Video: Hai thanh niên phải dừng lại xin lỗi vì sờ vòng 3 cô gái giữa phố
Một cô gái gay gắt, lớn tiếng yêu cầu hai thanh niên phải xin lỗi mình đàng hoàng, sau khi họ động chạm vòng ba của cô giữa phố.
Hai người đàn ông liên tục vung tay, nhận sai nhưng nói như hét vào mặt nạn nhân để đòi lại chiếc chìa khóa xe trong tay cô này. Sau đó, họ thanh minh với CSGT: "Chỉ trêu thôi mà".
Nhiều người chứng kiến khuyên hai cô gái bỏ qua, CSGT cũng cho hai thanh niên kia đi ngay để tránh ùn tắc giao thông.
Sau khi clip ghi lại sự việc được chia sẻ, dân mạng đặt câu hỏi: Vì sao để hai thanh niên đi dễ dàng như vậy, bởi rất có thể họ sẽ tiếp tục thực hiện hành vi tương tự với người khác ngay sau đó.
Nhiều chuyên gia, luật sư đều cho rằng trong sự việc này, người cảnh sát nên có cách xử lý khác, thay vì cho hai nam thanh niên đi vì sợ ảnh hưởng giao thông. Ngoài ra, dù cô gái không yêu cầu, hành vi như vậy xứng đáng bị xử phạt.
Không thể lấp liếm hành vi bằng lời xin lỗi hay 'trêu thôi mà'
Trong khi các vụ sàm sỡ, quấy rối phụ nữ và bé gái ở nơi công cộng liên tiếp xảy ra gần đây, vấn nạn này đã trở thành mối lo của toàn xã hội. Cùng với đó, cụm từ "lại phạt 200.000 đồng à" được nhắc tới nhiều lần thay cho sự bất bình về mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe dành cho người vi phạm.
Bởi vậy, việc hai thanh niên sàm sỡ vòng ba cô gái giữa phố mới đây chỉ cần nói xin lỗi và lấp liếm "trêu thôi mà" đã được cho đi khiến nhiều người bức xúc.
"Với cách xử lý cho có như thế, hai gã đàn ông liệu có thật sự nhận ra lỗi lầm của mình khi xúc phạm thân thể người khác không hay lại vui sướng vì thoát nạn dễ như ăn kẹo? Có khi lần sau cái tay quen thói lại cứ thế giở trò xấu xa mà chẳng e ngại gì", Phương Anh (25 tuổi) bức xúc nói sau khi xem xong clip.
Nhận định về sự việc này, luật sư Lê Văn Hoan - văn phòng luật Lê Văn, Đoàn Luật sư TP.HCM - nói theo như ông quan sát, hai thanh niên trong câu chuyện trên có tới 2 lỗi. Một là trêu ghẹo, xúc phạm nhân phẩm người khác. Hai là một trong hai người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Dễ hiểu vì sao dư luận lại bức xúc khi CSGT không lập biên bản xử lý tại chỗ, mà lại bỏ qua lỗi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ dễ dàng trông thấy như vậy. Đó là chưa xét tới việc xử lý hành vi động chạm thân thể người khác.
"Việc CSGT cho hai thanh niên rời hiện trường nhằm mục đích chống ách tắc giao thông có thể thông cảm, bởi họ đang thực hiện nhiệm vụ chính là điều tiết giao thông.Tuy nhiên, trong trường hợp này, họ cũng có thể báo cảnh sát khu vực, yêu cầu các bên về trụ sở công an phường sở tại để giải quyết. Cách làm này vừa tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo tính nghiêm minh là mọi hành vi vi phạm đều phải bị xử lý", luật sư Vũ Tiến Vinh - Công ty Luật Bảo An, Đoàn luật sư Hà Nội - nói.
Hai luật sư đều đồng tình hòa giải chỉ là biện pháp mang tính dân sự, không phải căn cứ để chấm dứt xử lý vi phạm. Ngoài bị phạt tiền vì không đội mũ bảo hiểm, hành vi sàm sỡ cô gái của 2 thanh niên nếu bị phạt hành chính cùng lắm cũng chỉ ở mức 200.000 đồng theo điều 5, Nghị định 167.
Tuy nhiên, không phải vì mức phạt quá nhẹ, không có tính răn đe mà nhắm mắt bỏ qua, không xử lý. Nhất là trong thời điểm dư luận đang rất bức xúc về tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ.
"Vụ việc này hay bất cứ trường hợp quấy rối tương tự nào cũng cần thiết phải được giải quyết đến cùng. Kẻ vi phạm pháp luật phải bị trừng trị để cộng đồng xã hội có nhận thức tốt hơn về quyền được bảo vệ của phụ nữ, tạo thêm động lực để nạn nhân dũng cảm tố cáo hành vi xâm hại", luật sư Vinh nói.
Bỏ qua cho cái sai là tội lỗi, nạn nhân tiếp theo sẽ là mình
Thật khó để phán xét đúng sai khi những người chứng kiến sự việc hai cô gái bị sàm sỡ vòng ba trên phố đã khuyên nạn nhân chấp nhận lời xin lỗi của hai thanh niên rồi cho đi dễ dàng.
