Hành khách đi nước ngoài chờ kiểm tra hành lý ký gửi tại phòng soi của hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 7-4 - Ảnh: T.Thắng |
Phải xuất trình hóa đơn đầu... karaoke
Sáng 7-4, anh B.L. - Việt kiều Mỹ - làm thủ tục xuất cảnh trên chuyến bay JL 750 khởi hành từ TP.HCM đi Nhật lúc 8g40. Khoảng 7g, tại cửa soi chiếu an ninh ngay sau quầy làm thủ tục lên máy bay, nhân viên hải quan sau khi soi các kiện hành lý đã cho dừng lại và yêu cầu anh B.L. báo cho biết trong kiện hành lý có những vật dụng gì.
Anh B.L. thông báo có dàn karaoke của một doanh nghiệp trong nước sản xuất do người thân tặng làm quà.
Theo anh B.L., nhân viên hải quan ngay sau đó đã yêu cầu anh phải xuất trình hóa đơn bán hàng đầu máy karaoke này để tính thuế 10% trên tổng giá trị hóa đơn (!?). Ngạc nhiên bởi đòi hỏi khá “kỳ lạ” này, anh B.L. cho biết đây không phải lần đầu tiên anh trở về nước và xuất cảnh nhưng không bị yêu cầu vô lý như lần này.
Anh nhân viên kia vẫn một mực yêu cầu phải có hóa đơn mới cho hành lý thông qua. Anh B.L. thắc mắc vì sao là hành lý mang theo người, hàng này mua tại VN, anh không hề đòi hoàn thuế sao lại đòi phải có hóa đơn? Nếu vậy du khách sao dám mua hàng tại VN mang về nước?
Vì là Việt kiều, lại phải chuẩn bị cho chuyến bay dài, cũng không dám phản ảnh, khiếu nại vì sợ phiền toái, anh đành về Mỹ trong trạng thái không vui.
Ông N.T.A. (P.13, Q.Tân Bình) kể trong một lần đi Singapore, khi đang chờ kiểm tra soi chiếu hành lý tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hai nhân viên của một công ty du lịch cũng bị một nhân viên hải quan giữ lại vì yêu cầu xuất hóa đơn của mấy đôi guốc gỗ.
Hành khách đi nước ngoài chờ kiểm tra hành lý ký gửi tại phòng soi của hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 7-4 - Ảnh: T.Thắng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về các trường hợp này, ông Trần Đức Minh - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất - cho biết đang đi công tác nhưng khẳng định “nếu đúng như báo Tuổi Trẻ phản ánh thì sự việc này không ổn rồi”.
Theo ông Minh, cơ quan này sẽ kiểm tra lại quy trình, nếu có chuyện này sẽ “làm tới nơi tới chốn và tìm biện pháp chấn chỉnh”. “Tất cả hàng hóa sản xuất trong nước, trong trường hợp này là đầu karaoke, được hành khách mang ra khỏi VN đều không buộc phải kê khai, đóng thuế” - ông Minh cho biết.
Còn trong trường hợp hành khách muốn hoàn thuế VAT, hàng hóa đó phải được mua tại cửa hàng do Chính phủ quy định được hoàn thuế VAT.
Một lãnh đạo sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết cũng nhận được nhiều phản ảnh về việc bị vòi vĩnh khi mang hàng hóa theo trong quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh. “Chúng tôi đã có thông báo với đại diện hải quan về tình trạng này để chấn chỉnh” - vị này nói.
Vị này cũng cho biết ngoài các hộp thư góp ý, tại sân bay cũng đưa vào hoạt động các đường dây nóng (08.38485634 của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, 08.35470427 và 0906871699 của Cảng vụ hàng không miền Nam) để nhận những phản ảnh của hành khách tại sân bay này.
Cho đến nay, theo vị này, khá nhiều trường hợp khách thông báo phàn nàn dịch vụ trong nhà ga, cảng vụ đã giải quyết ngay nhưng chưa có phản ảnh nào về chuyện nhũng nhiễu khi mang hàng hóa ra khỏi VN cũng như nhập cảnh vào VN. Đặc biệt, cơ quan này cũng đã lắp đặt camera giám sát tại khu vực soi chiếu an ninh.
Nhiều cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo cung cấp dịch vụ tại sân bay Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc nhiều hành khách bị nhũng nhiễu, làm khó khi làm thủ tục hải quan xuất nhập cảnh tại các sân bay quốc tế, Cục trưởng Cục Hàng không VN (CAA) Lại Xuân Thanh cho biết có nhiều kênh để hành khách phản hồi với cơ quan chức năng. Theo ông Thanh, giám đốc cảng hàng không (sân bay) sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo cung cấp dịch vụ tại sân bay, liên quan đến hải quan cảng vụ (đại diện của CAA tại sân bay) sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp các hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn. |