Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Thuận, cho biết sau nhiều ngày tìm kiếm, đến chiều 18-7 vẫn chưa có bất cứ tung tích gì của tàu cá BTh 97478 TS cùng các ngư dân gặp nạn trên biển.
Khó tìm kiếm tung tích
Tàu cá BTh 97478 TS do chủ tàu Bùi Văn Toàn (SN 1972; trú phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng, cùng 14 ngư dân đánh bắt tại vùng biển Trường Sa - DK1, mất liên lạc từ ngày 10-7.
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, trong ngày 17-7, tại khu vực tàu cá BTh 97478 TS mất liên lạc vẫn duy trì 11 phương tiện (gồm: tàu biên phòng BP 11.19.01/CN09; tàu Cảnh sát biển 7011; tàu SAR 413 và 8 tàu cá) tổ chức tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Còn theo ông Nguyễn Hùng Tân, thời tiết trên biển khu vực tìm kiếm rất xấu, cộng với độ sâu nước biển lên đến hơn 500 m nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn.
Trước câu hỏi về công tác triển khai tìm kiếm cứu nạn tàu cá BTh 97478 TS được triển khai kịp thời hay chưa, ông Nguyễn Hùng Tân cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ vợ của thuyền trưởng Bùi Văn Toàn vào ngày 12-7, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Thuận đã điều động ngay các tàu cá đang có mặt gần khu vực tàu phát tín hiệu lần cuối để hỗ trợ tìm kiếm. Một ngày sau, tàu CSB 7011 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã xuất phát để đến tọa độ nơi tàu cá BTh 97478 TS gặp nạn. Đến 23 giờ, ngày 14-7, sau buổi làm việc trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận với các đơn vị liên quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động tàu BP 11.19.01 (CN09) cùng 9 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm TKCN Phú Quý xuất phát cùng tàu CSB 7011 và tàu SAR 413 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. "Khi nhận được thông tin từ phía gia đình thì tất cả cơ quan, ban ngành vào cuộc rất nhanh, kịp thời. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo tìm kiếm, tuy nhiên do điều kiện khó khăn khách quan về thời tiết, vùng biển nên việc tìm kiếm chưa có kết quả" - ông Nguyễn Hùng Tân nói.
Báo tin quá trễ
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục Thủy sản Bình Thuận, tàu cá bị mất liên lạc BTh 97478 TS thuộc diện hỗ trợ chi phí đánh bắt vùng biển xa nên điều kiện ra khơi cơ bản thực hiện nghiêm. Các yêu cầu về thiết bị định vị tàu cá, phao cứu hộ, danh sách ngư dân xuất bến được khai báo với lực lượng Biên phòng.
Cũng theo ông Huy, thời điểm tàu mất liên lạc, thời tiết vùng biển khu vực đó không có bão hay áp thấp diện rộng. Tuy nhiên, khả năng cao là tàu bất chợt gặp phải những cơn dông lốc cục bộ nên không xử lý kịp.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, ngư dân Trương Văn Toàn (chủ tàu vây rút chì tại phường Bình Hưng, TP Phan Thiết) cho rằng "thời điểm vàng" để tìm kiếm tàu BTh 97478 TS đã không còn khi tin báo quá trễ.
Theo ông Trương Văn Toàn, ngày 12-7, một tàu cá thu mua của tỉnh Tiền Giang có gọi về cho ông để thông báo việc mất liên lạc với tàu BTh 97478 TS. Ngay sau đó, ông Toàn báo tin cho Chi cục Thủy sản Bình Thuận để kiểm tra tín hiệu giám sát hành trình thì phát hiện tàu của ông Bùi Văn Toàn đã mất liên lạc từ 2 ngày trước. "Nếu việc mất tín hiệu được phát hiện sớm, cơ quan chức năng điều tàu ra khu vực tọa độ được định hướng, dựa theo hải đồ, bắt theo dòng nước thì có khả năng tìm kiếm tung tích. Nhưng khi tàu Tiền Giang báo mất tín hiệu thì lúc đó đã trễ" - ông Trương Văn Toàn quả quyết.
Cũng theo ông Trương Văn Toàn, thời điểm tàu cá BTh 97478 TS mất liên lạc, trên tàu đang chở khoảng hơn 7 tấn hải sản, trong đó có hơn 2 tấn của tàu ông Bùi Văn Toàn khai thác và khoảng 5 tấn từ tàu thu mua của tỉnh Tiền Giang gửi vào.
Ngư dân tự cứu mình
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc tàu cá BTh 97478 TS mất liên lạc đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, qua vụ việc này có thể thấy rủi ro đối với ngư dân là rất lớn nếu việc cung cấp thông tin không kịp thời khi xảy ra sự cố. Ông Mai Thanh Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho rằng thông thường, thời điểm xảy ra tai nạn trên biển thì 24 giờ đầu là "thời gian vàng" để tìm kiếm, cứu nạn. Còn sau đó, do chịu lạnh, chịu đói, chịu khát và xuống tinh thần nên ngư dân bị nạn rất dễ buông xuôi.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Thái, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, nói ở các vùng biển, ngư trường xa việc ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn do khoảng cách địa lý và thời tiết. Vì vậy, ngư dân phải trang bị đầy đủ kiến thức để tự cứu mình, đặc biệt khi ra khơi cần đi theo tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn để tương trợ nhau.
Theo Châu Tỉnh - Kỳ Nam (Nld.com.vn)