Vợ tiêu tiền không rõ nguồn gốc do chồng đưa sẽ là 'rửa tiền'

31/05/2019 13:32:22

Theo hướng dẫn về tội Rửa tiền, nếu biết nguồn tiền do phạm tội mà có song làm ngơ, người sử dụng sẽ bị kết tội.

Sáng 24/5, TAND Tối cao công bố Nghị quyết 03/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành điều 324 về tội Rửa tiền trong Bộ luật Hình sự 2015.

Nghị quyết xác định khái niệm "tiền" bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ, có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản. "Tài sản" bao gồm: vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất, động sản hoặc bất động sản, hữu hình vô hình, các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Vợ tiêu tiền không rõ nguồn gốc do chồng đưa sẽ là 'rửa tiền'
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ một trong các tài liệu: bản án, quyết định của tòa án, tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ quyết định khởi tố vụ án, kết luận điều tra, cáo trạng...).

Để quy kết hành vi "biết tiền do người khác phạm tội mà có" trong tội rửa tiền, cơ quan chức năng sẽ căn cứ việc người phạm tội trực tiếp biết; qua các phương tiện thông tin đại chúng (hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin) hay bằng nhận thức thông thường... Ví dụ, biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng và không có nguồn thu nhập nào khác nhưng người vợ vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ nguồn tiền thì cô này đã vi phạm các dấu hiệu phạm tội nêu trên.

Nghị quyết hướng dẫn "tội phạm nguồn" được hiểu là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội Rửa tiền. Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tất cả tội phạm xét cho cùng bao giờ cũng vì mục tiêu lợi nhuận. Sau khi hoàn tất hành vi phạm tội ban đầu, muốn sử dụng tiền do phạm tội mà có thì người phạm tội phải làm mờ nguồn gốc tiền bất chính. Nếu Bộ luật Hình sự chỉ có hiệu lực trong lãnh thổ Việt Nam thì Nghị quyết này cho phép xử lý cả tội phạm nguồn ngoài lãnh thổ

Nghị quyết 03/2019 có hiệu lực từ ngày 7/7.

Tội Rửa tiền quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi: tham gia trực tiếp, gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có; sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có để kinh doanh, hoạt động khác; che giấu nguồn tiền... thì bị phạt tù 1-5 năm. Nếu phạm tội: có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, có tính chất chuyên nghiệp, tiền, tài sản phạm tội trị giá 200-500 triệu đồng, thu lời bất chính 50-100 triệu đồng... mức phạt tù sẽ từ 5 đến 10 năm.

Hình phạt cao nhất với tội này là 15 năm tù nếu có một trong các tình tiết: tiền, tài sản phạm tội trị giá 500 triệu đồng trở lên, thu lời bất chính 100 triệu đồng trở lên, gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia... Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Theo Bảo Hà (VnExpress.net)

Nổi bật