị đã lây nhiễm HIV cho nhiều người. Trước thông tin đó, cả nhà chị đã đi xét nghiệm và đều nhận kết quả âm tính. Từ khi xuất hiện tin đồn, chị không dám ra khỏi nhà. Do suy nghĩ nhiều, chị đã sụt mất 5 kg. Y sĩ Th. vẫn đi làm bình thường nhưng cũng chịu nhiều áp lực.
Dịch tễ rất lạ!
Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - nhận định 42 người mắc HIV trong một xã như Kim Thượng là cao nhưng chưa bất thường. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu, đánh giá về dịch tễ bởi đường lây HIV ở đây rất đặc biệt.
Phú Thọ có số người nhiễm HIV/AIDS xếp thứ 21/63 tỉnh, thành của cả nước với hơn 4.300 người nhiễm và hơn 1.500 ca tử vong. Ngay ở huyện Tân Sơn cũng có 3 xã có số ca mắc HIV tương đồng gồm xã Minh Đài 46 người nhiễm, xã Mỹ Thuận 31 người nhiễm, xã Kim Thượng 42 người.
Xã Kim Thượng mỗi năm phát hiện một vài ca nhiễm HIV. Trường hợp nhiễm đầu tiên xảy ra vào năm 2012. Tuy nhiên, từ năm 2017, số ca bắt đầu tăng nhanh. Giữa năm 2018, 1 người trong xã Kim Thượng tử vong do HIV tại cơ sở y tế nên Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã cử đoàn về khảo sát, lấy 490 mẫu máu của người dân đi xét nghiệm. Kết quả phát hiện 42 ca dương tính với HIV.
"Như vậy, đây không phải là "tự nhiên" hay nhiều người dân "bỗng dưng" nhiễm HIV như thông tin phản ánh ban đầu, mà là sự vào cuộc giám sát chuyên biệt của cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ trên cơ sở phát hiện bất thường từ giám sát thường quy. 42 người mắc này bị nhiễm kéo dài trong một thời gian, một quá trình và ngành y tế địa phương cũng đã chủ động vào cuộc" - ông Cảnh nhận định.
Toàn quốc có 60 xã có trên 50 người nhiễm HIV. Phường có số mắc HIV cao nhất cả nước là một phường ở quận 8, TP HCM với 701 người mắc HIV. Xã cao nhất là xã ở huyện Mường Lay (tỉnh Điện Biên) có 142 người nhiễm HIV.
Đáng chú ý, người nhiễm HIV ở Kim Thượng chiếm phần lớn là phụ nữ (26/42), trong khi tỉ lệ chung cả nước phụ nữ chiếm 1/3 tổng số ca. Hơn nữa, độ tuổi của những bệnh nhân nhiễm HIV ở xã này cũng khá lạ, có nhiều cháu còn rất nhỏ, ngược lại có cụ 80 tuổi cũng mắc bệnh.
Theo ông Cảnh, cháu bé 18 tháng tuổi nhiễm HIV dù mẹ bé không hề nhiễm, chứng tỏ nhiễm qua đường máu. Cạnh nhà cháu bé có 2 vợ chồng bị nhiễm HIV, bị bệnh vẩy nến nhưng không biết mình nhiễm. Có người nhiễm HIV cho rằng có thể họ bị nhiễm trong thời gian đi làm dưới Hà Nội. Một người khác khẳng định không phải nhiễm HIV do tiêm, truyền từ nhà y sĩ trên địa bàn như đồn thổi…
"Hiện chưa có cơ sở để khẳng định có hay không việc lây truyền HIV qua đường sử dụng chung dịch vụ y tế" - ông nói.
Về nguy cơ lây nhiễm HIV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho hay theo Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 10.000 người tiêm chung kim tiêm với bệnh nhân HIV thì có 63 người bị lây. Nếu mọi người dùng chung kéo hoặc kìm cắt móng tay, bàn chải đánh răng với người nhiễm HIV, nếu gây chảy máu thì hoàn toàn có thể lây nhiễm HIV. Do đó, người dân cũng có thể mắc HIV khi đi làm móng tại các tiệm nails (dùng chung kìm bấm móng, kéo, giũa...) hoặc đi gội đầu.
Đề nghị công an vào cuộc
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã thống nhất chỉ đạo quyết liệt theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là đề nghị công an vào cuộc, tiến hành điều tra. Hướng còn lại là nghiên cứu về mặt dịch tễ học và biện chứng. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thiết lập nghiên cứu, đánh giá về dịch tễ, nhóm tuổi, giới và các hành vi nguy cơ để có thể đưa ra kết luận cuối cùng.
"Điều nguy hiểm nhất với dịch HIV là có bệnh nhân, có dịch mà không biết, khi đã không biết có người mắc bệnh thì nó sẽ lây lan rất mạnh. Vấn đề bây giờ là phải giải quyết, lấy quyền lợi, sức khỏe người dân là mục tiêu đầu tiên. Bệnh nhân sẽ được cấp thuốc miễn phí trong 3 tháng, điều trị tại nhà. Nếu tải lượng virus ở mức thấp người bệnh sẽ không lây nhiễm HIV cho người khác và vẫn có thể sinh con bình thường" - ông Cảnh nhấn mạnh.
Theo Huy Thanh- Ngọc Dũng (Nld.com.vn)