Theo Mai Phương - tốt nghiệp khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, chính sự nhắm mắt bỏ qua cho hành vi sai trái, dễ dãi chấp nhận lời giải thích "trêu thôi mà", thậm chí đổ lỗi ngược cho nạn nhân kiểu "không ăn mặc hở hang thì đâu bị sờ"... lại dung túng cho kẻ xấu tái diễn hành vi sàm sỡ ở nơi khác. Trong khi đó, nạn nhân cảm thấy thiệt thòi, ảnh hưởng tâm lý vì không được đám đông lắng nghe, bênh vực,
"Lời khuyên ngăn 'bỏ qua đi', khi ấy, cũng là một tội lỗi. Và khi chính những người từng nói ra câu đó hay người thân của họ trở thành nạn nhân, có thể họ không mong chuyện được giải quyết dễ dàng như thế đâu", Phương nói.
Chị Nga Lê - nhà sáng lập She Will Be Strong, tổ chức có sứ mệnh giúp đỡ phụ nữ Việt Nam trở nên tự tin và khoẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần - nhận định không phải đến bây giờ, những trường hợp phụ nữ bị kẻ biến thái sàm sỡ nơi công cộng tương tự mới được phát hiện. Mà bởi vì gần đây, nhiều người mới dám lên tiếng tố cáo, phản đối, và làn sóng tẩy chay, bản án "cộng đồng" cho những tên này mới được quan tâm.
Chị lấy ví dụ sự việc hai cô gái bị động chạm vòng ba khi đang đi trên đường, chắc chắn có rất nhiều cô gái có thể xác nhận mình cũng từng là nạn nhân. Tương tự, các vụ việc quấy rối trong thang máy, trên xe bus, nơi công cộng đã đặt phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân rất nhiều năm nay.
Theo nhà hoạt động xã hội này, sở dĩ phần lớn nạn nhân bị sàm sỡ đều không dám lên tiếng vì tâm lý e ngại, sợ "quê", sợ không ai ủng hộ, không biết phản ứng như thế nào... Dẫn đến họ có xu hướng "ngậm bồ hòn làm ngọt" nhưng trong lòng rất khó chịu và hoang mang.
Đã có những nạn nhân phải nhờ đến các chuyên gia tâm lý trị liệu vì bị ám ảnh trong thời gian dài sau những hành vi quấy rối, sàm sỡ nơi công cộng.
Là người tổ chức các lớp học tự vệ dành cho phái nữ, chị Nga Lê cho biết khi bị quấy rối, nạn nhân thường sợ hãi, mất bình tĩnh, càng trở nên yếu đuối, dẫn tới dễ bị tấn công hơn. "Sợ" là một trạng thái tâm lý thường xuyên xuất hiện ở các nạn nhân từng bị quấy rối.
Tâm lý bị đổ lỗi vì trang phục (ăn mặc hở hang), cách hành xử (đi đêm), hay phán xét vô lý (làm gái cho người ta trêu) càng khiến nạn nhân không dám lên tiếng, biến họ tự người bị hại trở thành kẻ tội đồ vì đã mời gọi bị dâm ô.
"Trên thực tế, chính những kẻ có những hành vi không đứng đắn mới phải bị tấn công. Các nạn nhân cần lên tiếng một cách dứt khoát và phản ứng đanh thép khi bị quấy rối. Chỉ cần nhìn thẳng mặt kẻ quấy rối và nói thật to: 'Anh làm gì nãy giờ đụng vào người tôi vậy hả?', 'Anh là ai, ngưng đụng chạm vào người tôi đi nhé!', hoặc cư xử thật dũng cảm như hai bạn gái trong clip: Gọi cảnh sát, yêu cầu được xin lỗi ngay lập tức", nhà sáng lập tổ chức She Will Be Strong nói.
Bên cạnh đó, chị Nga Lê khuyên phụ nữ phải chuẩn bị cho mình những phương thức tự vệ để tự bảo vệ chính mình, chuyển tâm lý yếu đuối thành sức mạnh nội tâm để phản kháng lại.
Cuối cùng, toàn xã hội phải có cái nhìn rõ ràng, công bằng về việc phụ nữ bị tấn công tình dục, bao gồm nhiều hành vi, từ lời nói, ánh mắt, hành vi.
Theo số liệu của tổ chức ActionAid tại Việt Nam năm 2016, 67% phụ nữ và trẻ em bị ít nhất một lần quấy rối nơi công cộng. 2/3 những người chứng kiến không làm gì cả.
Nhiều người có lẽ giật mình khi biết điều này và cho rằng: "Làm gì nhiều đến mức ấy". Tuy nhiên, những con số không biết nói dối.
Có lẽ đã đến lúc cộng đồng nên có cái nhìn nghiêm túc và quyết liệt hơn về vấn nạn đáng báo động này, bởi ở thang máy, ngoài đường, hay bất cứ đâu, chúng ta cũng có thể trở thành "miếng mồi" cho "yêu râu xanh".
Theo Thiên Nhi (Tri Thức Trực Tuyến)