Lực lượng đặc công và thợ lặn đã phát hiện và trục vớt thành công khung kính buồng lái của một trong 2 chiếc Su-22. Lúc 16h30, lữ đoàn đặc công 5 tạm ngưng tìm kiếm.
17h45, CTV Duy Hậu từ đảo Phú Qúy cho biết, tàu biên phòng Bp 11-1901 đã cập bến, chuyển những mảnh vỡ máy bay vớt được về Sở chỉ huy đặt tại sân bay trên đảo.
Sau hai ngày máy bay gặp sự cố, đoàn tìm kiếm chưa có thông tin nào về hai phi công Nghĩa và Tú.
|
Đặc công vớt các mảnh vỡ máy bay rơi. Ảnh: Người lao động. |
17h, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết, các bộ phận vừa được trục vớt như buồng kính, đuôi máy bay, thùng dầu phụ… của máy bay tiêm kích Su-22 được lực lượng đặc công tập kết trên tàu biên phòng và có thể đưa về Sở chỉ huy tiền phương trong tối nay.
Hiện một số tàu đã vào đảo Phú Qúy tiếp nhiên liệu và cho cán bộ chiến sĩ nghỉ ngơi. Khoảng 16h30, việc tìm kiếm tạm ngưng để sang ngày 19/4 tiếp tục.
16h, theo báo Dân Việt, các mảnh vỡ vừa trục vớt vào đầu giờ chiều nay được cơ quan chức năng xác định là: 2 thùng dầu phụ, khung kính trước của buồng lái, 1 ống kim loại (chưa rõ là bộ phận gì trên Su-22), cùng một mảnh vỡ nghi là đuôi máy bay.
Trao đổi với chúng tôi, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết, lực lượng đặc công nước (Đoàn đặc công 5) đã tìm thấy và vớt được khung kính buồng lái của một máy bay tiêm kích Su-22. Ngoài ra, các chiến sĩ còn phát hiện thêm một số bộ phận máy bay gần nơi vớt khung kính.
Cùng với những phần máy bay được vớt trước đó, phần khung kính này được đưa về tàu chỉ huy tìm kiếm để phân tích, xác định vị trí chiếc Su-22 gặp nạn.
Hiện lực lượng đặc công, thợ lặn chia làm nhiều kíp, thay phiên nhau lặn tìm máy bay.
14h40, theo báo Tuổi trẻ, thượng tá Hoàng Văn Số chính ủy lữ đoàn đặc công 5 cho biết: các người nhái vừa phát hiện một đoạn chi tiết máy bay hình trụ có chu vi khoảng hơn một vòng ôm. Thượng tá Số phán đoán: "Đây có thể là một đoạn thân máy bay, nằm ở phần đuôi".
Hiện nay, các chỉ huy Đoàn đặc công 5 đã tức tốc từ tàu cứu nạn xuống rừng cao su để đến vị trí phát hiện bộ phận nghi là thân máy bay.
14h25, thượng tá Hoàng Văn Số thông tin: "Các chiến sĩ đặc công đã phát hiện và trục vớt thành công khung kính buồng lái của một trong hai máy bay Su-22. Chi tiết này của máy bay Su-22 đã được chuyển ngay đến tàu chỉ huy, nơi có các sĩ quan của Sư đoàn không quân 370 để phân tích và lên phương án tiếp tục tìm kiếm".
Ngoài ra, các chiến sĩ đặc công nước còn phát hiện một đoạn ống thép dài nhưng đã bị gẫy làm đôi chưa rõ là bộ phận nào của máy bay.
Theo thượng tá Hoàng Văn Số việc phát hiện được khung kính máy bay là thông tin rất quan trọng để xác định vị trí máy bay.
12h, theo VOV, đêm 17 và sáng 18/4, các đặc công cùng thợ lặn chuyên nghiệp đã trục vớt được một số mảnh vỡ, nghi là của hai máy bay tiêm kích Su-22 gặp nạn.
Tuy nhiên đến trưa nay, mảnh vỡ nghi là phần đuôi của Su-22 vẫn chưa được trục vớt vì đang chờ tàu cứu hộ chuyên dụng đến hiện trường.
|
Một mảnh vỡ của máy bay Su-22 được vớt lên. Ảnh: VOV. |
11h30, theo ban chỉ huy tiền phương tại đảo Phú Quý, tàu CSB phát hiện thêm một khu vực có vết dầu loang rộng cách đảo Phú Quý khoảng 15 km. Lực lượng tại hiện trường đang cho tàu đến kiểm tra dấu vết này.
Theo báo QĐND, Đại tướng Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng) đã giao Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chủ trì, chỉ đạo, huy động tối đa các lực lượng không quân, hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư, đặc công nước và tàu thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm 2 phi công và máy bay mất tích.
