Vỡ đường ống nước sạch sông Đà: Trách nhiệm TP Hà Nội đến đâu?

28/07/2015 14:38:46

Trước tình trạng đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội liên tục xảy ra sự cố khi bị vỡ đến lần thứ 12 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng vạn người dân Thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm...

Trước tình trạng đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội liên tục xảy ra sự cố khi bị vỡ đến lần thứ 12 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng vạn người dân Thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm với người dân chứ không thể khoán trắng cho doanh nghiệp.

Tháng 9 khởi công đường ống số 2 (?)
 
Chiều 27/7, trao đổi với phóng viên về tình trạng liên tục xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội, đại diện Công ty CP Đầu tư Xây dựng & Kinh doanh nước sạch (Viwaco) thừa nhận: “Đường ống dẫn nước chứ không phải cái kim nên khi bị vỡ không thể giấu được. Vì vậy khi biết đường ống xảy ra sự cố lần thứ 12 vào ngày 24/7, Công ty đã thông báo cho khách hàng vì chúng tôi liên tục nhận được điện thoại của người dân, doanh nghiệp. Hiện lượng khách hàng của chúng tôi không phải ở con số 70.000 mà phải là 150.000 nên việc mất nước, thiếu nước rất nghiêm trọng”.
 

Đường ống dẫn nước sạch sông Đà liên tục bị vỡ khiến 7 vạn dân thủ đô ảnh hưởng.


Khách hàng có thể kiện

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đường ống nước thường xuyên vỡ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Theo quy định, người dân có thể yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại tiền, phải làm lại đường ống nước mới đảm bảo chất lượng. Người dân có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Đại diện Viwaco cho hay, dù sự cố vỡ đường ống lần thứ 12 đã sớm được khắc phục ngay sau đó nhưng một số khách hàng ở khu vực cuối nguồn hoặc có cốt địa hình cao có thể xảy ra tình trạng nước yếu hoặc thiếu nước. “Chúng tôi làm dịch vụ nên phải thông báo việc cấp nước sẽ hạn chế trong vài ngày tới. Bởi hiện vấn đề áp lực nước giảm nhiều nên ở khu vực xa nguồn nước như một số khu vực thuộc địa bàn Hoàng Mai, Thạch Thất..., tình trạng cung cấp nước sẽ không được như bình thường. Điều này là bất khả kháng vì chúng tôi cũng là khách hàng của nhà máy nước sạch sông Đà. Khi vỡ nước chúng tôi cũng bị thiệt hại nặng. Ước tính mỗi ngày doanh nghiệp thiệt hại doanh thu 1 tỷ đồng vì không có nước bán”, đại diện Viwaco cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) - đơn vị đang quản lý vận hành nhà máy nước sạch sông Đà lại lý giải, sự cố vỡ đường ống nước xảy ra lần thứ 12 vừa rồi chỉ là rò rỉ(?!). “Áp lực nước có giảm nhưng cơ bản vẫn bình thường so với trước khi vỡ. Còn hôm Chủ nhật xảy ra sự cố chỉ là rò rỉ, nên sau đấy chúng tôi đã cho vá lại ngay”, ông Tốn phân trần. Đề cập về thời gian khởi công dự án đường ống số 2, phía Viwasupco cho hay, hiện vẫn trong giai đoạn các cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ kỹ thuật. “Chúng tôi đang cố gắng tháng 9 này khởi công. Khi thi công thì sẽ rất nhanh, tầm 6 đến 7 tháng là xong thôi”, đại diện Viwasupco nói.

Hà Nội đã nhìn ra vấn đề

Trao đổi với Tiền Phong chiều 27/7, một vị cán bộ UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Đường ống bị vỡ, thành phố đã có chỉ đạo, yêu cầu Cty sớm khắc phục, cung cấp nước cho người dân. Tuyến ống số 2 đã được Chính phủ chấp thuận, giao Tổng Cty Vinaconex triển khai. Theo kế hoạch đã bị chậm nhưng thành phố cũng chỉ đôn đốc phía chủ đầu tư sớm triển khai thôi. Thành phố đang đẩy nhanh việc sẽ triển khai dự án nước mặt sông Hồng do mình là chủ đầu tư”.

Theo ông Chu Sơn Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, việc đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội liên tục xảy ra sự cố đòi hỏi Hà Nội phải khẩn trương triển khai đường ống nước số 2. “Việc triển khai khẩn trương đường ống số 2 cũng là một giải pháp khắc phục nhanh tình trạng nói trên. Đây là tồn tại của giai đoạn trước (chất lượng đường ống số 1 - PV) mà cơ quan điều tra đang vào cuộc rồi”, ông Hà phân tích.

Theo ông Chu Sơn Hà, thành phố phải chỉ đạo không khoán trắng cho doanh nghiệp, vì nước sạch là vấn đề an sinh xã hội. “Ở đây trách nhiệm của lãnh đạo thành phố là có, song việc mua nước còn là thỏa thuận dân sự. Một mặt liên quan đến việc chỉ đạo của cơ quan nhà nước để ổn định an sinh xã hội, mặt khác liên quan đến trách nhiệm của người cấp nước. Do vậy, cần phải giải quyết hài hòa cả hai nội dung này”, ông Hà nêu rõ.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, vì liên quan đến quyền lợi của người dân, của khách hàng nên việc triển khai đường ống 2 sắp tới, Hà Nội cần phải tính kỹ. “Nếu để phụ thuộc vào doanh nghiệp tiếp là “chết dở”. Cái này Hà Nội đã nhìn ra vấn đề rồi. Trước đây nói với nhau, thôi thì họ sai sót do không lường hết được mọi chuyện, nhưng họ có thuận lợi vì là doanh nghiệp, có nghiên cứu khả thi toàn tuyến rồi, lại có hẳn nhà máy chuyên sản xuất… Nhưng bây giờ cơ quan Công an mới phát hiện ra chủ đầu tư này còn sai từ thiết kế, đến quy trình làm vật liệu đường ống. Do vậy Hà Nội cần phải tính trước việc triển khai đường ống số 2 và khi làm phải giám sát kỹ”, ông Nam đưa ra ý kiến.
 

Vẫn đang thẩm định dự án đường ống số 2

Ông Phạm Chí Sơn, Giám đốc Ban Đối ngoại – Pháp chế, Tổng Công ty CP Vinaconex cho biết, “Vinaconex vừa làm việc với Cục Giám định về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) về dự án đường ống nước sông Đà số 2. “Dự án rất phức tạp, quy mô lớn nên thời gian thẩm định lâu”. Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, dự án đường ống số 2 hiện đang trong quá trình thẩm định với ban chuyên môn của Bộ Xây dựng. “Còn nhiều thủ tục để đi đến triển khai dự án, Bộ đang làm đúng quy trình. Chúng tôi còn họp thẩm định tiếp và sẽ có kết luận công bố rộng rãi trên thông tin truyền thông vì đây là dự án nhận được nhiều sự quan tâm của người dân”, ông Hùng nói.
 
>> Đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 12
>> Dự án đường ống số 2 thất hứa đến bao giờ?
>> Vỡ ống nước sông Đà lần thứ 11: Cuống cuồng khắc phục
>> Đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 11
>> Vệ sinh vào túi bóng, hôm sau vứt vì thiếu nước sạch
 
Theo Nhóm PV (Tiền Phong)

Nổi bật