11h, CTV Ngọc Tâm đang có mặt tại đảo Phú Qúy cho biết, thời tiết vùng biển rất tốt, sóng êm, tầm nhìn xa tạo thuận lợi cho lực lượng đặc công nước khảo sát vị trí phát hiện các mảnh vỡ máy bay.
Tại quận 7, TP HCM, rất đông người thân đã tập trung tại nhà anh Lê Văn Nghĩa (trung tá, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, điều khiển máy bay Su-22 mang số hiệu 5857) để chờ thông tin của phi công này.
10h30, trao đổi với PV trực tiếp từ tàu cứu nạn, thượng tá Hoàng Hồng Song, Phó Lữ đoàn trưởng đoàn Đặc công 5 đang chỉ huy lực lượng tìm kiếm tại hiện trường cho biết: "Đến thời điểm này vẫn chưa xác định rõ bộ phận máy bay được phát hiện hôm 17/4 có phải là đuôi máy bay hay không".
|
Máy bay tìm kiếm vừa đáp xuống sân bay Phú Quý để lực lượng nghỉ ngơi trước khi bắt đầu ca mới. Ảnh: Ngọc Tâm. |
Theo Thượng tá Song, qua mô tả của các đặc công tiếp cận vị trí của bộ phận máy bay rơi và qua phân tích của bộ phận kỹ thuật không quân, thì có thể bộ phận được phát hiện là thùng xăng phụ của máy bay Su 22.
Từ 7h sáng đến nay, đã có 2 kíp đặc công, mỗi kíp 6 chiến sĩ lặn tìm kiếm nhưng vẫn chưa phát hiện gì thêm. 10h30 cùng ngày, kíp thứ 3 sẽ tiếp tục lặn tìm kiếm.
10h, đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Quân huấn Sư đoàn 370, phụ trách sở chỉ huy tiền phương tại đảo Phú Quý, cho biết đã điều 2 tàu quét mìn của Hải quân từ Quảng Ngãi vào hiện trường tham gia tìm kiếm. Dự kiến vào chiều nay, 2 tàu này vào đến vùng biển có 2 tiêm kích gặp nạn.
Hiện tại thời tiết ở vùng biển giữa Ninh Thuận và Bình Thuận có gió cấp 4, thuận tiện cho việc tìm kiếm.
9h, Theo ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh văn phòng Ủy ban PCLB và TKCN tỉnh Bình Thuận, các phần máy bay trên được tìm thấy lúc 16h2 ngày 17/4, tại vị trí cách đảo Đá Bé 11 hải lý về hướng Tây Bắc.
|
Vùng biển nơi 2 chiếc tiêm kích gặp nạn. Đồ hoạ: Nguyên Anh. |
Trước đó, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân cho biết, đã tìm thấy phần đuôi một chiếc Su-22 tại vùng biển giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Vị trí này cách nơi đặt bia đánh dấu mục tiêu cần ném bom luyện tập khoảng 1,5 hải lý, ở độ sâu 32 m dưới mặt nước biển. Các phần máy bay đã được đánh dấu tọa độ để tiến hành trục vớt.
|
Một trong những máy bay tham gia tìm kiếm 2 phi công và tiêm kích Su-22 gặp nạn. Ảnh: Hải An. |
Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn được huy động gồm: Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 918 và Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân), Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công).
8h, trung tướng Võ Văn Tuấn (Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN) đã bay ra hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn.
Theo thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, lực lượng đặc công nước đã được tăng cường để lặn tìm, trục vớt các mảnh vỡ của 2 chiếc Su-22. Bên cạnh đó, hàng trăm tàu cá đang hoạt động trên vùng biển đảo Phú Qúy cũng được thông báo đến hỗ trợ trục vớt, tìm kiếm.
Hai Sở chỉ huy cũng đã được thành lập tại sân bay Thành Sơn, do thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn trực tiếp chỉ đạo và tại đảo Phú Qúy do đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Quân huấn Sư đoàn 370 phụ trách.
Hiện chưa có thông tin gì về hai phi công Lê Văn Nghĩa (trung tá, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, điều khiển máy bay Su-22 mang số hiệu 5857) và Nguyễn Anh Tú (đại úy, điều khiển máy bay Su-22 mang số hiệu 5863, Phi đội phó Phi đội 1).
>> Hôm nay, trục vớt đuôi máy bay Su-22M4
>> Vụ máy bay Su 22 gặp nạn: Các anh đều là những phi công giỏi
>> Vụ 2 máy bay Su-22 gặp nạn: Phát hiện 1 động cơ, 1 cánh máy bay >> Những hình ảnh từ hiện trường tìm kiếm Su-22 rơi
Theo Trường Nguyên - Ngọc An - Công Khang (Zing.vn)